Thứ Ba, 25/11/2014, 05:50 (GMT+7)
.

Phát triển ổn định và bền vững chuỗi giá trị thanh long Tiền Giang

Thanh long được tỉnh xác định là một trong 7 chủng loại trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh giai đoạn đổi mới và hội nhập. Sở Công thương cũng đã có Quyết định 264/QĐ-SCT ngày 11-8-2014 phê duyệt báo cáo Phân tích Chuỗi giá trị sản phẩm thanh long tỉnh Tiền Giang. Việc nghiên cứu và phân tích chuỗi giá trị thanh long này là việc làm cần thiết để có những đề xuất về các giải pháp tăng giá trị gia tăng, phát triển ổn định và bền vững chuỗi giá trị thanh long.

DIỆN TÍCH THANH LONG TĂNG CAO

Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn thứ 2 cả nước (sau Bình Thuận), chiếm 10,9% về diện tích trồng thanh long cả nước. Thanh long Tiền Giang được trồng ở 9/11 huyện, thị, thành của tỉnh, với tổng diện tích năm 2013 là 3.139 ha và sản lượng đạt 56.823 tấn. Trong đó, thanh long được trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo, với tổng diện tích 2.815 ha (chiếm 89,7% diện tích trồng thanh long toàn tỉnh).

Cùng với xoài cát Hòa Lộc, nhãn và vú sữa Lò Rèn, thanh long là cây ăn trái tham gia xuất khẩu chủ lực của tỉnh Tiền Giang. Do sản xuất và tiêu thụ thanh long đạt hiệu quả kinh tế cao nên trong 3 năm trở lại đây đã cải thiện rất tốt sinh kế nông hộ cũng như góp phần phát triển kinh tế của các địa phương trong tỉnh. Chính vì vậy, diện tích sản xuất thanh long tăng rất cao.

Diện tích trồng thanh long của tỉnh tăng bình quân trong 5 năm (năm 2009 - 2013) là 14,1%/năm. Năm 2013 là năm có tốc độ mở rộng diện tích trồng thanh long cao nhất là 28,2%. Riêng huyện Chợ Gạo, tính đến tháng 5-2014 diện tích thanh long của huyện đã tăng lên 3.409 ha (tăng 21% so với cuối năm 2013). Cùng với đó, sản lượng thanh long của huyện Chợ Gạo cũng tăng từ 40.376 tấn (năm 2012) lên 53.579 tấn (năm 2013) và chiếm 94,3% sản lượng toàn tỉnh.

Thanh long Tiền Giang được thu hoạch mỗi năm 2 vụ (vụ thuận và vụ nghịch) với 2 giống thanh long ruột trắng (90%) và ruột đỏ (10%). Chi phí và giá bán của 2 loại thanh long này ở các vụ khác nhau có chênh lệch khá lớn, với giá bán vụ nghịch cao hơn vụ thuận 9.000 đồng/kg. Ngoài ra, trong 56.823 tấn thanh long của tỉnh Tiền Giang sản xuất năm 2013, thì sản lượng vụ thuận chiếm 31,4% (17.843 tấn) và vụ nghịch 68,6% (38.980 tấn).

Theo nhiều nông dân trồng thanh long của huyện Chợ Gạo, chi phí và giá bán thanh long ở vụ nghịch đều cao hơn vụ thuận là do phải đầu tư dàn đèn chiếu sáng (hoặc thuê) và tiền điện. Tốc độ tăng giá bán cao hơn tốc độ tăng chi phí của vụ nghịch so với vụ thuận là 76,9% (vụ nghịch) so với 65,8% (vụ thuận) nên lợi nhuận vụ nghịch vẫn cao hơn vụ thuận 3.800 đồng/kg.

TIÊU THỤ THANH LONG VẪN GẶP KHÓ

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), Việt Nam hiện vẫn là nước xuất khẩu thanh long lớn nhất thế giới. Tại châu Á, Việt Nam là nhà xuất khẩu thanh long hàng đầu vào thị trường Trung Quốc.

Sản lượng thanh long Việt Nam năm 2013 là 520.000 tấn, trong đó khoảng 75% được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch. Các thị trường khác như Hoa Kỳ chỉ chiếm 0,4%, châu Âu 4%, Nhật 0,1%, Thái Lan 0,4%...

Kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2009 - 2013. Nếu năm 2009 kim ngạch xuất khẩu thanh long chỉ ở mức 39 triệu USD, đến năm 2013 tăng lên 188,5 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu thanh long bắt đầu tăng chậm lại vào năm 2013.

Nếu trong thời gian tới, các quốc gia khác tăng sản lượng và chất lượng thanh long thì thị phần thanh long của Việt Nam cũng sẽ khó tăng trưởng. Đặc biệt là số lượng thanh long nhập của thị trường Mỹ và Trung Quốc đã giảm trong năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lượng xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc giảm nhẹ là do hiện nay nước này đã trồng được thanh long.

Riêng Thanh long của Tiền Giang, có 80% trong tổng lượng thanh long xuất khẩu của tỉnh được xuất sang Trung Quốc, trong đó có hơn 50% xuất theo đường tiểu ngạch. Ngoài ra, 20% lượng thanh long còn lại xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và một số thị trường khó tính như Mỹ, Ý và Nhật Bản.

Tuy sản xuất và tiêu thụ thanh long ở Tiền Giang nói chung và huyện Chợ Gạo nói riêng đạt hiệu quả cao nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro trong chuỗi giá trị như: Xuất khẩu thanh long còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Thiếu dự báo cung - cầu thị trường và trồng mới tự phát với tỷ lệ cao. Sản xuất theo VietGAP còn yếu và thiếu. Hoạt động các liên kết ngang như tổ hợp tác, HTX sản xuất thanh long chất lượng còn quá yếu, chưa nối kết công ty đầu ra. Dịch bệnh phát triển nhiều do biến đổi khí hậu. Giá cả trôi nổi, thuận mua vừa bán, thiếu tính ổn định và bền vững...

Kết quả nghiên cứu, phân tích chuỗi giá trị thanh long đang mở ra nhiều triển vọng phát triển bền vững cho loại trái cây chủ lực này của tỉnh.
Kết quả nghiên cứu, phân tích chuỗi giá trị thanh long đang mở ra nhiều triển vọng phát triển bền vững cho loại trái cây chủ lực này của tỉnh.

GIẢI PHÁP NÂNG CẤP CHUỖI GIÁ TRỊ THANH LONG

Theo kết quả phân tích tổng hợp kinh tế chuỗi giá trị thanh long tỉnh Tiền Giang dựa vào tổng sản lượng thanh long của tỉnh năm 2013 là 56.823 tấn, trong đó tiêu thụ nội địa 16.308 tấn và xuất khẩu 40.515 tấn, tổng doanh thu thanh long của tỉnh Tiền Giang năm 2013 là 3.453,4 tỷ đồng, trong đó kênh tiêu thụ nội địa chiếm 36,1% và kênh xuất khẩu chiếm 63,9%.

Cao nhất là doanh thu của thương lái (28,9%), kế đến là nông dân trồng thanh long (26,4%). Tổng lợi nhuận thanh long của toàn tỉnh năm 2013 đạt 460 tỷ đồng, cao nhất là người trồng thanh long (68,9%), kế đến là thương lái (11,9%) và công ty (8,8%).

Bên cạnh đó, trong cơ cấu tỷ trọng lợi nhuận/kg thì nông dân có lợi nhuận cao nhất (57,9% trong kênh tiêu thụ nội địa và 74,2% trong kênh xuất khẩu). Tuy nhiên, do sản lượng thanh long tiêu thụ/năm của mỗi hộ trồng thanh long tương đối thấp (trung bình 29,8 tấn/hộ/năm) nên tỷ trọng lợi nhuận/hộ/năm là rất thấp trong toàn chuỗi (chỉ chiếm 0,64%).

Qua phân tích thị trường và chuỗi giá trị thanh long tỉnh Tiền Giang đã cho thấy những điểm mạnh, cơ hội của toàn ngành hàng thanh long như: Thị trường thanh long đang tăng trưởng; sản xuất thanh long đã được sự hỗ trợ của cơ quan địa phương các cấp; chính phủ có những chính sách liên quan sản xuất - tiêu thụ trái cây; đồng thời có vùng chuyên canh cao thanh long; có các tác nhân trong khâu thương mại tại Tiền Giang; hiệu quả kinh tế cao và thực hiện rải vụ thanh long tốt.

Tuy nhiên, ngành hàng thanh long cũng đang đứng trước những điểm yếu và nguy cơ như: Thanh long chưa đạt chuẩn chất lượng; chưa liên kết sản xuất - tiêu thụ; sâu bệnh nhiều, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao; thiếu thông tin thị trường trong quy hoạch sản xuất - tiêu thụ thanh long; hoạt động kinh tế hợp tác yếu và thiếu.

Nhiều nước phát triển thanh long, thanh long sẽ cạnh tranh cao về  giá và chất lượng trong vài năm tới; các nước sẽ tăng hàng rào kỹ thuật đối với thanh long Việt Nam; rủi ro cao khi còn lệ thuộc thị trường Trung Quốc...

Báo cáo kết quả phân tích của toàn chuỗi ngành hàng thanh long tỉnh Tiền Giang cũng đã chỉ ra các giải pháp và hoạt động nâng cấp chuỗi giá trị thanh long mà tỉnh cần thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, nâng cao kiến thức (về thị trường, chuỗi giá trị, kỹ thuật) và năng lực (quản lý, kinh doanh) cho các tác nhân tham gia chuỗi để sản xuất - tiêu thụ thanh long theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng.

Xem xét điều chỉnh dự án phát triển diện tích thanh long (4.000 ha đến năm 2015) và đầu tư nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu tốt cho nhãn hiệu thanh long Tiền Giang về lâu dài. Hỗ trợ để củng cố các tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo hướng nâng cao chất lượng thanh long, sản xuất quy mô lớn, chất lượng đồng loạt, tạo uy tín và kết nối đầu ra về lâu dài.

Tuyên truyền, vận động nhằm phổ biến thông tin thị trường, lợi ích của liên kết ngang và liên kết dọc; tuyên truyền sản xuất theo yêu cầu thị trường về số lượng và chất lượng để giữ vững thương hiệu về lâu dài bằng các hình thức hội thảo, tập huấn, tài liệu tờ bướm phát từng nhà, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng...

P. NGHI - K.SANG

.
.
.