Thứ Tư, 03/12/2014, 12:46 (GMT+7)
.

Xuất khẩu lao động: Còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ

Trong 5 năm, từ năm 2010 - 2014, Tiền Giang có 654 lao động xuất cảnh. Điều này cho thấy dù công tác tuyên truyền, vận động, tạo nguồn lao động cùng chính sách hỗ trợ vốn vay đã được triển khai, nhưng việc xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế về chỉ tiêu và đặt ra nhiều vấn đề trong việc triển khai trong thời gian tới.

KHÓ KHĂN TRONG TUYỂN DỤNG

Theo ông Lê Văn Tươi, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, thì khó khăn của việc xuất khẩu lao động trong thời gian qua là do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên các doanh nghiệp ngừng tuyển dụng lao động; kế đến là tâm lý người lao động còn ngại đi làm xa, trình độ tay nghề và ý thức kỷ luật của người lao động còn hạn chế, không đáp ứng với yêu cầu khắt khe của một số nước phát triển như Nhật Bản.

Riêng Hàn Quốc, từ tháng 8-2012 đã ngừng tiếp nhận lao động người Việt do tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, tự ý phá vỡ hợp đồng; chỉ riêng ở Tiền Giang đã có 53 lao động đang cư trú bất hợp pháp vì đã hết hạn, phải về nước.

Ngoài ra, những năm đầu khi thực hiện chương trình xuất khẩu lao động, việc đưa lao động sang thị trường Malaysia đã không có sự sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng nên đã có nhiều lao động không thích nghi với công việc, phải bỏ về nước trước thời hạn đã ảnh hưởng đến việc vận động đưa lao động sang thị trường này.

Lớp dạy tiếng Nhật cho người xuất khẩu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang.
Lớp dạy tiếng Nhật cho người xuất khẩu lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang.

Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) thì cho rằng, công tác tuyên truyền về xuất khẩu lao động ở một số địa phương chưa có sự chỉ đạo tích cực, việc tuyên truyền, vận động còn hạn chế; công tác tạo nguồn xuất khẩu lao động chưa được quan tâm nên việc vận động sinh viên ra trường tham gia xuất khẩu lao động không hiệu quả.

Về chính sách hỗ trợ cho công tác xuất khẩu lao động tương đối tốt, nhưng trong quá trình triển khai một số địa phương chưa thông tin rộng rãi đến người lao động nên nhiều lao động có nguyện vọng tham gia nhưng không có điều kiện, hồ sơ để được hỗ trợ.

Cùng lý giải về nguyên nhân khó khăn trong xuất khẩu lao động, ông Nguyễn Văn Tranh, Trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Chợ Gạo cho rằng thị trường xuất khẩu lao động chưa hấp dẫn, chỉ tập trung một số nước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia;

Mặt khác, do lao động của ta không có tay nghề nên thị trường dễ tham gia thì thu nhập thấp, những nước cho thu nhập cao thì chi phí xuất cảnh và điều kiện tham gia khó đáp ứng. Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi nước ngoài đều ở ngoài tỉnh nên công tác quản lý gặp khó khăn.

Trong khi đó, đại diện của Phòng LĐ-TB-XH huyện Châu Thành dẫn chứng về khó khăn của công tác xuất khẩu lao động tại địa phương, nếu như năm 2004 có 66 lao động xuất cảnh, năm 2005 có 309, năm 2006 có 201, năm 2007 có 162, năm 2008 giảm còn 60, năm 2009 còn 22, năm 2010 còn 15, năm  2011 còn 12 và năm 2014 chỉ có 15 lao động xuất cảnh.

NAN GIẢI CHUYỆN NỢ NGÂN HÀNG

Bên cạnh những mặt được của chương trình xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo với những đối tượng thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách thì vẫn còn đó những hạn chế, tồn tại; cụ thể là việc nợ tiền vay ngân hàng khi lao động phải về nước trước thời hạn, đây đang là vấn đề khá bức xúc đặt ra.

Đối tượng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đi xuất khẩu lao động là những gia đình chính sách, hộ nghèo, vì thế khi công việc ở nước ngoài không thuận lợi, phải về nước trước hạn thì việc trả nợ cho ngân hàng của đối tượng này gặp khó khăn.

Theo ông Dương Văn Hoàng, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Chi nhánh Tiền Giang, thì số tiền của 78 đối tượng chính sách vay đi xuất khẩu lao động còn nợ ngân hàng là hơn 1,2 tỷ đồng (trong đó nợ quá hạn 666 triệu đồng, số khoanh nợ là 513 triệu đồng), trong đó có 77 đối tượng thuộc hộ nghèo, nên việc thu hồi gặp rất nhiều khó khăn, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Phước và huyện Châu Thành.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang, thu nhập bình quân lao động gởi về nước là từ 18 - 20 triệu đồng/tháng với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản; từ 9 - 12 triệu đồng/tháng đối với thị trường Đài Loan; từ 5 - 8 triệu đồng/tháng với thị trường Malaysia.

Với thu nhập tương đối cao đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, nhà cửa khang trang; lao động khi về nước có nguồn vốn để kinh doanh, tìm được việc làm ổn định, phù hợp với tay nghề được đào tạo ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Thuần, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành cho biết, thời gian đầu khi thực hiện chương trình xuất khẩu lao động (năm 2005-2008) Châu Thành có 172 hộ tham gia với số tiền vay 3,3 tỷ đồng; đến nay toàn huyện còn 35 đối tượng còn nợ với số tiền 592 triệu đồng, tập trung ở các xã:

Long Định, Thạnh Phú, Tam Hiệp, Nhị Bình. Thời gian tới, ngân hàng kết hợp với chính quyền vận  động các đối tượng trả, nếu quá khó khăn có thể cho trả góp từ từ.

Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Vẹn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh huyện Tân Phước, huyện còn 14 đối tượng nợ 221 triệu đồng, cũng vận động thu dần do họ quá khó khăn.

Ông Lê Văn Tươi cho biết, nguyên nhân của tình trạng nợ tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội là do những năm 2005 - 2008 khi thực hiện xuất khẩu lao động sang Malaysia đã đưa đi ồ ạt mà không có sàng lọc, nhất là ở huyện Châu Thành và huyện Tân Phước.

Nay thì việc xuất khẩu lao động đã khác, thị trường chủ yếu là Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan đòi hỏi có trình độ và đa số đối tượng không cần vay vốn nên việc vận động gặp khó khăn do tiêu chuẩn khắt khe; tuy nhiên nếu đi được thì hiệu quả kinh tế rất cao.

Về hướng giải quyết vấn đề nợ quá hạn, ông Dương Văn Hoàng cho biết, sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể vận động các đối tượng cam kết, trả từ từ; chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện rà soát lại các trường hợp quá hạn, xem đối tượng nào có khả năng mà cố tình không trả thì chuyển sang tòa án giải quyết.

SƠN PHẠM

Theo Sở LĐ-TB-XH, chỉ tiêu của tỉnh năm 2015 sẽ đưa 150 lao động đi xuất khẩu. Để thực hiện được chỉ tiêu này, giải pháp được đưa ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, chú trọng thông tin “người thật việc thật”.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang với các công ty xuất khẩu lao động, với Phòng LĐ-TB-XH các huyện trong tỉnh để tăng cường công tác thông tin và tạo nguồn tại địa phương; đồng thời tạo điều kiện cho các công ty xuất khẩu lao động phối hợp với các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh để tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, từng bước đưa lao động có tay nghề đi xuất khẩu;

Xây dựng các mô hình liên kết giữa Trung tâm - địa phương, trung tâm với các cơ sở đào tạo trong tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của thị trường. Mở rộng các lớp đào tạo ngoại ngữ định hướng, các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động trước khi đi xuất cảnh.

 

.
.
.