Chủ Nhật, 09/11/2014, 09:46 (GMT+7)
.

Hợp tác kinh tế ĐBSCL: Cần lựa chọn lĩnh vực đột phá

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng Ban Chỉ đạo MDEC-Sóc Trăng 2014. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng Ban Chỉ đạo MDEC-Sóc Trăng 2014. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL, nhất là chủ trương liên kết vùng, trong thời gian tới cần lựa chọn các lĩnh vực đột phá để tập trung triển khai. Trong đó trọng tâm là tái cơ cấu sản xuất, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi...

Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) đã qua 8 lần tổ chức. Nhân dịp MDEC Sóc Trăng 2014 với chủ đề: “Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vừa kết thúc sau 3 ngày (5 - 7-11) diễn ra tại tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trưởng Ban Chỉ đạo MDEC-Sóc Trăng 2014 trao đổi về một số kết quả trong các kỳ MDEC và những mục tiêu của MDEC trong thời gian tới.

PV: Đây là lần thứ 8, Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL được tổ chức. Xin ông cho biết một số kết quả chính mà các địa phương thu được qua việc tổ chức diễn đàn, nhất là ở Sóc Trăng lần này?

Ông Nguyễn Phong Quang: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL được tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2007. Đây là Diễn đàn được thành lập và hoạt động theo Quyết định 388 của Thủ tướng Chính phủ, là hoạt động đặc thù riêng của ĐBSCL nhằm tăng tính liên kết, hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL đến các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế.

Sau 7 năm hoạt động, đến nay có thể nói rằng, các hoạt động của MDEC đã cơ bản đáp ứng được mục tiêu đề ra. Đó là tăng được tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng; giữa vùng với các bộ, ngành Trung ương và giữa vùng với các địa phương khác trong nước. Tại MDEC Sóc Trăng 2014 lần này, những chủ trương lớn của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 899, tháng 6-2013 về “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được các đại biểu đưa ra bàn thảo, tìm giải pháp để thực hiện hiệu quả.

Qua các lần tổ chức Diễn đàn, đã có nhiều sáng kiến, đề xuất được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, cụ thể hóa thành các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển cho vùng ĐBSCL về nông nghiệp, nông thôn; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi và đào tạo nguồn nhân lực...

Đặc biệt, môi trường đầu tư của các địa phương trong vùng có sự cải thiện rõ rệt, xếp hạng năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố trong vùng những năm gần đây luôn đứng ở top đầu của cả nước. Từ diễn đàn tổ chức lần đầu tại TP. Hồ Chí Minh năm 2007 đến nay, toàn vùng đã thu hút được khoảng 773 dự án đăng ký đầu tư, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho khoảng 661 dự án trong nước, với tổng vốn trên 307 ngàn tỷ đồng và trên 5 tỷ USD.

Tại MDEC 2014, tỉnh Sóc Trăng cũng đã ký Bản ghi nhớ với các nhà đầu tư, số vốn trên 2,8 tỷ USD. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố trong vùng còn có nhiều cuộc giới thiệu về những cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác tham dự diễn đàn.

PV: Vậy có còn những mục tiêu nào đặt ra mà đến nay chưa thể thực hiện được?

Ông Nguyễn Phong Quang: Có thể nói, từ khi tổ chức Diễn đàn, mục tiêu liên kết giữa các địa phương trong vùng tuy có chuyển biến nhưng vẫn chưa tạo được tiếng nói chung. Sự phân công, phân nhiệm cũng như xây dựng mối liên kết chặt chẽ để phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, hạn chế sự cạnh tranh cục bộ giữa các địa phương còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Điều này có nhiều nguyên nhân, đầu tiên cần nói đến là việc triển khai những cam kết và nhiệm vụ của Diễn đàn chưa được các thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn ở một số bộ, ngành và địa phương quan tâm triển khai đầy đủ; chưa kiểm tra, đánh giá thường xuyên dẫn đến hiệu quả thực thi các tuyên bố chung chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.

Mục tiêu liên kết vùng hạn chế là bởi cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trong vùng còn rất yếu kém, hạn chế rất lớn đến việc kêu gọi đầu tư vào các địa phương trong vùng. Bên cạnh đó, hạ tầng yếu kém cũng ảnh hưởng lớn đến mục tiêu tái cơ cấu sản xuất, phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị...

Ngoài ra, còn phải kể đến những nguyên nhân như nguồn nhân lực, cơ chế chính sách... Đây thực sự là những nguyên nhân rất quan trọng, mặc dù đã nhận ra nhưng chưa thể khắc phục ngay được.

PV: Theo ông, cần phải làm gì để những mục tiêu đặt ra cho MDEC được thực hiện hiệu quả?

Ông Nguyễn Phong Quang: Để thực hiện tốt nhiệm vụ của Diễn đàn, nhất là chủ trương liên kết vùng, trong thời gian tới cần lựa chọn các lĩnh vực đột phá để tập trung triển khai. Trong đó trọng tâm là tái cơ cấu sản xuất, phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi...

Phải tăng cường nghiên cứu, đề xuất giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ban Chỉ đạo sẽ kiến nghị Chính phủ về việc thành lập bộ phận đầu mối, điều phối các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, để những cam kết trong Tuyên bố chung sau mỗi kỳ Diễn đàn thực hiện có hiệu quả, Ban Chỉ đạo Diễn đàn sẽ kiến nghị Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương vùng ĐBSCL tổ chức triển khai các Tuyên bố chung đã được Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo từ Diễn đàn năm 2007 đến nay.

Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ xung Quyết định số 388/QĐ-TTg cho phù hợp với việc tổ chức các hoạt động của diễn đàn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ KH&ĐT hoàn chỉnh, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020 để các địa phương tổ chức thực hiện.

PV: Xin ông cho biết, Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2015 sẽ diễn ra như thế nào và tổ chức ở đâu?

Ông Nguyễn Phong Quang: Năm 2015 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, các địa phương phải tập trung vào thực hiện tốt việc tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Để việc tổ chức diễn đàn ngày càng hiệu quả, thiết thực và tiết kiệm, đồng thời có thời gian để các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ, cam kết tại Tuyên bố chung, Ban Chỉ đạo Diễn đàn MDEC quyết định không tổ chức MDEC 2015, thay vào đó tập trung vào đôn đốc, sơ kết thực hiện nhiệm vụ đã cam kết của các bộ, ngành, địa phương, từ đó đánh giá rút kinh nghiệm để tổ chức tốt MDEC các năm tiếp theo.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, năm 2015 Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng tổ chức “Tuần lễ du lịch xanh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015” tại thành phố Cần Thơ (dự kiến vào tháng 5-2015).

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.