Thứ Hai, 27/10/2014, 13:47 (GMT+7)
.
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp - "Chìa khóa" mở cho vùng đất "Chín Rồng"

Bài 2: Cả vùng ĐBSCL cùng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Bài 1: Đất "Chín Rồng" chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế

Ngày 10-6-2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Mục tiêu của đề án là phát triển nông nghiệp bền vững, hướng tới thực hiện phúc lợi xã hội cho nông dân và người tiêu dùng, nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, thân thiện với môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên, liên kết chặt chẽ với chuỗi giá trị, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm an ninh lương thực, ổn định xã hội. Đề án này là cơ hội để Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vận dụng vào tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trong khu vực.

Nhiều tỉnh, thành đã bắt đầu thực hiện

Thời gian qua, UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng kế hoạch hành động để quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ góp phần tích cực và ổn định tính bền vững của phát triển kinh tế - xã hội và góp phần bảo đảm mức tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh ở mức 9,5%/năm (giai đoạn 2011 - 2015) và 10,5%/năm (giai đoạn 2016 - 2020);

Đến năm 2015 phấn đấu đạt tỷ trọng khu vực I trong GDP của tỉnh là 36,9%, đến năm 2020 đạt tỷ trọng 27,4%. Giá trị nông - lâm - ngư nghiệp tăng 4,16% (giai đoạn 2014 - 2020), trong đó giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp tăng bình quân 3,62%, tỷ trọng giữa trồng trọt và chăn nuôi đến năm 2020 là 78,11% và 21,89%, giá trị xuất khẩu ngành Thủy sản tăng bình quân 6,76%/năm.

Trong tái cơ cấu, thanh long của Tiền Giang có thể liên kết với thanh long của tỉnh Long An.
Trong tái cơ cấu, thanh long của Tiền Giang có thể liên kết với thanh long của tỉnh Long An.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch vùng lúa gạo trở thành ngành xuất khẩu theo hướng bền vững, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, có giá trị gia tăng cao qua cải thiện cơ cấu giống, tăng quy mô sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật thân thiện với môi trường, tổ chức luân canh với cây màu và thủy sản, tăng cường liên kết kinh doanh giữa nông dân và doanh nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng cường chế biến phụ phẩm…

Phát triển cây xoài, sầu riêng, thanh long thành ngành hàng mũi nhọn cây ăn trái của tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao, thông qua tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP; chế biến, bảo quản, vận chuyển, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Đối với ngành Chăn nuôi thì tái cơ cấu theo vùng, chọn những con vật có chất lượng và triển vọng; chuyển từ sản xuất nông hộ sang trang trại. Riêng ngành Thủy sản, ngoài nhóm sản phẩm truyền thống phục vụ thị trường nội địa, tỉnh sẽ chú trọng phát triển nhóm sản phẩm được sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu như tôm, nghêu.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng kiện toàn lại bộ máy ngành NN&PTNT, nâng cao nguồn nhân lực, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, chú trọng công tác thị trường...

Đối với tỉnh Hậu Giang, ngành NN&PTNT Hậu Giang tiếp tục tái cơ cấu theo hướng chất lượng - hiệu quả - bền vững. Trong đó, tập trung rà soát hoàn chỉnh quy trình sản xuất các cây, con chủ lực, củng cố tổ chức bộ máy đủ sức hoàn thành các chỉ tiêu hàng năm, nâng cao đời sống nông dân theo hướng nông thôn mới.

Theo đó, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung phát triển “4 cây”, “4 con” chủ lực của tỉnh; chỉ đạo sát theo quy hoạch, khép kín quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tiếp nhận các đề tài khoa học từ trước đến nay để hoàn chỉnh lại quy trình sản xuất, xây dựng đề án thực nghiệm, trình diễn. Tổ chức lại bộ máy phòng, ban, chi cục, trung tâm, tổ kỹ thuật phù hợp khu vực.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang xác định cơ chế, chính sách là vấn đề then chốt, quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trên cơ sở đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ rà soát lại chơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; xét lại các vấn đề nào không phù hợp để loại bỏ. Ngành NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hậu Giang.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các tỉnh, thành trên cả nước nói chung và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã bắt tay ngay vào thực hiện. Nhưng xét toàn diện các tỉnh, thành thì mạnh ai nấy làm, chưa có nhiều liên kết để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, tạo bước đột phá cho sự phát triển chung. Nhiều nhà chuyên môn cũng đặt ra vấn đề: Nếu không liên kết thì trước sau các sản phẩm nông nghiệp của mỗi tỉnh cũng sẽ triệt hạ nhau.

Phải có liên kết vùng

Nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu của ĐBSCL: Chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, 50% thủy - hải sản xuất khẩu. Ngoài ra, còn rất nhiều loại trái cây nhiệt đới có giá trị kinh tế cao như: Xoài, dừa, sầu riêng, vú sữa… vừa đáp ứng thị trường trong nước, vừa cung ứng khối lượng lớn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp ĐBSCL không thể phát triển hoàn toàn độc lập mà luôn chịu tác động từ các ngành kinh tế khác, kể cả yếu tố quản lý, chính sách xã hội.

Chính điều đó, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng: “Các tỉnh, thành ĐBSCL khá tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội. Trong đó, kinh tế nông nghiệp khá giống nhau về các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, trái cây, thủy sản).

Tuy nhiên, nếu từng tỉnh, thành tự tái cơ cấu theo kiểu “mạnh ai nấy làm” thì không thể hình thành cơ cấu toàn vùng theo quy hoạch tổng thể. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp cấp vùng thì trước hết phải xây dựng mô hình tổng thể, trên cơ sở đó chỉ đạo, điều phối các tỉnh tái cơ cấu chi tiết cho phù hợp với mô hình chung”.

Tiến sĩ Trần Văn Hiếu, Trường Đại học Cần Thơ đề xuất: Phải quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp vùng phù hợp với thế mạnh của từng địa phương và khu vực, từng bước hạn chế sự trùng lắp về cơ cấu ngành, quy mô sản phẩm; liên kết tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, hình thành các trung tâm kinh tế, trung tâm tiêu thụ nông sản mang tính cấp vùng;

Tìm kiếm cơ chế đầu tư phát triển và thu hút đầu tư để triển khai những công trình có tầm ảnh hưởng lớn; hợp tác huy động vốn và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển nông nghiệp chung cho vùng; nghiên cứu, lai tạo những cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng vùng ĐBSCL;

Liên kết đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn; chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường điều hành năng lực giữa các địa phương trong vùng; đa dạng hóa các loại hình liên kết gồm liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên kết giữa các khu kinh tế, liên kết giữa vùng với địa phương.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gợi mở: Muốn tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL phải hình thành được những “cứ điểm” nông nghiệp. Lâu nay, chúng ta vẫn hay đổ lỗi cho thị trường dù ai cũng biết là thị trường luôn chuyển động.

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có tổ chức được để nông dân vùng ĐBSCL làm ra những sản phẩm đặc trưng, cá biệt hay chưa, hay cứ tổ chức sản xuất theo kiểu “vườn tạp”? Vai trò của Nhà nước có thật sự là “bà đỡ” cho nông dân?

“Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu vùng ĐBSCL thường “hát” chung điệp khúc buồn nông dân “được mùa mất giá”; nông dân phải gánh chịu rủi ro kép… Nhưng tất cả những khó khăn đó, các tỉnh, thành ĐBSCL cần phải xem xét thấu đáo hơn” - Tiến sĩ Trần Du lịch nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho rằng: “Tái cơ cấu nông nghiệp là vấn đề cấp thiết hiện nay và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm với thế mạnh thủy sản, lúa gạo, trái cây… Do đó việc tái cơ cấu phải khai thác tốt từng sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp mà không liên kết thì khó thành công, trong khi mô hình liên kết đã triển khai khoảng 10 năm rồi nhưng việc nhân rộng còn khó.

Vì thế các địa phương phải tìm điểm nghẽn chỗ nào để tháo gỡ kịp thời. Việc tái cơ cấu nông nghiệp lần này cần gắn với xây dựng nông thôn mới. Do đó, những chính sách cho nông nghiệp cần nghiên cứu theo nhu cầu thực tiễn, giải quyết được những vấn đề bức xúc đặt ra”.

Chủ trương liên kết vùng ĐBSCL để cùng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần một cơ chế pháp lý rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Một “chiếc áo pháp lý” tương xứng cho liên kết vùng là rất cần thiết cho một nhu cầu bức xúc từ vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp lớn nhất nước, lực lượng nông dân đông đảo nhất và trình độ sản xuất hàng hóa nông nghiệp vào loại bậc nhất cả nước.

Cần tiếp tục nghiên cứu hình thành tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng phù hợp, đủ sức đảm đương và điều tiết các nhu cầu cấp vùng.

SĨ NGUYÊN
Bài 3:
Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

.
.
.