Thứ Hai, 13/10/2014, 09:45 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp chưa có thương hiệu thì chưa thể gọi là thành đạt

Thời kinh tế thị trường, trong xu thế hội nhập, cụm từ “thương hiệu” (TH) đã trở nên quen thuộc. Xây dựng TH, giữ vững TH hay quảng bá TH đang là những vấn đề tất yếu trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với doanh nhân Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang. Ông Trần Đỗ Liêm nhận định:

Dây chuyền công nghiệp sản xuất Chip LED của Công ty cổ phần Duhal.                                                                                                                                                                Ảnh: THẾ ANH
Dây chuyền công nghiệp sản xuất Chip LED của Công ty cổ phần Duhal. Ảnh: Thế Anh

Một trong những sai lầm thường gặp nhất hiện nay của các DN là mong muốn có một TH mạnh, nhưng lại không thực hiện bước khởi đầu căn bản nhất là xây dựng chiến lược TH. Không có chiến lược TH, công tác quản lý và phát triển TH sẽ gặp rất nhiều khó khăn và việc kinh doanh sẽ ít hiệu quả.

Ngày nay, các DN Việt Nam đã hiểu rõ được giá trị TH là gì, tại sao giá trị TH lại quan trọng đối với sự phát triển bền vững của DN? Đồng thời, các DN này cũng đang từng bước xây dựng giá trị TH ngày càng mạnh hơn. Mặc dù vậy, phần lớn các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN Tiền Giang, vẫn đang còn lúng túng trong việc thay đổi nhận thức về giá trị TH đối với DN mình và chưa thật sự chú trọng đầu tư để xây dựng TH và giá trị TH.

* Phóng viên (PV): Thế theo ông, việc xây dựng TH bắt đầu từ đâu?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Như đã nói, DN không có TH thì không thể gọi là thành đạt được. Xây dựng TH có thể bắt đầu bằng các yếu tố: Đó là tạo sự khác biệt, để có sản phẩm mới và độc, khi đó mới có thể tự định giá, tăng lợi nhuận. Kế đến là hiểu tâm lý khách hàng, uy tín của sản phẩm, dịch vụ;  uy tín này giúp cho khách hàng nhớ đến sản phẩm của mình, mà còn giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho ta nữa. Sau nữa là đội ngũ nhân viên và văn hóa DN.

Tóm lại, việc xây dựng TH phải bắt đầu với “nội tại” của mình đó là: Chất lượng, uy tín và bảo hành tốt, sau đó là quảng bá sản phẩm thông qua quảng cáo; việc quảng cáo này phải có tính hệ thống, liên tục. Và để có được nền tảng “nội tại” tốt, thì vấn đề nguồn nhân lực rất quan trọng, yếu tố con người quyết định tất cả, từ người làm chủ đến các chuyên viên và công nhân.

Làm thế nào để khai thác nguồn nhân lực sao cho “luôn mới” và tận dụng khả năng sáng tạo của nhân viên. Một yếu tố nữa trong xây dựng TH là cần phải xây dựng văn hóa DN, có thế thì TH mới bền vững, DN đó có tồn tại được hay không, được người tiêu dùng chấp nhận hay không thông qua văn hóa ứng xử với cộng đồng của DN.

* PV: Thời gian gần đây, có nhiều DN quảng cáo chất lượng, thương hiệu sản phẩm của mình thông qua các danh hiệu, bằng chứng nhận. Theo ông, đây có là thực chất ?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Các danh hiệu, cúp chứng nhận có giá trị khẳng định về mặt xã hội, như được xã hội công nhận; còn các bằng khen của Nhà nước là một chứng nhận của chính quyền về những nỗ lực của DN đó. Đây cũng là 2 yếu tố quan trọng xây dựng nên TH của DN.

Dây chuyền sản xuất  chip led của công ty Duhal.
Dây chuyền sản xuất chip led của công ty Duhal.

* PV: Tuy nhiên, dư luận đang đặt vấn đề về các danh hiệu, cúp chứng nhận, cho rằng tất cả đều có thể mua được. Ông nhận xét thế nào về việc này?

* Ông Trần Đỗ Liêm: Việc tôn vinh DN, chứng nhận sản phẩm là làm theo thế giới khi ta đã hội nhập. Đây là sự tôn vinh, chứng nhận của xã hội, chớ không phải của Nhà nước. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay hơi lạm dụng chuyện này vì không phải tổ chức nào đứng ra làm đều có uy tín, mà phải nói là có yếu tố kinh doanh. Hiện cả nước có đến 50 tổ chức có thể đứng ra phát thưởng về chất lượng sản phẩm, thậm chí có cả tờ báo ngành cấp tỉnh cũng làm chuyện này. Đây thể hiện sự quản lý chưa chặt chẽ của Nhà nước.

Những tổ chức này chủ yếu là xét trao tặng danh hiệu qua các hồ sơ gởi lên và căn cứ vào các bằng khen, thành tích mà cơ sở đó đã được Nhà nước công nhận chớ không có đi thực tế DN và có “cho giá” để xét hẳn hoi, trung bình là vài chục triệu đồng cho một cúp, bằng chứng nhận.

Tuy nhiên, nếu xét sâu xa thì đây cũng là một hình thức quảng cáo cho DN hiệu quả và rẻ tiền nên nhiều DN đã chọn dù là xây dựng TH chưa thực chất. Tôi nghĩ Nhà nước cần chấn chỉnh vấn đề này. Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo dừng chương trình bình xét, tôn vinh và trao giải thưởng “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác” do Liên hiệp Hội KH-KT tổ chức vì có những thông tin sai lệch về việc tổ chức giải thưởng và việc thu phí của các DN tham gia là trái với quy định.

Tóm lại, muốn phát triển bền vững, DN cần có chiến lược xây dựng TH, nhưng TH này phải là thực chất.

* PV: Xin cảm ơn ông!

SƠN PHẠM (thực hiện)

.
.
.