Thứ Tư, 15/10/2014, 08:34 (GMT+7)
.

Đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT

Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) và phương án Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng quyền thu phí đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Ảnh: Vân Anh
Tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã phát huy hiệu quả sau khi đưa vào sử dụng. Ảnh: Vân Anh

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tính toán phương án phân kỳ đầu tư, bảo đảm đáp ứng nhu cầu giao thông và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư; đồng thời, tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ để thu xếp nguồn vốn đầu tư, bao gồm cả đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải căn cứ vào tính cấp bách của Dự án để quyết định và chịu trách nhiệm về việc chỉ định nhà đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải xác định nguồn vốn để hoàn ứng vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng ngày 29-11-2009. Đây là một bộ phận của Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ (gồm 3 đoạn TP .Hồ Chí Minh - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ) có mục tiêu rút ngắn khoảng cách và thời gian lưu thông giữa trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc hệ thống trục đường cao tốc Bắc - Nam. Dự án thuộc danh mục các công trình trọng điểm quốc gia.

Toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc này đi qua địa phận tỉnh Tiền Giang, với tổng chiều dài khoảng 54 km. Mặt cắt ngang của đường cao tốc được thiết kế theo quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn dừng xe khẩn cấp với tổng bề rộng nền đường từ 25,5 - 26,5 m. Toàn tuyến có hơn 60 cầu các loại và các công trình, thiết bị phục vụ khác.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.