GODACO đầu tư lớn vào sản phẩm giá trị gia tăng
Một dự án có vốn đầu tư 20 triệu USD dự kiến được khởi công vào cuối năm 2014 chuyên sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng, mở ra một chiến lược sản xuất, kinh doanh mới cho Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO).
Dây chuyền chế biến của GODACO. |
1. Nói về chiến lược kinh doanh này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO, cho rằng một thời gian dài ngành chế biến thủy sản nói chung và của GODACO nói riêng chỉ tăng trưởng chủ yếu dựa vào quy mô và xuất khẩu sản phẩm thô.
Tức là chỉ tập trung đầu tư mở rộng nhà máy chế biến và chủ yếu xuất khẩu theo dạng nguyên con hoặc fillet. Tăng trưởng về quy mô chỉ mang tính nhất thời, chỉ có tăng về chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng (GTGT) mới mang tính bền vững. Bởi tăng về quy mô có giới hạn, đến mức nào đó sẽ không tăng được nữa.
“Tuy nhiên, muốn đầu tư vào sản phẩm GTGT ít nhất phải lành mạnh về tài chính, tập trung đầu tư vào nguồn lực lao động có tay nghề cao, nghiên cứu tìm thị trường và làm ra các sản phẩm có tính khác biệt. Nói thì dễ nhưng làm rất khó. Ai cũng có thể nói được nhưng không phải ai cũng làm được. Nhưng GODACO sẽ quyết tâm. Chỉ có thế mới mong phát triển bền vững được” - ông Nguyễn Văn Đạo nói như thế.
Theo phân tích của ông Nguyễn Văn Đạo, thực tế là thước đo về sản phẩm nào mang tính GTGT cũng là điều còn bàn cãi khá nhiều. Riêng đối với GODACO hiện tại, sản phẩm mang tính GTGT đúng nghĩa cũng chỉ chiếm 5% trong tổng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hàng năm. Bởi sản phẩm GTGT phải dựa trên nền tảng là sản phẩm mới, công nghệ mới và mang tính độc quyền của mỗi doanh nghiệp (DN).
Cái khó của các DN nói chung, của GODACO trong thời gian qua là không đủ nguồn lực đề đầu tư vào sản phẩm GTGT. Đó là nguồn lực tài chính, con người, trong khi thị trường tiêu thụ nhóm sản phẩm này luôn luôn có nhu cầu cao. Và cái chính là DN có chấp nhận hy sinh một thời gian đầu tư ban đầu hay không.
Mục tiêu của GODACO trong vòng 3 năm nữa sẽ tạo ra sản phẩm có GTGT chiếm từ 30 - 40% trong tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Để thực hiện được mục tiêu này, cuối năm 2014 GODACO sẽ khởi công xây dựng nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm mang tính GTGT cao. Để chủ động sản xuất, công ty sẽ nhờ các chuyên gia về thực phẩm của Nhật hỗ trợ.
Cũng từ nguyên liệu thô là cá, tôm, nhà máy sẽ tạo ra hàng chục sản phẩm chế biến khác nhau, đưa thẳng vào các siêu thị, tập đoàn kinh doanh thực phẩm. Khi nhà máy chế biến sản phẩm GTGT đi vào hoạt động ổn định, GODACO sẽ giảm dần quy mô chế biến các sản phẩm thô như hiện nay.
“Theo đánh giá chung, hiện nay số lượng nhà máy trong ngành Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam rất lớn nhưng giá trị thực mang về hàng năm không cao, trong khi ở một số nước quy mô nhà máy rất nhỏ nhưng hàm lượng giá trị mang về rất lớn. Điều này chứng tỏ một điều là số vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả cao” - ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.
Một số sản phẩm GTGT của GODACO. |
2. Thành lập vào năm 2003 tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, GODACO bắt đầu tham gia vào ngành hàng thủy sản xuất khẩu từ con nghêu và sớm trở thành một trong những DN xuất khẩu nghêu hàng đầu của cả nước, cùng với các công ty:
Aquatex Bến Tre, Baseaco, Ngọc Hà, Sotico và Việt Phú. GODACO cũng sớm đạt được chứng nhận chuỗi cung ứng sản phẩm MSC cho mặt hàng nghêu trắng Bến Tre (Meretrix Lyrata).
Với lợi thế này, sản phẩm nghêu trắng của công ty tạo nên dòng sản phẩm mới cho các siêu thị lớn tại thị trường châu Âu, với mã số DL354 và DL380, nơi mà sản phẩm MSC đã và đang được ưa chuộng.
Trong những năm gần đây, do bị phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nên nguồn cung cấp nguyên liệu nghêu hết sức hạn chế, cạnh tranh thu mua nguyên liệu ngày càng trở nên gay gắt.
Để phát huy năng lực cơ sở vật chất và đội ngũ nhân sự, GODACO đã tham gia vào lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá tra.
Rút kinh nghiệm về nguồn cung nguyên liệu, song song với việc xây dựng dây chuyền chế biến cá tra, GODACO đã đầu tư xây dựng vùng nuôi cá tra tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long để tự cung cấp một tỷ lệ an toàn nguyên liệu cho hoạt động của nhà máy chế biến.
Đến nay, vùng nuôi đã mở rộng trên 100 ha, trong đó phần lớn đã được chứng nhận Global GAP. Để tạo thế cạnh tranh, GODACO cũng mạnh dạn lên kế hoạch đầu tư nhà máy chế biến thức ăn cho cá tại Vĩnh Long. GODACO đã mua lại 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Hiệp Thanh 5 với công suất nhà máy đạt 10 tấn thức ăn/giờ.
Nhờ chủ động sản xuất thức ăn, mỗi kg thức ăn tự sản xuất đã tiết kiệm hơn 1.000 đồng so với thức ăn mua từ nhà cung cấp bên ngoài, đóng góp không nhỏ trong tổng lợi nhuận của công ty.
Đầu năm 2014, GODACO đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến xuất khẩu mới, nên dự kiến kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 80 triệu USD trong năm 2014. Trong định hướng phát triển, GODACO tiếp tục đầu tư vào vùng nguyên liệu lên 230 ha, đáp ứng 70% nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Đồng thời, GODACO tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 3 dây chuyền chế biến thức ăn; xây dựng khu ký túc xá 150 phòng, tăng thêm chỗ ở cho công nhân, quan tâm bảo đảm việc làm, chế độ phúc lợi và thu nhập ổn định cho 2.000 lao động; đầu tư, trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại cho phòng thí nghiệm của mình, nhằm đảm bảo sản phẩm đáp ứng mọi đòi hỏi khắt khe nhất về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm 2013 GODACO đã xuất khẩu được 40 triệu USD, sang các thị trường châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ… và giữ vị trí tốp đầu về giá trị xuất khẩu trong ngành Thủy sản của tỉnh.
PHƯƠNG ANH