Sơ kết Chương trình Hợp tác thương mại giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh,thành
Ngày 31-10, tại Hội trường Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết Chương trình Hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2014.
Ông Trần Thanh Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang (bên trái) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của các DN tỉnh Tiền Giang. |
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, năm 2014 là năm thứ 3 TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình Hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành và là năm có quy mô, số lượng doanh nghiệp (DN) tham gia lớn nhất, với hơn 1.100 DN đến từ 38 tỉnh, thành phố tham dự, tăng 15 tỉnh, thành phố và gần 700 DN so với năm 2013. Trong đó, Tiền Giang có 15 DN tham gia trưng bày sản phẩm ngay trong ngày chương trình diễn ra.
Sau 3 năm triển khai Chương trình Hợp tác thương mại và kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, các DN TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 69 dự án đầu tư sản xuất hoặc liên kết đầu tư sản xuất với các tỉnh, thành, với tổng vốn 24.000 tỷ đồng. Đầu tư tại các tỉnh, thành 1 trung tâm thương mại và 145 siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
Bên cạnh đó, có 520 hợp đồng cung ứng và tiêu thụ sản phẩm được ký kết, với tổng giá trị 19.000 tỷ đồng, gồm có 434 hợp đồng đã được triển khai thực hiện và 86 hợp đồng đang trong quá trình thương thảo. Trong đó, các DN phân phối TP. Hồ Chí Minh đã tiêu thụ hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá 13.000 tỷ đồng và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá 6.000 tỷ đồng…
Tại hội nghị, các DN đã ký kết 347 hợp đồng nguyên tắc về thu mua - cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, tăng 118 hợp đồng so với năm 2013. Riêng Tiền Giang có DNTN Long Thuận (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) ký kết hợp đồng nguyên tắc về cung ứng và tiêu thụ sản phẩm cho các tỉnh, thành miền Bắc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Chương trình Hợp tác thương mại, kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành là một trong nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương với thị trường tiêu thụ rộng lớn là TP. Hồ Chí Minh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Vì vậy, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành cần rà soát các DN, đơn vị sản xuất, kinh doanh có tiềm năng để hỗ trợ đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, gắn chương trình bình ổn với hoạt động sản xuất. TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành khác cần chú trọng chất lượng hàng hóa, chống gian lận thương mại và tiếp tục thực hiện tuyên truyền, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian tới.
Về phía Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trình Chính phủ ban hành các chính sách về thuế, phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và hệ thống bán lẻ thị trường trong nước và xuất khẩu để hỗ trợ DN...
HỮU NGHỊ