Bài 2: Gian nan tìm "đầu ra" cho sản phẩm của HTX nông nghiệp
Bài 1: Nhận diện khó khăn của loại hình kinh tế hợp tác xã
Bài 3: Lối đi nào cho HTX nông nghiệp?
Bài cuối: Đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
“Đầu vào” đã khó, nhưng tìm đầu ra cho sản phẩm của các hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp (NN) lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, các HTX NN cứ loay hoay mãi với hàng loạt những khó khăn và không ít HTX tạm ngưng hoạt động cũng vì lẽ đó.
NHẬT KÝ CỦA ÔNG CHỦ NHIỆM
Chúng tôi bắt đầu từ câu chuyện tìm đầu ra cho các loại nông sản từ các HTX NN, mà ở HTX Dịch vụ sản xuất NN Mỹ Lương (HTX Mỹ Lương, huyện Cái Bè) là câu chuyện điển hình. Khi nhắc đến vấn đề này, ông Huỳnh Nguyên Anh, Chủ nhiệm HTX, người đã có nhiều trải nghiệm với xuất khẩu trái cây đúc kết: Xuất khẩu trái cây rất gian nan!
Ông kể: “Năm 2005, HTX bắt đầu thử nghiệm lô bưởi lông Cổ Cò đầu tiên xuất đi CHLB Đức, với 1 container 4 tấn. Để xuất hàng, HTX Mỹ Lương thực hiện quy trình rửa nước Ozon, bao trái bằng túi lưới theo đúng yêu cầu của khách hàng. Thế nhưng, khi cặp cảng CHLB Đức, không biết nguyên nhân vì sao, lô hàng bị hư đến 35%.
Khách hàng ở CHLB Đức cho biết, những trái bưởi không bị hư còn lại ăn rất ngon. Khách hàng không chê về chất lượng nhưng tỷ lệ hư hỏng quá cao, nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Khách hàng đưa ra yêu cầu trái bưởi không hư khi vận chuyển đến CHLB Đức mới nhận, nên HTX không dám tiếp tục xuất hàng.
Gian nan tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. |
Lần thứ 2 HTX Mỹ Lương đóng hàng cho Công ty TNHH Hàng Xanh, ở TP. Hồ Chí Minh, với 1 container 16 tấn bưởi. Sau khi chào hàng mẫu, HTX Mỹ Lương chịu trách nhiệm thu gom và giao hàng. HTX thu được 20 tấn hàng theo đúng thời gian nhưng khi đóng hàng công ty dạt chỉ còn 9 tấn. HTX Mỹ Lương phải huy động gần 20 người để đi thu gom đủ lượng hàng xuất khẩu, bất kể giá thành của bưởi tăng gần bằng với giá đã ký hợp đồng.
Thế nhưng, một tháng sau, khi hàng đến Hà Lan, lô bưởi lại bị hư hỏng. “Mặc dù kỹ thuật bảo quản do Công ty TNHH Hàng Xanh mướn người của Trường Đại học Nha Trang vào làm, nhưng lô bưởi vẫn hư 35%. Cuối cùng, Công ty TNHH Hàng Xanh không dám tiếp tục xuất khẩu lô bưởi nào nữa, do tỷ lệ hư hỏng khống chế chỉ 10%” - ông Huỳnh Nguyên Anh cho biết.
Lần thứ 3 HTX Mỹ Lương đóng 2 container, khoảng 32 tấn bưởi, cho một công ty ở Hà Nội, xuất sang Hà Lan. Lần này tỷ lệ hư hỏng cũng tương tự những đợt trước, nên các hợp đồng tiếp theo lại bị hủy. Mới đây, Công ty TNHH Việt Hưng (KCN Hòa Phú, Vĩnh Long) cũng đặt hàng HTX Mỹ Lương cho mỗi đợt xuất khoảng 5 tấn bưởi lông Cổ Cò.
Tuy nhiên, khi lấy mẫu và để thử ở môi trường tự nhiên thì 10 trái hư hết 3 trái, nên cơ hội xuất khẩu lần này lại tuột mất. Năm 2009, HTX Mỹ Lương cũng đã đóng thử nghiệm 10 thùng bưởi đi bằng đường máy bay nhưng đến nơi trái bưởi cũng bị teo lại, hư hỏng.
Ông Huỳnh Nguyên Anh cho biết, xoài cát chu cũng đã được thử nghiệm xuất khẩu. Gần đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Đầu tư Xoài Việt Nam đã gắn kết với HTX Mỹ Lương gần 1 năm để xuất hàng sang thị trường Nga. Lô hàng đầu tiên thành công là 500 kg xoài cát chu chín cây, đi bằng đường máy bay, đối tác ở Nga rất thích.
Hiện tại, đối tác vẫn thường xuyên liên hệ để đóng thanh long, bưởi da xanh, xoài cát chu… để xuất sang thị trường Nga. “Đối tác đòi hỏi rất khắt khe về mẫu mã và chất lượng. Nếu không chú trọng cho xuất khẩu cũng không được, nhưng chú trọng vào xuất khẩu thì gặp rất nhiều gian nan, chưa kể mất ngủ liên miên. Gần đây, HTX chỉ tập trung kinh doanh ở thị trường nội địa” - ông Huỳnh Nguyên Anh cho biết.
CÓ THƯƠNG HIỆU CŨNG GẶP KHÓ
HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim là 1 trong những đơn vị được đầu tư khá lớn để xây dựng thương hiệu vú sữa Lò Rèn, nhất là tập trung đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn GAP. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX cho biết, HTX được thành lập tháng 8 - 2006, được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP lần đầu tiên vào năm 2008, tái cấp vào năm 2009 và năm 2010.
Tuy nhiên, đến tháng 9-2011, giấy chứng nhận đã hết hạn nhưng HTX chưa làm thủ tục để tái cấp lại, nguyên nhân chính là do thiếu kinh phí. Do mỗi năm phải tái cấp lại 1 lần, chi phí cho lần cấp giấy chứng nhận đầu tiên là 7.374 USD và tái chứng nhận là 5.000 USD. “Nếu hàng hóa xuất khẩu được thì đây không phải là khoản chi phí quá lớn, nhưng hiện nay vú sữa vẫn chưa xuất khẩu được” - ông Nguyễn Văn Ngàn phân tích.
Tìm hiểu sâu về những khó khăn trong việc tiêu thụ, nhất là xuất khẩu loại đặc sản của Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Ngàn cho biết, HTX cũng chào hàng sang châu Âu nhiều lần, chẳng hạn vào thị trường Nga vào năm 2008 - 2009, nhưng phải qua trung gian của một công ty khác nên chưa đạt được kết quả.
HTX cũng từng chào hàng sang Anh, Hà Lan 3 lần nhưng chưa đạt được kết quả cao do khách hàng yêu cầu phải bảo quản được ít nhất 20 ngày để xuất bằng đường tàu biển, nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển nhưng HTX lại không đáp ứng được.
Còn xuất bằng đường hàng không chi phí lại quá lớn, sẽ không mang lại lợi nhuận. Trước đây, HTX cũng đã đề xuất với Sở Khoa học - Công nghệ, cũng có dự án của Phân viện Cơ điện sau thu hoạch TP. Hồ Chí Minh tiến hành thực hiện tại HTX nhưng cuối cùng việc xử lý trái vú sữa cũng không đạt được theo yêu cầu.
Thực ra, nhu cầu tiêu thụ trái vú sữa hiện còn rất lớn, nếu có giải pháp bảo quản được lâu sẽ có nhiều cơ hội. Còn nếu bảo quản theo cách truyền thống, bảo quản lạnh từ 5 - 80 thì chỉ giữ được 17 ngày, nhưng số lượng bảo quản cũng không được nhiều, nên không đáp ứng được yêu cầu của đối tác.
HTX đã áp dụng dây chuyền bao trái tự động khi bảo quản lạnh, nhưng thời gian bảo quản cũng không quá 20 ngày nên không thể đáp ứng theo nhu cầu xuất khẩu bằng đường biển” - ông Nguyễn Văn Ngàn cho biết.
Công bằng mà nói, từ khi thành lập HTX đến nay người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất, còn hiệu quả của HTX chưa cao, do đầu ra của HTX chưa ổn định được. Cũng chính từ thực tế này mà hiện tại, khoảng 70% vú sữa của xã viên được tiêu thụ qua HTX, còn lại xã viên phải tự tìm nơi tiêu thụ sản phẩm.
“Bình thường HTX cũng kinh doanh những loại trái cây khác nhằm trang trải chi phí hoạt động như thuê đất đai, điện thắp sáng. Vào chính vụ, HTX tập trung kinh doanh vú sữa. Hiện nay, HTX cũng có ý tưởng nạo cơm vú sữa đóng hộp, có thể mang lại hiệu quả cao hơn nhưng vẫn chưa thực hiện được. Sau gần 10 năm thành lập, dù còn rất nhiều khó khăn nhưng cũng không thể nào “lùi” được. Bởi, thực tế có rất nhiều đối tác đến liên hệ, chứng tỏ cơ hội có nhưng nguồn lực của HTX không có” - ông Nguyễn Văn Ngàn cho biết.
Hay ở HTX Quyết Thắng (huyện Tân Phước), 1 trong những HTX điểm của tỉnh, hình thành trên vùng nguyên liệu khóm lớn nhất, nhì của Đồng bằng sông Cửu Long, được hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa trong làm đất trồng khóm, đầu tư hệ thống nhà đóng gói có quy mô lớn, hỗ trợ xây dựng và chứng nhận VietGAP cho trái khóm, với 37 ha đã được chứng nhận. Từ sự hỗ trợ đầu tư lớn như thế, HTX bước đầu tạo được tiếng vang trong tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Công Thành, Chủ nhiệm HTX, cũng như các HTX khác, việc tiêu thụ trái khóm nói chung và sản phẩm VietGAP nói riêng cũng vô cùng khó khăn. Vì thế nhà đóng gói khóm mới vừa đầu tư nhưng phải đóng cửa, hiệu quả của HTX rất thấp.
THẾ ANH - NGÔ VĂN
(Còn tiếp)