Thứ Tư, 15/10/2014, 14:05 (GMT+7)
.

Ngành Ngân hàng: Nhiều giải pháp hỗ trợ tín dụng

Năm 2014, khó khăn và thách thức vẫn “bủa vây” doanh nghiệp (DN) do nền kinh tế phục hồi chậm, “sức khỏe” nhiều DN đã tuột dốc. Trước thực trạng này, lãnh đạo ngành Ngân hàng đã tăng cường khảo sát, gặp gỡ DN, hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) để tháo gỡ khó khăn, giảm hàng tồn kho, bảo đảm hoạt động sản xuất không bị gián đoạn. Không những vậy, hoạt động tín dụng của ngành còn duy trì phát triển ổn định, tăng trưởng ở mức cao… Đây là tín hiệu tích cực, tạo niềm tin cho DN tiếp tục vượt khó trong những tháng cuối năm.
   
KHÔNG NGỪNG MỞ RỘNG, PHÁT TRIỂN

Thực hiện Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 15-1-2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động Ngân hàng an toàn, hiệu quả trong năm 2014, ngành Ngân hàng Tiền Giang tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục thực hiện nghiêm lãi suất huy động tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thực hiện giảm lãi suất trung, dài hạn để làm cơ sở giảm lãi suất đầu ra, hỗ trợ vốn cho các thành phần kinh tế phát triển SXKD. Qua đó cũng nhằm tạo điều kiện phát triển mạnh mạng lưới ngành Ngân hàng.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Tiền Giang.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Tiền Giang.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Tiền Giang, hiện trên địa bàn tỉnh có 28 chi nhánh ngân hàng, trong đó gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Tiền Giang, 2 Ngân hàng chính sách và 25 chi nhánh ngân hàng thương mại; 11 chi nhánh loại 3 (trực thuộc Ngân hàng Nông nghiệp tỉnh); 68 phòng giao dịch của các chi nhánh ngân hàng thương mại; 1 quỹ tiết kiệm và 16 quỹ tín dụng nhân dân. Mạng lưới ngân hàng trải khắp trên địa bàn tỉnh từ trung tâm thành phố, huyện, thị xã đến các thị trấn (xã phường), người dân có thể tìm thấy điểm giao dịch của ngân hàng một cách dễ dàng.

Có thể nói, những năm gần đây hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh được phát triển nhanh theo chiều rộng, lẫn chiều sâu, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Bà Nguyễn Thị Đậm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Tiền Giang, cho biết: Trong 9 tháng qua, lãi suất huy động được giữ mức ổn định và được điều chỉnh giảm 1%/năm so cuối năm 2013. Lãi suất huy động bằng VNĐ với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6%/năm, tỷ lệ ngoại tệ và vàng giữ mức ổn định đã tạo điều kiện cho người dân yên tâm gửi tiền vào ngân hàng.

Do đó, nguồn vốn huy động tăng trưởng cao so với đầu năm. Đến cuối tháng 9-2014, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 30.374 tỷ đồng, tăng 4.515 tỷ đồng so đầu năm, tỷ lệ tăng 17,46% (đến cuối tháng 8-2014 huy động vốn toàn ngành tăng 8,53% so với đầu năm).

SONG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Tiền Giang, những tháng đầu năm 2014 kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn nên mức tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế chưa cao.

Để kích thích tăng trưởng tín dụng hỗ trợ vốn cho các thành phần kinh tế SXKD, các ngân hàng đã có nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp hơn trần lãi suất quy định. Kết quả, đến cuối tháng 9 - 2014 tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh đạt 21.336 tỷ đồng, tăng 1.728 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 8,81% (tính đến tháng 9-2014, tín dụng toàn ngành tăng 6,62% so với đầu năm).

Bên cạnh đó, ngân hàng còn thực hiện tốt các chính sách như: Cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay chăn nuôi và thủy sản với lãi suất 8%/năm; cho vay hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm, 50% trong năm thứ 3… Nhìn chung, cơ cấu tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Đến cuối tháng 9 - 2014 dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 12.025 tỷ đồng, chiếm 56,42% trên tổng dư nợ, tăng 898 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 8,07%... Đặc biệt, nợ xấu luôn chiếm tỷ lệ thấp do các ngân hàng đã thực hiện tốt việc xử lý và thu hồi nợ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án để xử lý. 9 tháng qua nợ xấu chiếm tỷ lệ 1,91% trên tổng dư nợ…

Để nắm bắt tình hình khó khăn của các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng với các thành phần kinh tế trên tất cả các địa bàn huyện, thị, thành, làng nghề tủ thờ Tân Trung (TX. Gò Công) và các đơn vị kinh tế tập thể nhằm nắm bắt tình hình SXKD và nhu cầu vốn vay để có biện pháp hỗ trợ vốn kịp thời.

Tháng 8 vừa qua, các ngân hàng thương mại cũng đã ký kết hợp đồng tín dụng với 20 DN và hộ SXKD với dư nợ tín dụng được ký kết 1.270 tỷ đồng. Qua đó, thúc đẩy mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và DN, giúp cộng đồng DN giảm bớt khó khăn về vốn, chi phí lãi vay, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bà Nguyễn Thị Đậm, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Tiền Giang, chia sẻ: “Để đạt kết quả này là sự quyết tâm cao của lãnh đạo hệ thống ngân hàng trên toàn tỉnh, các ngân hàng đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ vay vốn giữa khách hàng và ngân hàng thực hiện tốt việc cơ cấu lại nợ như:

Cơ cấu thời hạn trả nợ, thực hiện miễn giảm lãi vốn vay, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau. Đối với những dự án có hiệu quả về con tôm và con cá tra nhưng gặp khó khăn tạm thời về tài chính thì tiếp tục cho vay mới không tính nợ cũ. Điều này đã hỗ trợ tích cực cho người vay vốn tháo gỡ khó khăn trong sản xuất.

Bên cạnh đó thực hiện cơ cấu lại nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, không chuyển nhóm nhằm tạo điều kiện cho khách hàng yên tâm SXKD. Trong 9 tháng qua đã thực hiện cơ cấu được 218 tỷ đồng. Những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD phát triển; triển khai việc cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, xử lý nợ xấu nhằm lành mạnh hóa hoạt động của các TCTD, bảo  đảm an toàn hệ thống ngành Ngân hàng”.

Theo lãnh đạo một DN thủy sản tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, các ngành hữu quan, cùng lãnh đạo các ngân hàng tổ chức nhiều cuộc tìm hiểu tình hình hoạt động SXKD, lắng nghe những trăn trở của các DN, động viên và đưa ra nhiều giải pháp giúp DN tháo gỡ khó khăn… đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho DN.

Theo ý kiến của các DN, bên cạnh việc không ngừng nỗ lực của bản thân, DN cần sự đồng hành của ngành chức năng, nhất là các ngân hàng tiếp tục nới lỏng tín dụng, góp thêm sức mạnh giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn, giảm lượng hàng tồn, duy trì sản xuất trong những tháng cuối năm.

HOÀI THU

.
.
.