Thứ Tư, 26/11/2014, 12:41 (GMT+7)
.

Nước sinh hoạt ở Tân Phú Đông: Đến mùa khô hạn lại lo

Theo UBND huyện Tân Phú Đông (TPĐ), tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh hiện chỉ đạt 45%, nhưng trên thực tế tỷ lệ người dân sử dụng nước máy thấp hơn. Trong khi đó, các dự án đầu tư để đưa nước sạch phục vụ người dân nhiều năm qua vẫn chưa được như mong muốn.

Người dân huyện TPĐ thường xuyên thiếu nước sạch vào mùa khô.
Người dân huyện TPĐ thường xuyên thiếu nước sạch vào mùa khô.

Để bảo đảm cấp nước sinh hoạt hết mùa khô, hàng năm Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Cấp nước nông thôn tiến hành phân tuyến và cấp nước theo giờ cho từng khu vực nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân.
1. Những cơn mưa cuối mùa đã thưa dần báo hiệu cho mùa khô bắt đầu. Đây cũng là giai đoạn người dân của huyện cù lao TPĐ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Đây cũng là nỗi lo chung của bà con và kéo dài hàng chục năm nay.

Anh Đồng Thanh Tòng, ấp Tân Thành 2, xã Tân Thạnh đã nói với chúng tôi rằng, tuy số lượng và chất lượng từ nước máy hiện nay đã cải thiện hơn những năm trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Ngay cả tại thời điểm đầu mùa khô này, nước máy vẫn lúc có, lúc không.

Vào cao điểm mùa khô, nhất là vào tháng 3 và tháng 4, tình hình thiếu nước ngọt sinh hoạt chắc chắn còn căng thẳng hơn. “Vào cao điểm của hạn mặn, nước máy vừa thiếu lại vừa bị đục. Lúc đó, có khi cả ngày không có nước. Nguồn nước không bảo đảm đã đành, ở khu vực đầu và cuối xã người dân còn chịu cảnh nước chảy rất yếu” - anh Đồng Thanh Tòng tâm tư.

Cùng chung tâm tư như thế, chị Khoa Lem, ấp Tân An, xã Tân Phú kể rằng, những năm trước, nước máy vừa yếu, thường xuyên bị cúp, chất lượng lại rất kém, nhất là vào mùa khô. Cụ thể, mùa khô năm 2013, nước bị nhiễm mặn rất cao, lại bị thối, không thể xài được.

Theo chị Lem, năm 2014 tình hình cấp nước đã khá hơn về số lượng lẫn chất lượng như nước chảy mạnh hơn, chất lượng nước cũng tốt hơn. Dù vậy, nước máy vẫn thường bị cúp, nhiều lúc nước chảy khá yếu.

Đặc biệt, mùa khô vừa qua, do nguồn nước trữ không bảo  đảm nên lúc đó, mỗi ngày nguồn nước máy chỉ cấp vài giờ theo lịch phân tuyến cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn. Lịch là như vậy nhưng cũng có khi nước cúp từ 1 - 2 ngày và thường cấp không theo lịch. Muốn có, chúng tôi phải trực canh, tranh thủ mới lấy được. Đó là chưa nói đến áp lực nước rất yếu.

Cũng cần nhìn nhận một thực tế những năm qua cho thấy nỗ lực của các ngành, các cấp đã cải thiện đáng kể tình hình nước sinh hoạt vào mùa khô cho người dân ở huyện cù lao, thông qua việc đầu tư các tuyến ống nước dẫn vào khu dân cư để người dân có điều kiện vào đồng hồ nước, đầu tư ao trữ 6 ha ở xã Tân Thới. Dù vậy, với trữ lượng, chất lượng nguồn cấp hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thực trạng hiện nay là các nguồn nước cấp phục vụ sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện đều từ các ao trữ nước mặt nên bộc lộ những hạn chế nhất định là nước bị bốc hơi nhiều làm giảm trữ lượng, lượng nước trữ hạn chế, nguồn nước dễ bị nhiễm mặn, phèn…

Thực trạng này từng được ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện cho biết huyện TPĐ bị xâm nhập mặn từ 5 - 8 tháng. Thiếu nguồn nước máy nghiêm trọng, chất lượng nước thấp vào mùa khô, nhất là thời điểm gần mùa mưa luôn là nỗi bức xúc của người dân do hệ thống ao trữ không đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt.

2. Nếu phân tích sâu tình hình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn huyện cùng với xu thế thời tiết, chúng ta càng có lý do để lo lắng về chiều hướng xấu hơn có thể xảy ra. Bởi hiện chỉ có khoảng 35 - 40% hộ dân sử dụng nước máy trên địa bàn mà nguồn nước cấp đã không thể bảo đảm.

Vấn đề đặt ra nếu tỷ lệ hộ sử dụng nước máy nâng lên khi mà các ao trữ vẫn không được mở rộng? Đó là chưa nói đến chất lượng nước dù đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp, nhất là vào các tháng 3 và 4. Một vấn đề khác cũng được đặt ra, do tác động của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cảnh báo huyện TPĐ sẽ đối mặt với tình trạng mặn xâm nhập sâu hơn, thời gian xâm nhập dài hơn. Khi đó chắc chắn tình hình thiếu nguồn nước cấp sẽ còn nghiêm trọng hơn.

Dù được quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt ở huyện Tân Phú Đông nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hàng năm, mỗi khi mùa khô đến, có rất nhiều người dân đến ao nước bỏ hoang ở ấp Tân Xuân (xã Tân Phú) để lấy nước về phục vụ cho sinh hoạt gia đình.
Dù được quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt ở huyện Tân Phú Đông nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hàng năm, mỗi khi mùa khô đến, có rất nhiều người dân đến ao nước bỏ hoang ở ấp Tân Xuân (xã Tân Phú) để lấy nước về phục vụ cho sinh hoạt gia đình.

Mặt khác, đường ống truyền tải nước từ ao 6 ha đến các trạm phía Đông nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Làm rõ thêm về tình hình khó khăn này, ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lý giải, vào tháng 3 và 4, các ao trữ nước tại địa bàn đã cạn, đòi hỏi phải chuyển tải nước từ ao 6 ha về phục vụ cho người dân xã Phú Tân và xã Phú Đông.

Tuy nhiên, do trước đó tỉnh chỉ đầu tư hệ thống đường ống tạm (ống nhỏ) lưu lượng tải chỉ khoảng 1.000 m3/ngày - đêm, trong khi nhu cầu sử dụng nước trên 2.000 m3/ngày - đêm. Nếu đến cuối tháng 4 không mưa, không thể bơm bổ cấp nước từ sông, nguồn nước cấp sẽ rất khó khăn. 

Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có 6 trạm cấp nước cho trên 3.000 hộ, công suất cấp 3.500 m3/ngày đêm. Nguồn nước lấy từ các ao chứa tại các trạm cấp nước là 131.200 m3 kết hợp với nguồn nước bổ cấp từ ao 6 ha ở xã Tân Thới sẽ bảo đảm nước sinh hoạt cho các hộ đã đấu nối đồng hồ trong suốt mùa khô.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu mặn ở TPĐ đến sớm so với hàng năm, độ mặn có thể xâm nhập đến điểm lấy nước của ao 6 ha trên sông Cửa Trung. Để chủ động, Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn đã bơm bổ cấp nguồn từ ao 6 ha về các trạm; thi công đường ống vượt sông Cửa Trung để cấp cho xã Tân Thạnh; nạo vét các kinh nội đồng để tăng trữ lượng nước cho các ao tại chỗ; thi công trạm tăng áp cho khu vực xã Phú Tân; trang bị máy phát điện để bơm nước liên tục từ ao 6 ha về các trạm cấp nước, không để tình trạng thiếu nguồn nước xảy ra.

Để nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước máy, công ty tiếp tục phát triển đường ống nhánh vào các cụm dân cư, xóm ấp ở xa ống chính và mở các vòi nước công cộng vào cao điểm mùa khô để người dân sống xa tuyến ống cấp nước đến lấy nước sử dụng.

THẾ ANH - NGÔ VĂN
Bài 2
: Lại chờ dự án cấp nước

     Đầu tư xong… lại bỏ hoang

Có điều nghịch lý là vào mùa khô, huyện TPĐ vẫn luôn đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt nghiêm trọng, người dân sử dụng nước kém vệ sinh nhưng trên địa bàn huyện lại tồn tại một số công trình cấp nước được đầu tư lớn lại bị bỏ hoang, gây lãng phí.

Hầu hết các công trình cấp nước bị bỏ hoang đều do Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường trước đây làm chủ đầu tư. Đó là Công trình cấp nước ấp Bãi Bùn (xã Phú Thạnh) nằm cạnh tỉnh lộ 877B được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nhiều hạng mục nhằm mục đích cung ứng nước sinh hoạt cho người dân khu vực lân cận, với số tiền đầu tư cũng tương đối lớn.

Thế nhưng, vì những lý do khác nhau, nhiều năm nay trạm cấp nước này không được đưa vào hoạt động. Không chỉ ở Trạm cấp nước Bãi Bùn, Công trình cấp nước ấp Tân Xuân (xã Tân Phú) cũng trong tình trạng hoang phế.

Công trình được đầu tư 1 ao chứa nước, trạm xử lý và cấp nước. Chỉ riêng diện tích dành cho ao chứa nước lên đến hàng ngàn mét vuông. Cửa trước và sau của trạm cấp nước đã hư hỏng từ lâu, vật dụng trong trạm không còn, xung quanh nhà cây cối, cỏ mọc um tùm.

 

.
.
.