Thứ Sáu, 03/10/2014, 13:39 (GMT+7)
.

Nâng cao trách nhiệm của địa phương trong chống sạt lở kinh, rạch vùng lũ

Cứ đến mùa mưa, lũ là sạt lở ở các kinh, rạch khu vực phía Tây của tỉnh lại diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng lũ. Việc xử lý hiện nay chỉ dừng lại ở đối phó, khắc phục tạm thời, chứ chưa có giải pháp căn cơ về vấn đề này.

Nỗi lo sạt lở khắp nơi

Chúng tôi đến xã Tam Bình (huyện Cai Lậy) khi lũ đã bắt đầu, chính quyền và người dân nơi đây cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra 2 điểm sạt lở lớn chưa được xử lý, gây lo lắng cho người dân. Tại điểm sạt lở trên kinh Mù U thuộc ấp Bình Hòa A dài trên 30 m, ngang 2 m, ăn sâu vào đường dal, gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông qua lại nơi đây.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, người dân sống gần điểm sạt lở cho biết, trước đây phần đất tiếp giáp giữa kinh và đường cách rất xa nhưng qua từng năm sạt lở lấn dần vào. Cách nay vài tháng, phần đất tiếp giáp còn lại giữa đường với kinh còn khoảng 2 m cũng bị sạt mất luôn.

“Đoạn sạt ăn sâu vào đường đan, xe cộ qua lại nơi này rất nguy hiểm. Nếu không xử lý sớm, tôi sợ không lâu nữa, phần còn lại của đoạn dal này cũng sẽ mất luôn” - bà Anh bày tỏ. Ngoài ra, cùng thời điểm trên, trên địa bàn xã cũng xảy ra một điểm sạt lở khác với quy mô không kém, chiều dài 15 m, ngang 2,5 m.

Cơ quan chức năng khảo sát sạt lở trên địa bàn huyện Cai Lậy.
Cơ quan chức năng khảo sát sạt lở trên địa bàn huyện Cai Lậy.

Không chỉ có Tam Bình, thời gian qua, trên địa bàn các xã: Long Tiên, Mỹ Long, Long Trung, Phú An, Mỹ Thành Nam, Cẩm Sơn đều xảy ra sạt lở lớn, với chiều dài sạt lở mỗi điểm từ 15 - 50 m. Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, cho biết thời gian qua toàn huyện phát sinh 19 điểm sạt lở lớn, trong đó huyện tiến hành xử lý 15 điểm, 4 điểm do Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi thực hiện.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện có rất nhiều điểm sạt lở nhỏ. “Mối quan tâm hiện nay của huyện là sạt lở. Sạt lở xảy ra quá nhiều và xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Có điểm sạt lở mới phát sinh, có điểm sạt lở nhỏ chưa được xử lý dần dần thành sạt lở lớn, ảnh hưởng đến đường giao thông, sinh hoạt, sản xuất của người dân” - Bà Nguyên cho biết.  

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Giảm nhẹ thiên tai huyện Cái Bè, tính đến trước khi mùa lũ về, toàn huyện xảy ra 35 điểm sạt lở lớn với kinh phí xử lý dự kiến 4,6 tỷ đồng. Còn cơ quan chức năng của thị xã Cai Lậy thống kê trên địa bàn có 61 điểm sạt lở nghiêm trọng, trong đó có điểm sạt vô đường dal, tạo thành hàm ếch. Trước tình hình trên, thị xã đã thuê tư vấn thiết kế thực hiện trước 29 điểm.

Tại huyện Châu Thành tình trạng cũng như mức độ sạt lở phức tạp không kém. Trên cơ sở đánh giá mức độ nghiêm trọng của các điểm sạt lở xảy ra trên địa bàn, trước khi mùa lũ bắt đầu, Châu Thành đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí xử lý 3 điểm sạt lở lớn ở kinh Cầu Chùa, Rạch Gầm thuộc xã Bàn Long, Vĩnh Kim, Kim Sơn với chiều dài 835 m.

Cộng đồng trách nhiệm trong phòng, chống sạt lở kinh, rạch

Theo Sở NN&PTNT, những năm qua, tình hình sạt lở các tuyến đê bao diễn ra rất phức tạp, gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ, tập trung ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và TX. Cai Lậy. Mỗi khi mùa mưa lũ đến, tình hình sạt lở trên địa bàn lại diễn biến phức tạp hơn. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Tây xảy ra 272 điểm sạt lở lớn cần xử lý và rất nhiều điểm sạt lở nhỏ dọc các kinh, rạch khu vực này.

Lý giải về nguyên nhân sạt lở, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi Cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão, cho biết chiều dài của các đê bao bảo vệ sản xuất trong vùng trên 2.000 km nên tình trạng sạt lở xảy ra là khó tránh khỏi. Những năm qua, sạt lở có xu hướng tăng cả số lượng lẫn mức độ, xử lý không xuể.

Nguyên nhân chủ yếu do nhiều năm qua đê bao được làm rất nhiều nhưng hầu hết trên nền đất yếu, lại không được gia cố thường xuyên; các công trình đê bao thường không bảo đảm lưu không do vướng mặt bằng. Đó là chưa nói đến các dòng chảy của kinh, rạch xoáy vào bờ; mật độ giao thông thủy trên các kinh, rạch cao.

Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu, chế độ dòng chảy bán nhật triều cũng góp phần gây nên sạt lở. Sạt lở xảy ra nhiều, việc xử lý đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn hạn hẹp không đáp ứng đủ để xử lý hết và triệt để, dẫn đến sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp.

Để bảo đảm giao thông nông thôn trong từng khu vực, nhất là ngăn lũ và triều cường, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, UBND tỉnh đã hỗ trợ khoảng 8 tỷ đồng gia cố, khắc phục sạt lở cho các huyện, thị phía Tây của tỉnh và TP. Mỹ Tho.

Ngoài ra, tỉnh cấp cho huyện Cai Lậy 2,5 tỷ đồng nâng cấp tuyến đê bao Đông Tây rạch Bầu Điền; Châu Thành 2,4 tỷ đồng nâng cấp tuyến đê bao rạch Phú Phong. Bên cạnh đó, từ nguồn sửa chữa lớn, Công ty TNHH  MTV Khai thác Công trình Thủy lợi xử lý 7 điểm sạt lở trên địa bàn.

Trong điều kiện nguồn vốn hạn hẹp, tỉnh xác định ưu tiên xử lý những điểm sạt lở gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân; đồng thời giao quyền chủ động công tác phòng, chống cho các địa phương.

“Trước đây, tỉnh xử lý những điểm sạt lở lớn, còn địa phương xử lý những điểm nhỏ. 2 năm trở lại đây, tỉnh đã giao cho địa phương chủ động xử lý và phân cấp xử lý sạt lở trên địa bàn.

Hàng năm, tỉnh hỗ trợ cho huyện, thị xã một số kinh phí để chủ động trong công tác phòng và xử lý sạt lở. Trong những trường hợp xảy ra sạt lở lớn, số lượng nhiều vượt quá kinh phí trên, địa phương lấy kinh phí dự phòng của mình ra xử lý.

Nếu những nguồn vốn trên vẫn không đáp ứng được, huyện báo cáo cho Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và Sở Tài chính để tiến hành khảo sát, đề xuất với tỉnh nguồn vốn và phương thức xử lý” - ông Pháp cho biết thêm.

Theo ông Pháp, cách làm này nhằm nâng cao trách nhiệm, tính chủ động của các địa phương. Song điều quan trọng là chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, làm sao cho cộng đồng ý thức được trách nhiệm, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống sạt lở. Có như thế, tình hình sạt lở mới có thể được hạn chế.

N.VĂN

.
.
.