Thứ Tư, 01/10/2014, 14:25 (GMT+7)
.

Một công ty thu hút du khách bằng nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng

Thành lập năm 2002, mặc dù hoạt động trong môi trường cạnh tranh khá gay gắt nhưng Công ty cổ phần Việt Phong MeKong (trụ sở đặt tại số 2, đường Lê Lợi, phường 1, TP. Mỹ Tho), vẫn trụ vững được cho đến ngày nay nhờ có chiến lược kinh doanh phù hợp; trong đó việc tìm tòi, phát hiện và đưa vào khai thác một số tour, sản phẩm du lịch đặc trưng được xem là một trong những thế mạnh của công ty.

Du khách tham gia tát mương bắt cá.
Du khách tham gia tát mương bắt cá.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty CP Việt Phong MeKong cho biết, hoạt động của công ty hiện tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Vận chuyển, đưa đón khách du lịch (đường bộ, đường thủy), ẩm thực; lữ hành tour (trọn gói); xây dựng cơ sở du lịch: Thiết kế, thi công cơ sở hạ tầng du lịch (nhà hàng, khách sạn…); kinh doanh hàng thủ công, mỹ nghệ, nông sản (phục vụ du khách).

Công ty hiện có 2 chi nhánh trực tiếp đưa đón khách tham quan, du lịch, bao gồm: Chi nhánh tại xã Thới Sơn được Đội tàu đón khách từ Bến tàu du lịch Mỹ Tho đến tham quan tại xã cù lao Thới Sơn thông qua liên kết với các điểm du lịch của hộ dân như: Vườn lan Thảo Nguyên, điểm du lịch Chương Dương, cơ sở mật ong Tư Đàn…

Chi nhánh tại thị trấn Cái Bè có Đội tàu đón khách từ Bến tàu du lịch Cái Bè đi tham quan một số địa điểm như: Chợ nổi Cái Bè, làng nhà cổ ở xã Đông Hòa Hiệp (Nhà cổ Ba Đức, Nhà cổ ông Kiệt), điểm du lịch ẩm thực cù lao Tân Phong, một số làng nghề truyền thống thủ công mỹ nghệ ở huyện Cái Bè như: làng nghề bánh phồng, bánh tráng, cốm…

Mỗi năm, công ty tổ chức đưa đón khoảng 15.000 khách du lịch, bao gồm: Khách nước ngoài, một số khác đến từ TP. Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung và Hà Nội.

Để cạnh tranh với các đơn vị trong ngành, công ty chú ý khai thác thế mạnh của địa phương thông qua liên kết hoặc sáng tạo ra các tua “Du lịch dân dã” gắn với sông nước miệt vườn Nam bộ như:

Tua câu cá trên sông Tiền, chèo xuồng ba lá trong các xẻo (rạch nhỏ), tham quan vườn trái cây theo mùa tại cù lao Tân Phong, thưởng thức môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ trên bè cá và tại các điểm du lịch nhà dân… Các tua này vốn rất được du khách ưa thích, đặc biệt là khách nước ngoài.

Ông Thanh chia sẻ: Hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh hiện đang có sự cạnh tranh khá gay gắt (về giá cả, chất lượng tua). Do đó, để cạnh tranh với hơn 30 đơn vị kinh doanh du lịch khác, cũng như để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách, công ty không ngừng tìm tòi, khám phá những tua mới gần gũi với thiên nhiên, phong tục, tập quán của người Việt nói chung và người Nam bộ nói riêng để giới thiệu với du khách như: 1 ngày làm dân chài, 1 ngày làm nông dân, tát mương bắt cá...

Với tinh thần cầu thị, ông còn trực tiếp đi tua với khách để có điều kiện giao lưu, trao đổi, lắng nghe ý kiến từ những khách hàng của mình (trong đó có những chuyên gia nước ngoài) để có sự điều chỉnh kịp thời, cũng như xem đó là kênh thông tin tham khảo quan trọng khi tiến hành xây dựng kế hoạch kinh doanh của công ty.

Công ty còn tham gia thiết kế, thi công các cơ sở kinh doanh du lịch (nhà hàng, khách sạn...). Thời gian qua, công ty đã nhận thầu thi công một số hạng mục của công trình Bến tàu du lịch Mỹ Tho, Khách sạn Sông Tiền, Công ty CP Du lịch Tiền Giang, Nhà hàng Trung Lương… Công ty hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 40 lao động hợp đồng làm nhiệm vụ phiên dịch, hướng dẫn viên, công nhân xây dựng…

Theo ông Thanh, để thu hút du khách đến với Tiền Giang ngày càng nhiều, các đơn vị kinh doanh du lịch cần liên kết với địa phương để thiết kế những tua mới lạ, hấp dẫn. Sự đa dạng của các tua lữ hành (trọn gói) còn góp phần thu hút, giữ chân du khách lưu trú qua đêm, kéo theo sự phát triển mạnh của các loại hình dịch vụ khác, đặc biệt là dịch vụ ăn uống, nghỉ trọ.

“Công ty đang có kế hoạch phối hợp với các xã được chọn xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh du lịch nông thôn qua xây dựng một số điểm du lịch ở những nơi này để thu hút du khách, qua đó giúp tiêu thụ nông sản tại chỗ, cũng như làm đầu mối tiêu thụ một số sản phẩm tiểu, thủ công nghiệp của các làng nghề truyền thống… nhằm góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn, giúp các xã, đặc biệt là các xã điểm về xây dựng nông thôn mới sớm hoàn thành tiêu chí về thu nhập, lao động, việc làm...” - ông Thanh cho biết.

VĂN XĨ - HỒNG YẾN

.
.
.