Thứ Tư, 17/12/2014, 14:19 (GMT+7)
.

Xây dựng NTM: Tập trung thực hiện đi đôi với tháo gỡ khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 139 xã triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM). Kết quả là vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã có 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh cũng đang phấn đấu đến cuối năm 2014 sẽ tiếp tục có 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và đến cuối năm 2015, tỉnh sẽ có 11 xã đạt chuẩn xã NTM.

Qua đó cho thấy, Chương trình MTQG xây dựng NTM được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, để việc triển khai thực hiện chương trình mang lại kết quả cao, Tiền Giang cần phải tập trung thực hiện đi đôi với tháo gỡ khó khăn.

Xã Tam Bình đang phấn đấu đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2014 (ảnh chụp ở Trường THCS Tam Bình).
Xã Tam Bình đang phấn đấu đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2014 (ảnh chụp ở Trường THCS Tam Bình).

Kết quả thực hiện các tiêu chí NTM

Việc triển khai thực hiện lập Đồ án quy hoạch xây dựng xã NTM được triển khai trên địa bàn 139 xã. Đến nay, đã có 135/139 xã có Đồ án quy hoạch được UBND cấp huyện phê duyệt. Về tình hình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng xã hội ở nông thôn, trong đó hiện có 125/139 xã đạt tiêu chí thủy lợi trong Bộ Tiêu chí Quốc gia NTM. Riêng tiêu chí về giao thông, hiện tỉnh cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì cần nguồn vốn đầu tư lớn nên chỉ mới có 3/139 xã xây dựng NTM của tỉnh đạt tiêu chí này.

Tỉnh cũng đã triển khai thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề lao động nông thôn, cải thiện thu nhập, giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, phương pháp tổ chức sản xuất cho người dân, góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập và lao động có việc làm thường xuyên theo Bộ Tiêu chí Quốc gia NTM.

Thu nhập bình quân đầu người/năm của người dân nông thôn trong tỉnh năm 2014 đạt 20,5 triệu đồng/người/năm, so với năm 2011 tăng 3 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, hiện các xã xây dựng NTM của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện tiêu chí số 10 về nâng cao thu nhập cho nông dân.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng NTM tại các địa phương trong tỉnh cũng đang gặp khó khăn chung trong việc thực hiện các tiêu chí cần sự đầu tư nhiều về nguồn vốn như: Tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa (chỉ mới có 5/139 xã của tỉnh đạt toàn diện về tiêu chí này); tiêu chí về chợ nông thôn (có 49/139 xã đạt)...

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh, kết quả thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh với mức độ đạt các tiêu chí theo nhóm như sau: Nhóm đạt 19 tiêu chí có 2 xã (chiếm 1,44% so với tổng số xã xây dựng NTM của tỉnh); nhóm đạt từ 15 - 18 tiêu chí có 4 xã (chiếm 2,88%); nhóm đạt từ 10 - 14 tiêu chí có 26 xã (chiếm 18,7%); nhóm đạt từ 5 - 9 tiêu chí có 97 xã (chiếm 69,78%); nhóm đạt dưới 5 tiêu chí có 10 xã (chiếm 7,19%).

Riêng mức độ đạt các tiêu chí tại 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, đã có 2 xã đạt 19/19 tiêu chí và đã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM; 4 xã đạt 15/19 tiêu chí gồm: Tam Bình (huyện Cai Lậy), Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho), Tân Điền và Bình Nghị (huyện Gò Công Đông); 1 xã đạt 14/19 tiêu chí là Bình Nhì (huyện Gò Công Tây); 3 xã đạt 13/19 tiêu chí gồm: Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước), Thanh Bình và Phú Kiết (huyện Chợ Gạo); 1 xã đạt 12 tiêu chí là xã Tân Hội Đông (huyện Châu Thành). Theo kế hoạch, xã Tam Bình và xã Bình Nghị phấn đấu đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2014.

Nhìn chung, bình quân số tiêu chí xây dựng NTM đạt được trên địa bàn tỉnh là 8,26 tiêu chí/xã (tăng 1,91 tiêu chí/xã so với năm 2011) và so với bình quân toàn quốc là 8,74 tiêu chí. Trong đó, số tiêu chí đạt bình quân tại 11 xã điểm là 14,82 tiêu chí/xã và bình quân 30 xã được tỉnh chỉ đạo xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015 là 11,5 tiêu chí/xã.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh, mức độ đạt các tiêu chí so với quy định Bộ Tiêu chí Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn thấp so với mức độ đạt của khu vực và toàn quốc.

Sản xuất đã có bước phát triển nhưng thu nhập của người dân nông thôn chưa được nâng cao, cũng gây khó khăn trong việc xây dựng NTM ở các xã.
Sản xuất đã có bước phát triển nhưng thu nhập của người dân nông thôn chưa được nâng cao, cũng gây khó khăn trong việc xây dựng NTM ở các xã.

Những khó khăn, hạn chế cần tháo gỡ

Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành, người dân chưa đúng và đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.

Vẫn còn tư tưởng xem chương trình xây dựng NTM là dự án đầu tư của Nhà nước nên nặng về triển khai thực hiện các tiêu chí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, chưa quan tâm đến tiêu chí phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực của Nhà nước.

Mặc dù cán bộ tham gia công tác xây dựng NTM ở cơ sở (nhất là cấp xã) đã được tập huấn, đào tạo, hướng dẫn đầy đủ về các nội dung xây dựng NTM nhưng trình độ, năng lực vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, các đề án, đồ án quy hoạch xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, nhu cầu kinh phí để thực hiện chương trình rất lớn, trong khi tỉnh khó khăn chưa cân đối được ngân sách. Kinh phí Trung ương hỗ trợ rất ít nên nguồn vốn bố trí cho các xã điểm rất hạn chế nên mất cân đối về nguồn lực, trong khi đó nguồn lực từ nhân dân và cộng đồng giữ vai trò quyết định nhưng chưa huy động được.

Chương trình MTQG xây dựng NTM là một chương trình mới, được triển khai trên địa bàn nông thôn và có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các ngành, các ngành với địa phương chưa đồng bộ và chưa chặt chẽ...

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến năm 2015, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung xây dựng 30/139 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (cơ bản đạt chuẩn là mức độ hoàn thành các tiêu chí theo quy định ít nhất là 80% trở lên) và có thêm ít nhất 7 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM (lũy kế đến cuối năm 2015 tỉnh Tiền Giang có 11 xã đạt chuẩn xã NTM). Dự kiến, trong năm 2015, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh khoảng 1.516 tỷ đồng.

Trước những khó khăn, hạn chế trên, Ban Chỉ đạo MTQG xây dựng NTM tỉnh đã đề xuất, kiến nghị và đề ra một số giải pháp, nhằm triển khai thực hiện đạt các mục tiêu của Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc lãnh đạo xây dựng NTM đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện các nội dung chỉ đạo tại Công văn 2300-CV/TU ngày 6-8-2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng NTM trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

UBND các huyện, thị, thành trong tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí NTM của các xã. Tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa theo phương châm: Chủ động những tiêu chí không cần vốn thì làm trước (chỉ tiêu cán bộ xã đạt chuẩn, vệ sinh môi trường...).

Những tiêu chí cần ít vốn và huy động xã hội hóa nguồn lực thì làm đồng thời. Còn những tiêu chí cần nhiều vốn đầu tư của Nhà nước thì tập trung công tác chuẩn bị đầu tư. Việc cần làm ngay hiện nay là tập trung đầu tư lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia; chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình, dự án khác đang triển khai ở nông thôn cho các xã điểm, để đến năm 2015 các xã điểm này cơ bản đạt các tiêu chí theo Bộ Tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, trong đó cần tập trung cho các tiêu chí cần nhiều vốn đầu tư như: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế, chợ...

PHƯƠNG NGHI

.
.
.