Bằng nhiều cách phải "diệt" bệnh "chổi rồng" trên nhãn, chôm chôm
Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tại Hội nghị sơ kết công tác nghiên cứu và chỉ đạo phòng, chống bệnh “chổi rồng” hại nhãn, chôm chôm diễn ra tại Tiền Giang ngày 19-12. Hội nghị do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức.
Ra mắt Tổ công tác điều phối phòng, chống dịch “chổi rồng”. |
Phát biểu tại hội nghị, ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho biết, dịch bệnh “chổi rồng” gây hại nặng trong năm 2011, năm 2012 với 27.151,5 ha nhiễm bệnh và đã có 7/22 tỉnh, thành buộc phải công bố dịch. Sau khi ra quân đồng loạt để chống dịch, tính đến tháng 5-2013, diện tích gieo trồng nhãn toàn vùng là 45.276,1 ha; diện tích nhiễm bệnh “chổi rồng” tại 14 tỉnh phía Nam là 18.269,9 ha…
Tổng kinh phí của địa phương chi cho hoạt động phòng, chống dịch (tính đến tháng 3-2013) trên 173,8 tỷ đồng. Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ tháng 4-2014, bệnh “chổi rồng” còn xuất hiện trên chôm chôm tại nhiều vườn ở tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre, thời gian gần đây bệnh gây hại sang cả đọt non và cả cây con làm gốc ghép.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh yêu cầu các đơn vị có liên quan và các tỉnh, thành có dịch “chổi rồng” phải khẩn trương và đề ra nhiều cách để dập dịch “chổi rồng” có hiệu quả trước tình hình tái bùng phát của dịch “chổi rồng” trên nhãn và chôm chôm; bổ sung, sửa đổi quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch; triển khai xây dựng dự án “Xây dựng mô hình, tuyên truyền các giải pháp quản lý bệnh “chổi rồng” hại nhãn”…
* Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT cũng công bố Quyết định thành lập và ra mắt Tổ công tác điều phối để tập trung nguồn lực nghiên cứu biện pháp phòng, chống bệnh “chổi rồng” hại nhãn và chôm chôm. Tổ công tác do ông Nguyễn Như Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm tổ trưởng.
S.N