Thứ Bảy, 29/11/2014, 07:12 (GMT+7)
.

Công trình xây dựng ở đô thị phải sử dụng vật liệu xây không nung

Đó là 1 trong những nội dung quan trọng nằm trong Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) đến năm 2020, do Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành. Đây cũng là 1 trong những bước đi phù hợp với lộ trình sử dụng VLXKN và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung của Bộ Xây dựng.

Các đại biểu tham quan VLXD mới, thân thiện với môi trường.
Các đại biểu tham quan VLXD mới, thân thiện với môi trường.

KHÔNG CẤP PHÉP ĐẦU TƯ MỚI LÒ VÒNG, LÒ TUYNEL

Để thực hiện theo lộ trình chung, ông Huỳnh Hữu Quyền, Giám đốc Sở Xây dựng Tiền Giang cho biết, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển VLXKN đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước thì bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình: Tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 50% VLXKN từ năm 2014, sau năm 2015 phải sử dụng 100%; tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN từ năm 2014 đến hết năm 2016, sau năm 2016 phải sử dụng 100%.

Đối với các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên, không phân biệt nguồn vốn, từ năm 2014 đến hết năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) trong tổng số vật liệu xây.

Khi các công trình xây dựng chuyển dần sang sử dụng VLXKN, bắt buộc các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) cũng phải chuyển hướng theo, trước hết là các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 2 dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung bằng lò vòng cải tiến (hoffman), với tổng sản lượng gạch đất sét nung khoảng 16,2 triệu viên/năm; 2 dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung bằng lò vòng tuynel, với tổng sản lượng gạch đất sét nung gần 50 triệu viên/năm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng còn một số lò gạch dạng thủ công đang hoạt động theo mùa vụ, tập trung trên địa bàn huyện Cái Bè và Cai Lậy, với chất lượng gạch thấp, sản lượng khoảng 15 triệu viên/năm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Huỳnh Hữu Quyền cho rằng, tới đây tỉnh sẽ không cấp phép đầu tư xây dựng mới lò vòng cải tiến, lò tuynel; hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung; phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN để thay thế và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

“Tỉnh sẽ áp dụng chính sách ưu đãi về sản xuất và tiêu thụ VLXKN; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất VLXKN với quy mô công suất hợp lý, áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng phù hợp với thực tế sử dụng tại các công trình xây dựng” - ông Huỳnh Hữu Quyền cho biết.

Những công trình từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN vào năm 2015.
Những công trình từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN vào năm 2015.

KHÔNG CÓ NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT VLXKN

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD của Tiền Giang hạn chế, nhưng tỉnh lại có vị trí thuận lợi để phát triển các khu công nghiệp, tạo điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ, phát triển sản xuất VLXD cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiền Giang đang đóng vai trò như một vùng trung chuyển giữa các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

Bởi theo kết quả khảo sát, điều tra cơ bản của Sở Xây dựng, các loại khoáng sản được tìm thấy trên địa bàn tỉnh bao gồm: Cát lòng sông, than bùn, sét. Cát lòng sông phân bố chủ yếu trên sông Tiền và 1 mỏ tại sông Vàm Cỏ Tây.

Các mỏ cát được xác định phân lớp tập trung tại địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phú Đông, với 9 thân cát có trữ lượng lớn, có chiều dài từ 2 - 17 km, rộng 300 - 800 m, dày 2,5 - 6,9 m, có chất lượng đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp.

Thành phần hạt cát chủ yếu là hạt mịn và hạt nhỏ. Tổng trữ lượng tài nguyên cát sông trên địa bàn tỉnh là 96 triệu m3; trữ lượng cát có thể khai thác hiệu quả kinh tế là 50 triệu m3. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 mỏ cát được UBND tỉnh cấp phép khai thác, với công suất từ nhỏ đến trung bình; tổng công suất theo giấy phép được cấp là 2,9 triệu m3/năm.

Riêng sét được tìm thấy ở Tân Lập, huyện Tân Phước. Mỏ sét Tân Lập có nguồn gốc trầm tích hỗn hợp sông biển, có lớp phủ dầy từ 0,2 - 3 m, phân bố trên điện tích 2 - 3 km, với chiều dày là 15 - 20 m. Trữ lượng tương đương 6 triệu m3.

Sét có chất lượng tốt, có khả năng làm nguyên liệu để sản xuất ra các mặt hàng gốm xây dựng như gạch, ngói. Còn than bùn được tìm thấy ở xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) và xã Tân Hòa Tây, Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước). Các mỏ bị phủ một lớp sét, mùn thực vật dày 0 - 0,7 m, trung bình là 0,3 m nhưng trữ lượng, chất lượng không mang lại kinh tế khi khai thác.

Với nguồn tài nguyên khoáng sản như thế, khi được đề cập về việc sản xuất và áp dụng VLXKN theo chủ trương chung của Bộ Xây dựng và của tỉnh, ông Lê Ngọc Qui, Giám đốc Công ty TNHH Gạch Ngọc Qui cho rằng, các cơ sở sản xuất VLXD trên  địa bàn tỉnh rất khó đầu tư dây chuyền sản xuất theo dạng này. Bởi Tiền Giang không phải vùng nguyên liệu để sản xuất loại VLXKN, chỉ có khu vực miền Đông có nhiều lợi thế hơn do tận dụng được nguồn đá, cát xây, các chất phụ gia khác để sản xuất.

Nếu các cơ sở trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất loại VLXKN, giá thành chắc chắn phải cao hơn khoảng 30%, do chi phí sản xuất, vận chuyển cao hơn, trong khi cũng chưa có đánh giá cụ thể nào về hiệu quả của các công trình sử dụng VLXKN so với sử dụng vật liệu thông thường để làm cơ sở cho các cơ sở sản xuất đối chiếu. Chưa kể chi phí đầu tư cho 1 dây chuyền sản xuất VLXKN không nhỏ, ít nhất cũng khoảng 20 tỷ đồng.

THẾ ANH

Ký kết thỏa thuận hợp tác trong quản lý, phát triển VLXD giữa Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh

Ngày 21-11, Sở Xây dựng Tiền Giang phối hợp với Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Liên kết phát triển VLXD theo hướng bền vững và ký kết Thỏa thuận hợp tác trong quản lý, phát triển VLXD.

Nội dung thỏa thuận bao gồm: Phát triển xây dựng vật liệu mới, thân thiện với môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý, kiểm soát về chất lượng, giá, nhãn hàng hóa; đổi mới công nghệ khai thác khoáng sản sản xuất VLXD; kiểm soát quản lý hoạt động của phòng thí nghiệm chuyên ngành Xây dựng; xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường; quản lý hoạt động của các hiệp hội xây dựng và VLXD; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước.

Hội nghị cũng nghe đại diện các doanh nghiệp giới thiệu về: Kinh nghiệm sử dụng VLXKN trong công trình xây dựng; giải pháp kỹ thuật khắc phục sự cố nứt trong quá trình sử dụng gạch bê tông khí chưng áp; hướng dẫn thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm, hàng hóa; sản phẩm tường thạch cao, bột bả gốc thạch cao…

 

.
.
.