TX. Cai Lậy: Thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ
Theo Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy, trong năm 2014, giá trị thương mại - dịch vụ (TM-DV) của TX. Cai Lậy thực hiện đạt 2.877 tỷ đồng. Mặc dù mới thành lập, nhưng thuận lợi của TX. Cai Lậy là định hướng phát triển trở thành đô thị trung tâm phía Tây của tỉnh; đồng thời hình thành trục phát triển kinh tế - đô thị Cai Lậy - Mỹ Tho - Gò Công và cũng là trung tâm giao lưu kinh tế quan trọng từ vùng Nam sông Tiền và vùng Đồng Tháp Mười hướng về TP. Mỹ Tho và TP. Hồ Chí Minh.
Hiện TX. Cai Lậy đã có các dịch vụ như: Bưu chính viễn thông, ngân hàng, bến xe... Đặc biệt, trên địa bàn thị xã còn có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy tương đối thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, với Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 868 đi ngang qua địa bàn. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, hệ thống chợ của TX. Cai Lậy cũng được quan tâm đầu tư, đã góp phần thúc đẩy cho TM-DV phát triển.
Chợ Tam Long (phường 5, TX. Cai Lậy) vừa được đầu tư vốn để củng cố và nâng chất hoạt động kinh doanh chợ theo định hướng an toàn sinh học. |
Năm 2014, chợ Cai Lậy (phường 1) được đầu tư cải tạo, sửa chữa, với nguồn vốn 1,7 tỷ đồng. Riêng chợ Tam Long (phường 5) được Ban Quản lý Dự án “Phòng, chống dịch cúm gia cầm ở người và dự phòng đại dịch ở Việt Nam” (VAHIP) tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2014 đầu tư vốn để củng cố và nâng chất hoạt động kinh doanh chợ theo định hướng an toàn sinh học. Đến nay, chợ Tam Long đã nghiệm thu hoàn thành.
Theo Phòng Kinh tế TX. Cai Lậy, hiện nay toàn thị xã có 12 chợ đang hoạt động, gồm 1 chợ hạng I (chợ Cai Lậy); 1 chợ hạng II (chợ Mỹ Phước Tây) và 10 chợ hạng III. Tổng diện tích đất chợ 52.123 m2, trong đó diện tích đất xây dựng nhà lồng chợ là 14.427 m2.
Tại các chợ hiện có 1.609 hộ kinh doanh. Nhìn chung, các chợ trên địa bàn TX. Cai Lậy cơ bản đáp ứng nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân.
Hiện tại, hệ thống chợ trên địa bàn TX. Cai Lậy được xem là một trong những động lực lớn, thúc đẩy cho lĩnh vực TM-DV phát triển ổn định. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở hạ tầng chậm cũng như một số hạn chế trong công tác quản lý chợ vẫn còn tồn tại nên chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Cụ thể, chợ Cai Lậy dù đã đi vào hoạt động 5 năm nhưng vẫn chưa thể vận động 100% bà con tiểu thương vào chợ kinh doanh, mua bán. Vẫn còn hiện tượng nhiều tiểu thương tràn ra ngoài kinh doanh; chưa bố trí lại khu vực kinh doanh, mua bán cá, gây ảnh hưởng đến môi trường...
Hay chợ tự phát chiếm vỉa hè, lòng đường Thái Thị Kiều, đường Thanh Tâm (khu phố 1, phường 1) làm mất trật tự, mỹ quan đô thị, mà vẫn chưa có phương án giải tỏa...
Bên cạnh đó, TX. Cai Lậy cũng đang gặp khó khăn, khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà kho, bến bãi trung chuyển hàng hóa chưa được hình thành; thiếu vốn đầu tư và cơ chế kêu gọi đầu tư còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, nguồn vốn đầu tư phát triển các chợ vùng nông thôn vì phụ thuộc vào nguồn vốn kêu gọi nhà đầu tư nên tiến độ xây dựng chợ mới chậm, làm ảnh hưởng đến việc phát triển chợ trên địa bàn.
Để khắc phục những hạn chế trên, TX. Cai Lậy sẽ chấn chỉnh khâu quản lý Nhà nước về hoạt động chợ; thành lập Ban Quản lý chợ thị xã. Đề xuất ban hành khung chi hợp lý cho công tác vận hành hoạt động của các chợ xã.
Việc quản lý chợ sẽ hướng đến mục tiêu xây dựng chợ văn hóa (VH) và đạt tiêu chí chợ nông thôn mới (NTM). Phấn đấu đến cuối năm 2015, TX. Cai Lậy sẽ có 3 chợ nông thôn đạt tiêu chí chợ VH và tiêu chí chợ NTM là chợ Mỹ Phước Tây, chợ Long Khánh và chợ Nhị Quí.
Đến cuối năm 2020, số chợ nông thôn đạt tiêu chí chợ VH và tiêu chí chợ NTM của TX. Cai Lậy sẽ là 4 chợ, gồm chợ Mỹ Hạnh Trung, chợ Tân Hội, chợ Tân Phú và chợ Tân Bình...
Ngoài ra, UBND TX. Cai Lậy sẽ tiếp tục kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển TM-DV trên địa bàn, trong đó có kêu gọi nhà đầu tư xây dựng siêu thị, cửa hàng kinh doanh, mua bán.
PHƯƠNG NGHI