Bài 1: Đất "Chín Rồng" chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ xa xưa đã được mệnh danh là vùng đất “Chín Rồng”. Nơi đây có vị trí khá chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả nước; là vựa lúa và sản xuất thủy sản lớn nhất cả nước.
Hàng năm, ĐBSCL sản xuất 50% sản lượng lúa, 52% sản lượng thủy sản, đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, đời sống của nhiều người dân ở đây còn nghèo, vẫn là vùng “của báu” chưa có “chìa khóa” mở nên kinh tế, văn hóa, xã hội tuy có phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng. Vì vậy, việc tìm hướng đi để tạo sức bật cho vùng đất “Chín Rồng” là điều cần thiết.
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, hàng năm đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu. |
Gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân ở ĐBSCL có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện.
Tuy vậy, so với tiềm năng vốn có do thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này thì những kết quả đạt được còn thấp, chưa tương xứng; còn hạn chế và yếu kém về giao thông, thủy lợi, trình độ học vấn. Đời sống của một bộ phận dân cư còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng ngập lũ, vùng có đông đồng bào dân tộc tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Tiềm năng và lợi thế
Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 4 triệu ha (chiếm 12% diện tích cả nước), trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 3,2 triệu ha, dân số gần 18 triệu người. Đây là vùng đất có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước, vùng có bờ biển dài 740 km, có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế biển; đồng thời cũng là một trong số ít vùng trên thế giới có lợi thế đặc biệt về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Theo các nhà chuyên môn, ĐBSCL là một châu thổ trù phú bậc nhất Việt Nam, là một trong 8 vùng kinh tế quan trọng của cả nước. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, hàng năm ĐBSCL đóng góp 20% GDP của cả nước, xuất khẩu hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu; cung cấp 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và 60% kim ngạch xuất khẩu ngành Thủy sản của cả nước.
Ngoài ra, ĐBSCL có diện tích trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 150.000 ha, cây lâu năm 320.000 ha. Hiện trồng trọt vẫn là ngành sản xuất chính trong nông nghiệp ĐBSCL. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2013 toàn vùng đạt 9,06%, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 34,61 triệu đồng. Trong 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ước đạt 8,5%.
Gần 30 năm qua, ĐBSCL luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong các chính sách phát triển nông nghiệp. Trong đó, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; tạo tiền đề để giải quyết hàng loạt các vấn đề chính trị - xã hội của vùng, đưa nông thôn vùng ĐBSCL tiến lên văn minh, hiện đại.
PGS.TS Vũ Văn Phúc, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho biết, trong những năm qua, ĐBSCL đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, thủy sản, trái cây).
Đã hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái, thủy sản áp dụng công nghệ cao, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, tăng lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Các Viện, Trường, Trung tâm Nghiên cứu tại vùng ĐBSCL đã tích cực tham gia nghiên cứu, lai tạo, cung ứng cây, con giống và sản xuất các chế phẩm sinh học, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ nông nghiệp.
Nhiều địa phương trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng - vật nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Xác định được vị thế nông nghiệp ĐBSCL, trong những năm qua, Chính phủ đã đầu tư đáng kể cơ sở hạ tầng như bến cảng, kho bãi, chợ đầu mối, xây dựng giao thông nông thôn; xây cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu; xây dựng nhà máy điện Ô Môn, Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau… để hỗ trợ tích cực cho nông nghiệp, nông thôn.
Ngoài ra, Ban Kinh tế Trung ương còn chọn huyện Ô Môn (Cần Thơ) làm cơ sở điểm để nghiên cứu mô hình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL.
Tiềm năng và lợi thế là vậy, song, chúng ta cần nhìn nhận lại rằng, vùng ĐBSCL còn không ít khó khăn do chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của mình.
Chưa khai thác đúng mức
Có thể nói, vùng đất trù phú bậc nhất Việt Nam là ĐBSCL chưa được khai thác đúng mức, khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế còn khá khiêm tốn, đời sống nông dân còn khó khăn.
PGS.TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia độc lập về kinh tế NN&PTNT cho rằng: “Sản xuất nông nghiệp không đủ sống, nông dân bỏ ruộng ra thành phố làm bất cứ việc gì cần ít hay thậm chí không cần đến kỹ năng, mà chỉ cần cơ bắp vẫn có thu nhập cao hơn, mặc dù rất bấp bênh, khiến họ phải sống dưới mức nghèo theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nông dân đã trở thành công nhân hạng 2, sống trong các khu nhà ổ chuột, làm việc trong môi trường ô nhiễm nặng, không được hưởng từ các phúc lợi và tiện ích công cộng, dù với mức tối thiểu, về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thụ hưởng văn hóa, cung cấp điện sinh hoạt và nước sạch… so với cư dân thành thị. Khi “cơn bão kinh tế” ập đến, hàng ngàn doanh nghiệp ngưng sản xuất kinh doanh, họ mất việc làm, đành trở về quê hương với hy vọng tìm được nơi trú ẩn tạm bợ.
Cơ giới hóa góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. |
Nông dân vốn đã thiếu việc làm, nay lại càng thiếu việc làm trầm trọng hơn. Người vô cảm, theo kiểu “điều gì không thấy tức là không có” cho rằng, nhờ vậy mà tỷ lệ người thất nghiệp giảm đi. Mức sống thấp, khiến họ không dám và không có tiền chi tiêu cho những nhu cầu dưới mức tối thiểu để tồn tại, làm cho chỉ số giá cả (CPI) gia tăng thấp (trên 6% trong năm 2013). Thế là người ta xướng lên thành tích, đã kiềm chế được lạm phát.
Thống kê Nhà nước nói chỉ số giá cả tăng thấp, nhưng các bà nội trợ lại kêu giá tăng cao thường xuyên, liên tục, làm teo tóp túi tiền vốn đã eo hẹp của họ. Như vậy, nông nghiệp chỉ là “trụ đỡ” cho những thành tích ảo, là “bức bình phong” che khuất những nỗi cơ cực của người nông dân trước con mắt của những người vô cảm”.
Tiến sĩ Phạm Văn Búa, Trường Đại học Cần Thơ cũng chỉ ra những hạn chế của ĐBSCL như: Sức cạnh tranh nông sản kém, hạ tầng kém phát triển, trình độ khoa học và công nghệ thấp. Thu nhập của nông dân tăng chậm, khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị tiếp tục tăng; cơ cấu kinh tế nông thôn chậm phát triển; tình trạng thất nghiệp ở nông thôn vẫn còn cao; môi trường bị phá hoại, thiên tai diễn biến phức tạp. Mặt khác, nền kinh tế thị trường tác động đến mọi mặt của đời sống nông dân theo hướng vừa tích cực nhưng cũng vừa tiêu cực…
Thạc sĩ Võ Thanh Hùng, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng: “Ngành Nông nghiệp ĐBSCL vẫn còn tình trạng nông dân “bẻ kèo”, nhà máy “lật cánh”. Ví dụ như nhà máy chế biến cá tra, tôm thì phải là ngành gắn bó với nông dân nhưng chuyện như thế lại xảy ra với họ.
Cho đến nay, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” còn gặp nhiều khó khăn, đa số chỉ “gắn” với nông dân, chứ chưa “bó” với các nhà còn lại; mặt khác không tích tụ ruộng đất mà còn ở dạng manh mún, khó tiến hành hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông thôn và hiệp hội có doanh nghiệp chứ chưa bao giờ có nông dân. Có hiệp hội có nông dân nhưng chưa bao giờ có doanh nhân nào…”.
Vùng đất “Chín Rồng” có rất nhiều tiềm năng và lợi thế nhưng chưa được khai thác đúng mức, hay khai thác lệch hướng nên dẫn đến sự phát triển còn chậm. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để tạo sức bật cho sự phát triển chung của cả vùng ĐBSCL.
SĨ NGUYÊN
Bài 2: Cả vùng cùng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp