Thứ Ba, 07/10/2014, 05:41 (GMT+7)
.

Hội chợ CNNT&TM: Cơ hội quảng bá sản phẩm của các địa phương

Từ ngày 29-9 đến ngày 4-10, Sở Công thương phối hợp với Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công Thương) tổ chức Hội chợ Công nghiệp nông thôn và Thương mại năm 2014 tại TP. Mỹ Tho. Hội chợ là một trong những hoạt động thuộc chương trình khuyến công năm 2014.

Tại hội chợ không có sự xuất hiện các loại sản phẩm, hàng hóa của các thương hiệu lớn, mà chủ yếu sản phẩm, hàng hóa được trưng bày, buôn bán là thương hiệu của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Khách hàng mua sắm tại gian hàng của DNTN gốm sứ Đại Hồng Phát đến từ tỉnh Bình Dương.
Khách hàng mua sắm tại gian hàng của DNTN gốm sứ Đại Hồng Phát đến từ tỉnh Bình Dương.

Hội chợ Công nghiệp nông thôn và Thương mại năm 2014 có quy mô hơn 600 gian hàng của hơn 150 tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở trong và ngoài tỉnh đăng ký tham gia trưng bày, kinh doanh và mua bán sản phẩm. Trong đó, Tiền Giang có 41 doanh nghiệp tham gia với 100 gian hàng.

Những ngành hàng được trưng bày, kinh doanh, mua bán tại hội chợ gồm các sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản; lương thực, thực phẩm; máy móc, thiết bị cơ khí nông nghiệp; sản phẩm may mặc, giày da; sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề; sản phẩm trang trí nội thất; hàng công nghiệp kim khí điện máy, sản phẩm điện - điện tử; công nghệ thông tin, dịch vụ bưu chính viễn thông; thuốc bảo vệ thực vật, các loại giống cây trồng, hàng tiêu dùng phục vụ đời sống và phát triển nông thôn.

Để thu hút sự quan tâm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, các doanh nghiệp tham gia hội chợ còn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tặng kèm sản phẩm.

Hầu hết các gian hàng tại hội chợ đều trưng bày, kinh doanh, buôn bán hàng hóa, sản phẩm là thương hiệu của các địa phương như: Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Khánh Hòa, Bình Phước, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Gia Lai... Trong đó, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng gỗ của các doanh nghiệp đến từ các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Phước chiếm đa số các gian hàng tại hội chợ, với đa dạng mặt hàng như: Tủ, ghế, bàn, giường...

Theo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng gỗ, tham gia hội chợ lần này chủ yếu là trưng bày, giới thiệu, quảng bá các mặt hàng gỗ do đơn vị mình sản xuất để người tiêu dùng làm quen chứ chưa thể đặt mục tiêu doanh thu từ việc mua bán, do giá thành các mặt hàng gỗ còn khá cao, từ vài triệu đồng cho đến hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho một mặt hàng gỗ.

Đối với Cơ sở sản xuất Bánh phồng sữa Nhơn Hoàng (huyện Cái Bè), thì Hội chợ Công nghiệp nông thôn và Thương mại 2014 là một “kênh” giúp cơ sở tiếp cận, quảng bá sản phẩm, thương hiệu đến người tiêu dùng có hiệu quả.

Chị Trần Hoàng Trúc, Chủ Cơ sở sản xuất Bánh phồng sữa Nhơn Hoàng cho biết, với 1 cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ như cơ sở của chị thì không dễ dàng gì được tham gia vào một kỳ hội chợ lớn như Hội chợ Công nghiệp nông thôn và Thương mại 2014.

Do đó, ngay trong lần đầu tiên được tham gia hội chợ, cơ sở sản xuất Bánh phồng sữa Nhơn Hoàng đã tranh thủ tiếp thị sản phẩm bánh tráng sữa với người tiêu dùng bằng nhiều cách như cho ăn thử và bán sản phẩm với giá “mềm”, chỉ từ 28.000 - 40.000 đồng/1 chục bánh tráng sữa.

Với cách làm trên, bánh tráng sữa Nhơn Hoàng đã gây được sự chú ý của người tiêu dùng. Dù tổng giá trị hàng hóa hơn 10 triệu đồng vẫn chưa tiêu thụ hết trong 6 ngày hội chợ diễn ra nhưng với chị Trúc khi được tham gia hội chợ đã là một thành công, bởi một sản phẩm mang tính chất địa phương như bánh tráng sữa Nhơn Hoàng đã được nhiều người biết đến.

Cũng giống như cơ sở sản xuất Bánh phồng sữa Nhơn Hoàng, thương hiệu Yến sào Mười Thiết (có địa chỉ tại số 142, Trần Công Trường, khu phố 1, phường 5, TX. Gò Công) tham gia hội chợ với mong muốn giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng và tìm đối tác mở rộng kinh doanh.

Ông Trần Thế Phong, đại diện thương hiệu Yến sào Mười Thiết cho biết, các sản phẩm Yến sào Mười Thiết cũng chỉ là thương hiệu mang tính chất địa phương nên hiện tiêu thụ chủ yếu qua khách hàng thân thiết trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, chứ chưa có mặt trên thị trường của các tỉnh, thành khác. Khi tham gia hội chợ thì doanh nghiệp cũng chỉ mới quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng, mà chưa thể tìm được kênh phân phối để mở rộng thị trường.

Theo nhiều doanh nghiệp tham gia Hội chợ Công nghiệp nông thôn và Thương mại năm 2014, hoạt động hội chợ lần này đã mang lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Ngoài hoạt động bán hàng, giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp còn có điều kiện tìm hiểu thị trường, tăng cường quảng bá hình ảnh và mở rộng mạng lưới phân phối.

Đại diện gian hàng của thương hiệu Cà phê Tấn Bảo (Tiền Giang) cho biết: “Hội chợ là cơ hội quảng bá sản phẩm khá tốt. Sức tiêu thụ các sản phẩm Cà phê Tấn Bảo tại hội chợ lần này khá mạnh. Mỗi ngày gian hàng Cà phê Tấn Bảo thu hút hàng trăm lượt người đến tham quan và mua sắm. Nhiều sản phẩm của công ty được thiết kế đa dạng về kiểu dáng, chất lượng bảo đảm với giá cả ở nhiều mức khác nhau, thích hợp với nhu cầu sử dụng của nhiều đối tượng khách hàng”.

Hội chợ Công nghiệp nông thôn và Thương mại năm 2014 đã khép lại theo đúng mục đích là nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, tìm kiếm thị trường tiêu thụ trong nước, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn năm 2014.

Tuy nhiên, ngay trong hội chợ vẫn còn có gian hàng treo bảng, bày bán, quần áo Thái Lan, kẹp Đài Loan... Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, tại hội chợ vẫn còn diễn ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, mua bán.

Do đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra để các kỳ hội chợ diễn ra theo đúng mục đích, yêu cầu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; đồng thời tạo môi trường kinh doanh, mua bán thuận lợi cũng như sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp khi tham gia các kỳ hội chợ.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.