Thứ Hai, 05/01/2015, 14:23 (GMT+7)
.

Bài 3: Lối đi nào cho HTX nông nghiệp?

Bài 1: Nhận diện khó khăn của loại hình kinh tế hợp tác xã
Bài 2: Gian nan tìm "đầu ra" cho sản phẩm của HTX nông nghiệp
Bài cuối: Đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp

Công bằng mà nói, trong giai đoạn khó khăn nhất của hệ thống hợp tác xã (HTX) nông nghiệp (NN) cũng có một vài đơn vị tìm lối thoát bằng cách đi theo những lối riêng và mang lại hiệu quả tích cực. Và tất nhiên cũng có không ít HTX “rơi rụng” do chưa thích ứng kịp với cơ chế kinh tế thị trường.

Giải thể và ngưng hoạt động

Trong giai đoạn nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ngay cả các doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn còn phải “chông chênh”, việc một số HTX NN “rơi rụng” cũng là điều dễ hiểu và cũng dễ tiên đoán. HTX trong lĩnh vực NN gặp khó khăn chiếm tỷ lệ cao cũng là điều đương nhiên, do xuất phát điểm của loại hình này quá thấp so với mặt bằng chung của các loại hình kinh tế khác trên địa bàn tỉnh, lại hoạt động trên lĩnh vực có tính rủi ro cao.

Thống kê của Liên minh HTX, đến tháng 10 - 2014, toàn tỉnh có 6 HTX giải thể, 9 HTX ngưng hoạt động; trong đó tập trung nhiều vào HTX thuộc lĩnh vực NN, như: HTX Thủy sản Hòa Hưng, Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa, Thanh long Mỹ Tịnh An, Nếp bè Tân Bình…

Kinh doanh nước sinh hoạt nông thôn trở thành một trong những lĩnh vực chính của nhiều HTX NN.
Sản phẩm rau của HTX Rau an toàn Gò Công đã vào được các siêu thị.

HTX Thủy sản Hòa Hưng (Cái Bè) ra đời được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nghề nuôi cá tra công nghiệp phát triển. Bởi ngay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô lớn, tập trung chủ yếu vào con cá tra. Cũng chính từ ý nghĩa đó, một thời HTX được ngành NN tập trung đầu tư kỹ thuật theo hướng hiện đại, nhất là nuôi theo tiêu chuẩn SQF 1.000cm.

Nhiều lần về tham quan vùng nuôi cá tra công nghiệp của HTX, chúng tôi cảm nhận được rằng người nuôi cũng phấn khởi. Thế nhưng chỉ một thời gian ngắn, HTX lại rơi vào tình trạng khó khăn.

Khi đề cập đến hiệu quả hoạt động của HTX Thủy sản Hòa Hưng, ông Lê Thanh Dung, Chủ nhiệm HTX nhiều lần tâm tư: “Mấy năm trước trong HTX có trên 20 ha nuôi cá tra công nghiệp nhưng diện tích nuôi cứ giảm dần, do mô hình nuôi cá thể không còn mang lại hiệu quả. Thực tế cũng cho thấy, nếu nuôi cá tra theo tiêu chuẩn SQF 1.000cm thì giá bán cũng không chênh lệch với nuôi thông thường nên hiệu quả mang lại cũng rất bấp bênh. Kết quả là gần đây, HTX phải tạm ngưng hoạt động”.

Nằm trên vùng chuyên canh thanh long của tỉnh, HTX Thanh long Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo) ra đời và được mong đợi sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực.

Theo đó, HTX cũng được chọn là một trong những HTX điểm của tỉnh, được quan tâm đầu tư lớn như: Xây dựng mô hình sản xuất VietGAP, đầu tư nhà đóng gói sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại… Thế nhưng, chỉ mấy năm sau thành lập, HTX Thanh long Chợ Gạo cũng rơi vào khó khăn, hiệu quả hoạt động không cao và cuối cùng phải ngưng hoạt động, giải thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.

HTX Rau an toàn Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nằm trên vùng rau có tiếng của tỉnh, được quan tâm đầu tư xây dựng các mô hình rau an toàn, được kỳ vọng lớn nhưng cuối cùng vẫn không thể tiếp tục hoạt động.

Nhiều HTX NN được hình thành trên chính vùng nguyên liệu có quy mô lớn, nhiều thuận lợi, được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa tương xứng. Việc “rơi rụng” của các HTX trong lĩnh vực NN bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có nguyên nhân cũng cần phải nhìn nhận là do các HTX này sản xuất - kinh doanh sản phẩm có nhiều rủi ro hơn so với các sản phẩm khác.

Thực tế cũng cho thấy, chính hiệu quả mang lại của hầu hết các HTX NN không cao đã tác động đến tâm lý của xã viên nói riêng và nông dân nói chung, có thể ảnh hưởng đến việc xây dựng các mô hình theo hướng kinh tế tập thể sau này. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rầm rộ trên địa bàn tỉnh.

Chuyển hướng để tồn tại

Thực tế cũng cho thấy rằng, bên cạnh những khó khăn của không ít HTX, thời gian gần đây cũng xuất hiện một số điểm sáng đối với các HTX NN. Liên kết tiêu thụ với các tập đoàn, tổng công ty, hệ thống siêu thị là một trong những cách mà một vài HTX NN trên địa bàn tỉnh đã và đang làm nhằm tìm hướng tiêu thụ nông sản mang tính ổn định và bền vững. Hiệu quả của mối liên kết này đã giúp cho một vài HTX NN ổn định được hoạt động. Tất nhiên, đòi hỏi từ phía các đơn vị tiêu thụ sản phẩm đối với các HTX cung ứng cũng mang tính khắt khe về chất lượng cũng như bao bì, mẫu mã.

Kinh doanh nước sinh hoạt nông thôn trở thành một trong những lĩnh vực chính của nhiều HTX NN.
Kinh doanh nước sinh hoạt nông thôn trở thành một trong những lĩnh vực chính của nhiều HTX NN.

Đó là các mô hình được xây dựng từ HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công hay HTX Hòa Hưng… Ông Nguyễn Văn An, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Gò Công cho biết, hiện  nay HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ rau với 4 đơn vị lớn gồm: Metro, Sài Gòn Co.op, Co.op mart Mỹ Tho và một bếp ăn tập thể với sản lượng 2 tấn rau thành phẩm/ngày.

Theo đó, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ rau ổn định với bếp ăn tập thể, Co.op mart Mỹ Tho từ năm 2008, Metro từ năm 2010 và Sài Gòn Co.op vừa mới hợp đồng được 1 tháng nay. Tất nhiên, để cung ứng được sản phẩm vào các trung tâm tiêu thụ lớn này, HTX phải xây dựng quy trình sản xuất rau đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP vào tháng 12-2013 trên diện tích 6 ha và đang tiến hành chứng nhận tiếp 1 tổ sản xuất rau an toàn nữa, với diện tích khoảng 10 ha.

Ở HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công lại là một câu chuyện khác. Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm HTX cho chúng tôi biết, hơn 2 năm qua, HTX ký hợp đồng tiêu thụ ổn định gà ta Gò Công với số lượng 1.000 con/ngày.

Mới đây, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ với 7 nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh với số lượng khoảng 100 con/tuần. HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công đã cung cấp lượng gà lớn cho thị trường, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, mỗi tháng khoảng 14.000 con gà giống; thịt gà khoảng 500 kg; 20.000 con gà lông. Hiện nay HTX đang triển khai mô hình chăn nuôi vịt khô và chăn nuôi heo an toàn sinh học với sự hỗ trợ của Công ty Cargill.

Theo đánh giá của Liên minh HTX, HTX Hòa Lộc sản xuất xoài theo tiêu chuẩn GAP cũng đạt được hiệu quả. HTX đang thực hiện dự án: “Xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm theo VietGAP” và dự án: “Phát triển toàn diện xoài cát Hòa Lộc vùng Hòa Hưng” theo GlobalGAP.

Đây là điểm thuận lợi giúp HTX khẳng định được vị trí, thương hiệu, tạo tiền đề cho bước phát triển sau này. Hiện nay HTX cũng đã ký hợp đồng với các đối tác làm ăn lâu dài như: Công ty Hachando, Công ty TNHH Vĩnh Lộc, Công ty TNHH Hữu Thịnh và các đại lý của HTX tại Hà Nội.

Việc đa dạng các ngành nghề kinh doanh, nhất là tập trung vào mảng dịch vụ cũng được một số HTX NN chuyển hướng, góp phần mang lại nguồn thu ổn định. Điển hình như HTX Bình Tây, HTX Bình Nhì…

Ông Trần Văn Chí, Chủ tịch HĐQT HTX Bình Nhì (huyện Gò Công Tây) cho rằng, HTX đang hướng đến đa dạng ngành nghề kinh doanh, tập trung vào dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, tới đây là dịch vụ sấy lúa và nhân rộng mô hình sản xuất lúa giống nhằm tìm kiếm nguồn thu để HTX hoạt động ổn định.

THẾ ANH - NGÔ VĂN
(Còn tiếp)

.
.
.