Đổi mới, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
Bài 1: Nhận diện khó khăn của loại hình kinh tế hợp tác xã
Bài 2: Gian nan tìm "đầu ra" cho sản phẩm của HTX nông nghiệp
Bài 3: Lối đi nào cho HTX nông nghiệp?
Trên cơ sở đánh giá lại đúng thực trạng, chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tồn tại, yếu kém của loại hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung chủ yếu vào các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT), ngày 12-11-2014 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 257 nhằm đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN
Theo đánh giá của UBND tỉnh, một trong những mặt đạt được của các HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp trong thời gian qua là bước đầu hình thành được một số hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương.
Một số mô hình liên kết đã mang lại giá trị kinh tế, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Chẳng hạn như:
Mô hình sản xuất tiêu thụ một số loại trái cây của một số HTX (Hòa Lộc, Mỹ Lương, An Hữu, Sơri Gò Công); mô hình liên kết tiêu thụ rau an toàn (HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Rau an toàn Long Thuận, HTX Rau an toàn Thạnh Trị);
Mô hình tiêu thụ gà giống, heo và gà thịt của HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công với các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh; mô hình liên kết tiêu thụ lúa của 5 HTX (Mỹ Trinh, Mỹ Quới, Bình Tây, Bình Nhì và Nếp bè Tân Bình Thạnh) với các DN trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, các hình thức liên kết sản xuất trong nông nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn nhất định như: Các mô hình liên kết phát triển chậm, sản lượng tiêu thụ qua hợp đồng còn rất thấp, nguồn lực DN có hạn, thiếu vốn và cả chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ.
Sản xuất nông nghiệp trong nhà lưới là mô hình đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. |
Chính những tồn tại, hạn chế như thế đã dẫn đến một thực tế là phần lớn THT, HTX hoạt động chưa hiệu quả, thiếu bền vững, hoạt động cầm chừng; thành viên tham gia chưa thật sự tự nguyện, không góp vốn; quản lý tài chính, phương án sản xuất - kinh doanh chưa công khai minh bạch hoặc đã ngưng hoạt động chưa được các địa phương củng cố, nâng chất và kiên quyết giải thể.
Năng lực hoạt động không đồng đều, quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất còn hạn chế… Hệ lụy của thực tế này, theo đánh giá của UBND tỉnh, đến cuối năm 2014 toàn tỉnh chỉ có 12 HTX ở dạng khá, giỏi; 13 HTX trung bình; 11 HTX yếu kém; 5 HTX ngưng hoạt động. Trong khi đó, toàn tỉnh hiện có 507 THT nông nghiệp, với tổng vốn hoạt động chỉ là 239 tỷ đồng.
Từ thực tiễn như thế, Kế hoạch của UBND tỉnh cũng đã đưa ra những mục tiêu cho từng giai đoạn cụ thể. Chẳng hạn, giai đoạn 2015 - 2016 phải có 100% HTX, THT ở 30 xã xây dựng nông thôn mới được thành lập và hoạt động đúng quy định của pháp luật, bảo đảm xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất; 100% HTX hoạt động hiệu quả được rà soát hướng dẫn và tổ chức đăng ký chuyển sang hoạt động theo Luật HTX năm 2012.
Còn trong giai đoạn 2017 - 2020, 100% HTX, THT hoạt động hiệu quả, bảo đảm 50% số xã trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất; 70% HTX nông nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh khá, tốt; xây dựng 4 mô hình kinh tế hợp tác trong thực hiện liên kết sản xuất với chế biến tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng…
Để đạt được mục tiêu của kế hoạch, UBND tỉnh cũng đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện, tập trung nhất vào các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX, THT như:
Triển khai việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo quy định do Trung ương ban hành; chính sách về tài chính, tín dụng; hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới; xúc tiến thương mại;
Đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ phát triển sản xuất. UBND tỉnh cũng giao trách nhiệm cho các sở, ngành có liên quan trong việc thực hiện các nội dung trong Kế hoạch đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
HÌNH THÀNH CÁC CÁNH ĐỒNG LỚN
Ngày 22-12-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định 42 về chính sách phát triển cánh đồng lớn (CĐL), gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là bước tiếp theo nhằm thay đổi diện mạo của ngành Nông nghiệp và góp phần củng cố, phát triển loại hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
Quyết định 42 của UBND tỉnh đã quy định chi tiết về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với DN, tổ chức đại diện của nông dân và người nông dân cũng như các điều kiện cần thiết để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho từng đối tượng cụ thể. Quyết định của UBND cũng đã xác định quy mô được gọi là CĐL. Theo đó, đối với cây lúa tối thiểu là 50 ha, cây ăn trái tối thiểu là 30 ha và rau màu tối thiểu là 15 ha.
Theo Quyết định của UBND tỉnh, DN tham gia CĐL sẽ được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án xây dựng nhà máy chế biến, kho chứa, nhà ở cho công nhân, nhà công vụ phục vụ cho phương án CĐL;
Ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ nông sản của Chính phủ; hỗ trợ không quá 60% kinh phí thực hiện hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí tổ chức đào tạo và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng.
Đối với tổ chức đại diện của nông dân tham gia thực hiện CĐL sẽ được miễn tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất khi được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê để thực hiện xây dựng cơ sở sấy, chế biến, kho chứa phục vụ cho phương án CĐL; ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ nông sản của Chính phủ;
Hỗ trợ tối đa 30% trong năm đầu và 20% năm thứ 2 chi phí thực tế về thuốc bảo vệ thực vật, công lao động, thuê máy để thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật chung cho các thành viên; hỗ trợ một lần tối đa 50% kinh phí tổ chức tập huấn cho cán bộ HTX, liên hiệp HTX về quản lý, hợp đồng kinh tế, kỹ thuật sản xuất; hỗ trợ tối đa 100% kinh phí tổ chức tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân sản xuất nông sản theo hợp đồng.
Riêng đối với nông dân sẽ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất và thông tin thị trường miễn phí liên quan đến loại sản phẩm tham gia CĐL; hỗ trợ một lần tối đa 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng từ giống F1 (rau màu) và giống xác nhận (lúa, cây ăn quả) trở lên để gieo trồng vụ đầu tiên trong phương án CĐL; hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại DN, thời hạn tối đa là 3 tháng trong trường hợp Chính phủ thực hiện chủ trương tạm trữ nông sản.
THẾ ANH