Thứ Sáu, 05/12/2014, 15:00 (GMT+7)
.

Chủ động đối phó với hạn, mặn và tác động từ El Nino

Do tác động của El Nino, mùa khô năm 2014 - 2015 được dự báo khắc nghiệt hơn, mặn xâm nhập sâu hơn trung bình nhiều năm. Để đối phó với tình hình trên, ngay từ cuối năm 2014, ngành Nông nghiệp đã chủ động đề ra các giải pháp bảo đảm nước cho sản xuất, phục vụ dân sinh.

Cơ quan Khí tượng Thủy văn dự báo mùa khô năm 2014 - 2015, mặn xâm nhập sớm và sâu như mùa khô năm 2012 - 2013.
Cơ quan Khí tượng Thủy văn dự báo mùa khô năm 2014 - 2015, mặn xâm nhập sớm và sâu như mùa khô năm 2012 - 2013.

Mặn xâm nhập sớm, mùa khô sẽ gay gắt hơn

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, hiện tượng El Nino đã xuất hiện và ảnh hưởng đến thời tiết trên địa bàn tỉnh. Đó là mùa mưa năm 2014 kết thúc sớm hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 20 ngày; lũ trên sông Cửu Long xuất hiện sớm và ở mức thấp, cộng với nhiều đợt triều cường vào những tháng cuối năm làm cho mặn xâm nhập sớm, độ mặn cao và lấn sâu vào đất liền; nền nhiệt cao hơn so trung bình nhiều năm.

“Biên độ mặn từ 2 - 4 g/l có khả năng xâm nhập đến TP. Mỹ Tho vào khoảng nửa cuối tháng 3 và trung tuần tháng 4 - 2015; biên độ mặn 1 g/l có khả năng xâm nhập sâu đến khu vực Đồng Tâm (cách cửa sông khoảng 55 km về phía thượng nguồn).

Nền nhiệt mùa khô năm 2015 ở mức cao và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 10C. Nhiệt độ cao nhất có thể đạt từ 350C - 360C vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5” - ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, dự báo.

Bên cạnh đó, theo ông Thông, lượng mưa trái mùa trong mùa này cũng sẽ ít hơn trung bình nhiều năm, mùa mưa năm 2015 có thể không đến sớm nên sẽ gây khó khăn về nước cho sản xuất vụ hè thu tới ở các huyện, thị phía Đông.

Còn theo ghi nhận gần đây của Công ty TNHH 1 TV Khai thác công trình Thủy lợi, thời gian qua, mặn đã xuất hiện và xâm nhập vào cửa sông, sớm hơn cùng kỳ hàng năm. Độ mặn 2 g/l thường xuyên xuất hiện trên sông Cửa Tiểu ở các kỳ triều cường làm cho nhiều cống ở khu vực Dự án Ngọt hóa Gò Công và Dự án Phú Thạnh - Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) gần như phải đóng ngăn mặn trong hơn nửa tháng qua. Từ đó, Công ty dự báo khả năng hệ thống cống còn lại trong vùng Ngọt hóa Gò Công cũng sẽ đóng ngăn mặn sớm hơn mọi năm.

Cụ thể, cống Vàm Giồng dự kiến sẽ đóng ngăn mặn từ đầu tháng 1-2015; cống Xuân Hòa sẽ lấy nước không ổn định từ đầu tháng 3 đến trước ngày 10-3-2015, rồi sau đó chính thức đóng ngăn mặn (năm 2014 chỉ tạm thời đóng ngày 19-3); các cống trên sông Tra và rạch Gò Công đóng ngăn mặn từ sau ngày 10-12-2014.

Khô hạn, xâm nhập mặn làm cho nhiều diện tích cây trồng ở  huyện Tân Phú Đông nhiều tháng liền không có nước tưới. (Ảnh chụp mùa khô 2013 - 2014).
Khô hạn, xâm nhập mặn làm cho nhiều diện tích cây trồng ở huyện Tân Phú Đông nhiều tháng liền không có nước tưới. (Ảnh chụp mùa khô 2013 - 2014).

Chủ động tích trữ nước khi còn có thể

Chủ động trước tình hình khô hạn, xâm nhập mặn cuối năm 2014 - 2015 được dự báo sẽ rất gay gắt, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với ảnh hưởng của El Nino.

Về phía tỉnh, từ cuối tháng 11, Sở NN&PTNT đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất và bảo đảm cấp nước sinh hoạt nông thôn trong mùa khô năm 2015 trên địa bàn tỉnh; họp bàn và triển khai kế hoạch vận hành các cống trong các vùng dự án nhằm bảo đảm nước sản xuất và sinh hoạt cho người dân.

Ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mục tiêu của ngành là bảo đảm ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ cho 35.645 ha lúa đông xuân 2014 - 2015 (Dự án Ngọt hóa Gò Công 29.000 ha và 6.000 ha ở Dự án Bảo Định) và không để nhân dân ở các huyện, thị phía Đông thiếu nước sinh hoạt. Trong trường hợp hạn, mặn kéo dài, việc bảo đảm nước tưới cho khoảng 38.570 ha lúa xuân hè năm 2015 ở các huyện phía Tây cũng được tính đến.

Theo ông Bá, mùa khô năm nay khả năng sẽ khó khăn về nước sản xuất (cuối vụ đông xuân, đầu vụ xuân hè và hè thu) và nước sinh hoạt cho người dân, nhất là khu vực phía Đông của tỉnh do tác động của El Nino làm mặn xâm nhập sớm, nền nhiệt cao hơn hàng năm.

Vì thế, đối với sản xuất, ngành đã chỉ đạo, phân công các đơn vị liên quan và địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước, giữ vệ sinh nguồn nước; ra quân giải phóng chướng ngại vật lòng kinh; bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi; nạo vét các tuyến kinh cạn, bồi lấp; chủ động tích trữ nước.

Đặc biệt, từ nay đến khi kết thúc mùa hạn, mặn, Công ty TNHH 1 TV Khai thác công trình Thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên các sông và nội đồng để tổ chức vận hành công trình cống phục vụ cho sản xuất có hiệu quả; tổ chức đẩy lục bình khơi thông dòng chảy.

Nhiều tuyến kinh hụt nước, nhiều nơi phải tổ chức bơm chuyền cứu lúa đông xuân ở mùa khô năm 2012 - 2013.
Nhiều tuyến kinh hụt nước, nhiều nơi phải tổ chức bơm chuyền cứu lúa đông xuân ở mùa khô năm 2012 - 2013.

Theo hiện trạng công trình và số liệu điều tra, nếu mặn diễn ra gay gắt, triều cường dâng cao kết hợp với gió chướng đẩy mặn xâm nhập sâu vào nội đồng thì diện tích lúa đông xuân 2014 - 2015 trong Dự án Ngọt hóa Gò Công sẽ bị ảnh hưởng, cần phải bơm chuyền 2 cấp để cứu 5.280 ha lúa.

Để tiến hành bơm chuyền, ngành và địa phương dự kiến đắp 166 đập và tổ chức 184 điểm bơm; nạo vét 138 tuyến kinh nội đồng bị cạn. Do đó, để chủ động, ngay từ bây giờ, ngành đã chỉ đạo đơn vị liên quan, địa phương xác định các khu vực có khả năng bị thiếu nước, lên kế hoạch bơm chuyền, chuẩn bị đầy đủ phương tiện để tiến hành bơm chuyền từ 2 - 3 cấp trữ nước, cứu lúa khi mực nước nội đồng xuống thấp.

Theo Sở NN&PTNT, trong trường hợp xâm nhập mặn sâu, mực nước vùng Đồng Tháp Mười xuống thấp, các diện tích lúa xuân hè xa nguồn n­ước ở các huyện, thị phía Tây của tỉnh phải bơm chuyền 2 cấp khoảng 12.000 ha.

Để bảo  đảm nước sản xuất, đơn vị chức năng và các địa phương trên đã có kế hoạch thi công 92 công trình thủy lợi; thường xuyên quan trắc để ngăn mặn và tổ chức bơm trữ, bơm chuyền chống hạn kịp thời; giải tỏa chướng ngại vật lòng kinh; sớm triển khai công tác thủy lợi nội đồng năm 2015.

Đối với nước sinh hoạt, khó khăn nhất là huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông. Đối với huyện Gò Công Đông, đối tượng cần quan tâm là trên 6.500 hộ sinh sống ven biển, ven sông, sống phân tán đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ sông, kinh, rạch sẽ gặp khó khăn khi mặn xâm nhập kéo dài.

Giải pháp cấp nước cho các khu vực này là mở 55 điểm vòi nước công cộng từ các trạm cấp nước để cho nhân dân chưa vào nước máy ở các khu vực trên đến lấy về sử dụng từ tháng 3 đến tháng 5-2015.

Còn huyện Tân Phú Đông hàng năm vẫn luôn là tâm điểm thiếu nước sinh hoạt. Hiện nay, trên địa bàn huyện có các trạm cấp nước Phú Đông, Phú Thạnh, Tân Thạnh, Tân Thới, Tân Thành đang cấp cho 4.439 hộ, với tổng công suất các trạm là 4.800 m3/ngày đêm.

Để hạn chế xảy ra thiếu nước mùa khô năm 2015, các giải pháp sẽ được tiến hành là nạo vét các kinh nội đồng để tăng trữ lượng nước dự trữ bổ cấp cho các ao tại chỗ; chủ động bơm trữ nước vào các ao chứa, nhất là ao 6 ha; bơm bổ cấp nguồn từ ao 6 ha về các ao chứa Phú Đông, Phú Thạnh, Tân Thới trong trường hợp không thể bổ cấp từ sông và nước nội đồng vào được; mở lại các vòi công cộng để cấp nước miễn phí cho dân từ tháng 3 đến hết tháng 5 (dự kiến 15 vòi).

Ngoài ra, việc dự phòng máy phát điện để bơm nước thô từ ao 6 ha đến các trạm cấp nước Tân Thới, Phú Thạnh, Phú Đông nhằm tăng lượng nước bổ cấp cho các trạm, không để tình trạng thiếu nước xảy ra cũng được tính đến.

N.VĂN

.
.
.