Bài 3: Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
Là vùng kinh tế trọng điểm với nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp nhưng nông dân, nông thôn ĐBSCL vẫn còn không ít khó khăn. Vì vậy, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) ở ĐBSCL lần này (chủ đề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế ĐBSCL - Sóc Trăng 2014 diễn ra đầu tháng 11-2014) là cơ hội tốt để sắp xếp lại ngành Nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.
XÂY DỰNG “2 TRONG 1”
Tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức lại sản xuất để có giá trị gia tăng cao hơn, đưa thu nhập của người làm nông nghiệp nâng lên; thu hẹp khoảng cách về thu nhập, phát triển giữa nông dân nông thôn và người dân đô thị. Thực chất đó cũng là một trong những tiêu chí đặt ra trong quá trình xây dựng NTM mà Đảng và Chính phủ đang đặt ra và đang vận động tổ chức thực hiện.
Tiến sĩ Trần Văn Hiếu, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “Mục tiêu của xây dựng NTM là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; nâng cao dân trí, đào tạo nông dân có trình độ sản xuất cao, có nhận thức chính trị đúng đắn, đóng vai trò làm chủ NTM; xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hiện đại; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất; sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh cao.
Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và hiện đại, nhất là đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, khu dân cư...; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, văn minh, giàu đẹp; bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh trật tự được giữ vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Con đường đạt tiêu chuẩn NTM ở xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông. |
Tái cơ cấu phải gắn liền với xây dựng NTM. Đây là 2 vấn đề gắn kết chặt chẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. “Tái cấu trúc nông nghiệp phải gắn với tái cấu trúc kinh tế nông thôn, phải đi đến đời sống của người nông dân được nâng cao hơn, đem lại cuộc sống tốt hơn cho người nông dân.
Nếu chúng ta chú trọng phát triển nông nghiệp mà không nhìn nông thôn một cách toàn diện thì thu nhập của nông dân không thể tăng được. Tái cấu trúc phải gắn liền với xây dựng NTM, đây là tiền đề cho tái cấu trúc nông nghiệp. Do đó phải đặt người nông dân vào vị trí trọng tâm và vai trò chủ đạo để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM” - Tiến sĩ Trần Văn Hiếu nói.
Có thể nói xây dựng NTM là hình thức để thực hiện bước đi “rút ngắn”, “đi tắt”, “đón đầu” không chỉ trong nông nghiệp mà còn tất cả các lĩnh vực khác. Vì vậy, xây dựng NTM là quá trình xuyên suốt, gắn với sự phát triển của kinh tế.
Chuyên gia Nguyễn Văn Vỹ, Học viện Chính trị Khu vực IV cho rằng: “Đến nay, nhiều nước đã bắt tay vào xây dựng NTM, có những nước đang xây dựng và cũng có những nước đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong xây dựng NTM. Một thực tế là, các nước đã đạt được những kết quả đó có sự đóng góp rất lớn từ nền nông nghiệp. Trước đây, một số nước coi nhẹ nông nghiệp trong công cuộc xây dựng NTM và hậu quả đã để lại là rất lớn”.
ĐÃ CÓ BƯỚC CHUYỂN BIẾN
Đối với ĐBSCL, nông thôn là địa bàn quan trọng không chỉ bảo đảm cho sự phát triển bền vững trong khu vực, mà còn có tác động, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của cả nước. Vì vậy, xây dựng các vùng nông thôn ĐBSCL phát triển vững mạnh là yêu cầu quan trọng cấp thiết hiện nay. Nhưng để đáp ứng được yêu cầu này, Đảng và Nhà nước cần quan tâm, có những chính sách thích đáng, mau chóng đưa nông thôn ĐBSCL phát triển thành những vùng NTM.
Trong hơn 3 năm qua, ĐBSCL đã huy động 121.340 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, vốn ngân sách là 31,2%, vốn tín dụng chiếm 47,3%, doanh nghiệp chiếm 4,3%, vốn cộng đồng dân cư chiếm 17,2%. Qua đó, đến cuối năm 2013, bình quân các xã khu vực ĐBSCL đã đạt 9,23 tiêu chí, tăng 3,19 tiêu chí so với năm 2011 (bình quân cả nước đạt 8,36 tiêu chí, tăng 3 tiêu chí).
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, so với năm 2011, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có mức tăng tiêu chí khá so với cả nước (bình quân từ 3 tiêu chí trở lên); xóa được xã “trắng” về đạt tiêu chí NTM.
Điều này cho thấy sự nỗ lực cao của các cấp ủy, chính quyền và người dân ở ĐBSCL trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đến nay còn 62 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau… đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực cao hơn nữa của chính quyền và người dân ở các xã này.
Theo ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nhằm mục tiêu: Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản toàn diện theo hướng hiện đại, tập trung vào chất lượng, đẩy mạnh cơ giới hóa; gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu.
Duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản, hàng hóa thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Mục tiêu phát triển bền vững cần phải được áp dụng xuyên suốt trong tái cơ cấu từng lĩnh vực trên cả ba khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường; đồng thời nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho nông dân, góp phần thực hiện các tiêu chí
về xây dựng NTM.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là tạo được lòng tin cho nhân dân. Nguyên tắc “vàng” là phải dân chủ, công khai và minh bạch trong quá trình xây dựng NTM. Các địa phương phải năng động, sáng tạo, có bước đi thích hợp, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chính trong quá trình xây dựng NTM”.
Còn theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, để xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra, tạo sự thuận lợi cho các cấp chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, cần sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành Trung ương, nhất là việc ban hành kịp thời hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách về hỗ trợ đầu tư;
Chính sách khuyến khích nông dân, địa phương giữ đất trồng lúa; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách liên kết “bốn nhà” trong xây dựng NTM, nhất là chính sách khuyến khích, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nông thôn phát triển, mở rộng mối quan hệ liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy ngành Công nghiệp chế biến nông sản, thương mại, dịch vụ ở nông thôn phát triển;
Đồng thời chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn.
Có thể nói, điểm khó lớn nhất của các địa phương ở ĐBSCL là địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt; trình độ dân trí còn thấp, cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao; kết cấu hạ tầng nhất là giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch còn thiếu và yếu kém; mức sống của một bộ phận dân cư, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Đó là những yếu tố tác động không nhỏ cho quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cũng như làm chậm tiến trình thực hiện xây dựng NTM ở vùng ĐBSCL.
SĨ NGUYÊN