Thứ Tư, 31/12/2014, 19:34 (GMT+7)
.
HTX nông nghiệp chật vật tìm lối đi riêng

Bài 1: Nhận diện khó khăn của loại hình kinh tế hợp tác xã

Bài 2: Gian nan tìm "đầu ra" cho sản phẩm của HTX nông nghiệp
Bài 3: Lối đi nào cho HTX nông nghiệp?
Bài cuối: Đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp

Chưa có con số thống kê chính xác nhưng một điều chắc chắn rằng hiện tại có không ít hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp (NN) gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động cầm chừng và cũng có đơn vị “rơi rụng”. Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 44 HTX NN, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như: Dịch vụ cung cấp giống cây trồng và giống vật nuôi; sản xuất và tiêu thụ trái cây; dịch vụ NN; cấp nước sinh hoạt nông thôn (SHNT); dịch vụ NN gắn cấp nước SHNT; sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; sản xuất - kinh doanh (SXKD) cây kiểng (sinh vật cảnh); nuôi trồng thủy sản; chăn nuôi - thủy sản và kinh doanh - dịch vụ tổng hợp.

Hầu hết các HTX đều có điểm chung là  thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất và thiếu nguồn lực về con người đã tồn tại kéo dài nhiều năm, dẫn đến hiệu quả hoạt động của loại hình này chưa cao.

Hoạt động tại nhà đóng gói của HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.
Hoạt động tại nhà đóng gói của HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Hầu hết các HTX NN đều trong tình trạng “thiếu đủ thứ”, ngay cả không có văn phòng để hoạt động, phải mượn nhà của chủ nhiệm HTX làm trụ sở hoặc đi thuê. Kết quả khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) gần đây cho thấy, chỉ có 12/44 HTX có sở hữu đất; 8/44 HTX phải thuê đất và 12/44 HTX phải mượn đất để làm cơ sở hoạt động và chỉ có 26/44 HTX có trụ sở để làm việc. Ngay cả những đơn vị có cơ sở vật chất, phần nhiều cũng trong tình trạng ọp ẹp, xuống cấp, chưa được đầu tư đúng mức.

Vốn là một trong những vấn đề chính của các HTX NN hiện nay. Nguồn vốn hoạt động SXKD các HTX NN được hình thành từ các nguồn: Vốn góp thực tế của xã viên, vốn vay, vốn của Nhà nước và vốn tích lũy hàng năm.

Qua số liệu điều tra gần đây, có 41/44 HTX NN có nguồn vốn hoạt động SXKD. Tổng nguồn vốn hoạt động của các HTX NN trên địa bàn tỉnh chỉ trên 36 tỷ đồng. Vốn hoạt động bình quân của 1 HTX chỉ 883 triệu đồng. Tuy nhiên, sự phân bổ nguồn vốn cũng không đồng đều, thậm chí có HTX nguồn vốn hoạt động chỉ có khoảng 5 triệu đồng.

Khi khảo sát về nhu cầu vốn hoạt động cho thấy, có khoảng 30 HTX có nhu cầu vay vốn tín dụng để SXKD, nhưng chỉ có hơn 10 HTX được vay vốn. Nguyên nhân chủ yếu là hầu hết các HTX chưa có tài sản thế chấp và chưa xây dựng được phương án SXKD khả thi, quản lý sổ sách kế toán không rõ ràng để các tổ chức tín dụng xem xét cho vay.

Nói về nguồn vốn hoạt động của HTX, ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim  (huyện Châu Thành) cho biết, HTX phải tự đi vay vốn hoạt động, nhà kho phải thuê bên ngoài. Hiện tại, cũng có nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi nhưng HTX lại không có tài sản thế chấp, nên cũng không tiếp cận được nguồn vốn này.

Vì vậy, một là HTX phải vay nóng bên ngoài với lãi suất rất cao, hai là lãnh đạo HTX phải bỏ sổ đỏ của mình để thế chấp vay vốn ngân hàng khi vào mùa vụ cần nguồn vốn lưu động lớn. “Nếu có vốn, HTX có thể mua khoảng 10 ha trái của nông dân (kiểu mua lá), cho đội kỹ thuật chăm sóc nên có thể chủ động được nguồn hàng, dễ thương thảo với khách hàng” - ông Nguyễn Văn Ngàn cho biết.

Đánh giá tổng thể về HTX NN hiện nay, ông Đặng Tấn Lâm, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX NN Tiền Giang cho biết, Liên hiệp HTX NN có 13 thành viên, thành lập đã lâu, có phương án sản xuất tốt nhưng gần như chưa hoạt động được gì.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này nhưng chủ yếu là do thiếu vốn và thiếu nguồn lực con người. Hiện nay, triển vọng đầu ra nông sản rất khả quan với nhiều đầu mối tiêu thụ trong và ngoài nước nhưng do không có con người có đủ năng lực, trình độ và vốn, nên chưa thể thực hiện.

Theo số liệu khảo sát thực tế cho thấy, các chức danh quản lý HTX, chủ nhiệm có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học còn ít (20/182 người, chiếm 11%). Đa số lực lượng quản lý HTX có trình độ học vấn cấp III (88%), một số khác chỉ được đào tạo thông qua các lớp ngắn hạn nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu về quản lý HTX trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Mặt khác, kết quả khảo sát về hoạt động của HTX NN trên địa bàn tỉnh của Sở NN&PTNT cho thấy, một số HTX được thành lập chưa có sự chuẩn bị đầy đủ, thiếu những điều kiện “cần” và “đủ”, thành lập theo chỉ tiêu, thành lập không xuất phát từ nhu cầu tự nguyện hợp tác của người dân mà thành lập theo các chương trình, đề tài, dự án đầu tư để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Vốn, cơ sở vật chất và năng lực hoạt động của các HTX không đều và còn rất hạn chế so với các thành phần kinh tế khác. Mặc dù trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ HTX đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Bên cạnh đó, việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất cũng chưa phù hợp với tiềm năng, thế mạnh sản xuất của địa phương.

Những khó khăn như thế đã dẫn đến một thực tế là hiệu quả hoạt động của hầu hết HTX NN ở mức thấp cũng là điều đương nhiên. Kết quả khảo sát gần đây của Sở NN&PTNT cho thấy, thực tế là số lượng HTX hoạt động SXKD được xếp ở nhóm khá, giỏi chỉ có 9 HTX, chiếm tỷ lệ thấp (20%); 40% xếp loại trung bình và 36% xếp loại yếu kém.

Tuy nhiên, theo nhận định của Sở NN&PTNT, kết quả hoạt động thực tế có thể thấp hơn do trong quá trình hoạt động một số HTX chưa tự phân loại đúng theo các tiêu chí hướng dẫn của Thông tư 01 ngày 19-1-2006 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Cụ thể là các tiêu chí về mức độ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch SXKD, mức độ tin cậy của xã viên đối với HTX... 

Kết quả hoạt động của các HTX trong lĩnh vực NN còn thể hiện qua các chỉ tiêu kinh doanh. Theo thống kê gần đây, lợi nhuận bình quân của các HTX cũng chỉ ở mức thấp, trung bình chỉ trên 91 triệu đồng, nhưng cũng không ít đơn vị thua lỗ.

Chỉ có một số HTX chuyển đổi mô hình hoạt động (Bình Tây, Tân Mỹ Chánh…) có nhiều lợi thế hơn trong SXKD do các khoản thu từ việc cho thuê đất (mặt bằng, nhà xưởng…); đồng thời với việc kinh doanh tổng hợp, mở rộng nhiều lĩnh vực kinh doanh góp phần tăng cao lợi nhuận.

Các HTX cung cấp nước sạch nông thôn mặc dù lợi nhuận không cao nhưng hàng năm đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân nông thôn…

THẾ ANH - NGÔ VĂN
(Còn tiếp)

.
.
.