MDEC - Sóc Trăng 2014 tạo được uy tín, thương hiệu riêng cho vùng ĐBSCL
Chiều 7-11, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo MDEC - Sóc Trăng 2014 đúc kết các hoạt động của MDEC - Sóc Trăng 2014 diễn ra trong 3 ngày qua.
Ban Chỉ đạo MDEC - Sóc Trăng 2014 chủ trì cuộc họp Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC - Sóc Trăng 2014. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, qua các lần tổ chức, Diễn đàn MDEC đã tạo được uy tín và thương hiệu riêng cho vùng ĐBSCL, tạo được sức lan tỏa, đưa hình ảnh vùng ĐBSCL quảng bá rộng rãi đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Các hoạt động của MDEC đã đáp ứng được mục tiêu chung của Diễn đàn là tăng tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; giữa vùng với các bộ, ngành Trung ương; giữa vùng với các địa phương trong cả nước và quốc tế nhằm phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại, phát huy tiềm năng kinh tế to lớn của vùng ĐBSCL. Thông qua diễn đàn, các hoạt động liên kết, ký kết hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành trong vùng với Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đạt được nhiều kết quả tích cực…
Riêng MDEC - Sóc Trăng 2014 với Chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL” diễn ra từ ngày 5 đến 7-11, đây cũng là thời gian diễn ra Lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào dân tộc Khmer. Diễn đàn MDEC năm nay với 5 sự kiện chính và 5 sự kiện kết hợp đã diễn ra đúng kế hoạch, đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Tại Hội nghị này, Ban Chỉ đạo đã thông qua dự thảo Tuyên bố chung MDEC - Sóc Trăng 2014. Theo đó, cam kết của các thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn là: Thống nhất triển khai thực hiện liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2015-2020; trong đó chọn các lĩnh vực đột phá để phát triển vùng là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông; hạ tầng thủy lợi; y tế; giáo dục, đào tạo và dạy nghề; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…
Tăng cường hợp tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, chế biến, tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân.
Tăng cường công tác phối hợp, liên kết ứng phó với biến đổi khí hậu - nước biển dâng bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể theo chỉ đạo chung thống nhất của Ủy ban Quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập bộ phận đầu mối, điều phối các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL tại Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Củng cố thị trường truyền thống, tiếp cận và mở rộng các thị trường tiềm năng nhằm xuất khẩu các sản phẩm là thế mạnh của vùng ĐBSCL; bám sát các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước, trong đó có nội dung liên quan đến ĐBSCL.
Tổ chức các chương trình xúc tiến nói chung, trong đó tập trung xúc tiến đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL trong và ngoài nước; năm 2015 bố trí vốn xúc tiến đầu tư nước ngoài tại một số nước trên thế giới. Tổ chức sơ kết hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh.
Ký kết hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL (do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ làm đại diện) với Thủ đô Hà Nội vào năm 2015. Triển khai thực hiện Tuyên bố chung MDEC - Sóc Trăng 2014, làm cơ sở thúc đẩy phát triển mạnh mẽ vùng ĐBSCL; phối hợp thực hiện tốt công tác an sinh xã hội vùng ĐBSCL năm 2015 và các năm tiếp theo...
Trong khuôn khổ MDEC - Sóc Trăng 2014, sáng 7-11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị Hướng tới một nền sản xuất xanh bền vững. Tham gia hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và một số tỉnh, thành ĐBSCL; đại diện các tổ chức quốc tế; các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý; các nhà đầu tư trong nước và quốc tế… cùng thảo luận những vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh và phát phiển bền vững.
Hội nghị này nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản và cải thiện cơ sở hạ tầng, hướng tới nền kinh tế xanh - một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống vùng ĐBSCL.
Đồng thời, nhấn mạnh tăng trưởng xanh phải là tăng trưởng do con người và vì con người, phát triển hài hòa đời sống xã hội với môi trường tự nhiên, góp phần giải quyết yêu cầu tăng trưởng hợp lý với giảm nghèo bền vững, bảo đảm sự bình đẳng trong cơ hội phát triển cho mỗi người với điều kiện thụ hưởng hợp lý, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong phát triển.
Tăng trưởng xanh phải dựa trên việc tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế ngay trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng cao sẽ tác động mạnh vào nhiều vùng của đất nước.
(Theo baocantho.com.vn)