Nhiều mô hình trong lĩnh vực thủy sản đạt hiệu quả cao
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm 2014, tỉnh tổ chức 190 cuộc tập huấn, hội thảo kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng và khai thác thủy sản với 5.700 lượt nông dân tham dự. Xây dựng 11 mô hình trình diễn nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học (nuôi lươn, cá thát lát còm, tai tượng, cá lóc, ếch, tôm sú, tôm thẻ, cá chép nhật…) với 17 hộ tham gia; 2 dự án nuôi trồng, khai thác thủy sản với 12 hộ tham gia.
Đến nay, các mô hình này đã thu hoạch và được đánh giá đạt mục tiêu đặt ra. Nội dung các mô hình phù hợp với nhu cầu sản xuất của nông dân và thị trường, có hiệu quả cao và mang tính bền vững do tập trung nuôi theo hướng an toàn sinh học, tăng cường ứng dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất, kháng sinh vào quy trình nuôi, chọn lọc giống tốt qua kiểm dịch.
Qua việc thực hiện các mô hình cũng đã giúp nông dân bước đầu biết ghi chép nhật ký nuôi, thả giống theo lịch thời vụ, quản lý môi trường nuôi theo cộng đồng để hạn chế và tránh lây lan dịch bệnh nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả theo hướng bền vững. Những mô hình trình diễn đạt hiệu quả cao (nuôi ghép, an toàn sinh học) cũng là cơ hội giúp cho nông dân tham quan, học tập để nhân rộng.
Cán bộ khuyến nông giúp nông dân kiểm tra trọng lượng tôm nuôi ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. |
Điển hình như mô hình nuôi tôm sú - tôm thẻ chân trắng kết hợp, với năng suất 5 tấn/ha sau thời gian 4,5 tháng nuôi, lợi nhuận bình quân 400 triệu đồng/ha. Trong mô hình này, tôm được thả nuôi với mật độ 30 con/m2 (tỷ lệ ghép 80% tôm sú và 20% tôm thẻ chân trắng), lượng thức ăn cho tôm được tính dựa theo ước lượng tỷ lệ sống của tôm sú, còn tôm thẻ chân trắng chỉ ăn lại thức ăn dư thừa.
Kết quả thực hiện mô hình cho thấy màu nước luôn ổn định, tôm ít bị bệnh và tôm thu hoạch có kích cỡ đồng đều hơn ở cả 2 loại tôm, đây là mô hình có khả năng phát triển bền vững trong tương lai.
Dự án nhân rộng mô hình kết hợp nuôi cá - lúa quy mô 2 ha với sự tham gia của 10 hộ tại xã Phú Cường, huyện Cai Lậy và xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cũng cho hiệu quả cao. Trong mô hình này, nông dân thả nuôi 100 ngàn con cá giống, trong đó cá rô đồng là chính với mật độ 5 con/m2.
Qua 7 tháng nuôi cá phát triển tốt, đạt yêu cầu của mô hình, cỡ cá trung bình đối với cá rô đồng, cá chép và cá mè vinh là 8 con/kg, cỡ trung bình cá sặt rằn là 13 con/kg; ước sản lượng cá sau 9 tháng nuôi 3,9 tấn/ha, lợi nhuận 40 triệu đồng/ha. Về lúa, năng suất bình quân vụ 3 là 6,2 tấn/ha, cao hơn năng suất lúa các hộ ngoài mô hình 0,4 tấn/ha.
Ngoài ra, mỗi ha trong 1 vụ sản xuất còn giảm được 30 - 40 kg ure và 2 lần phun thuốc trừ sâu, nên lợi nhuận tăng thêm khoảng 3 triệu đồng/ha. Mô hình còn tạo ra sản phẩm cá - lúa an toàn, sản xuất thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Về khai thác thủy sản, mô hình ứng dụng máy dò ngang Furuno CH-250 và máy thông tin liên lạc trên tàu khai thác hải sản xa bờ cũng cho kết quả hết sức khả quan.
Trong mô hình này, 1 tàu cá được lắp đặt máy dò ngang Furuno CH-250 và 1 tàu cá của ngư dân khác được lắp đặt máy thông tin liên lạc. 2 tàu này đã khai thác chuyến biển đầu tiên và thuyền trưởng sử dụng máy theo đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ hướng dẫn. Kết quả, sản lượng đánh bắt cao hơn so với tàu chưa được lắp máy dò ngang từ 150 - 160%.
Cụ thể, tàu TG-90299-TS lắp máy dò ngang Furuno CH-250, sản lượng đạt 3.200kg/mẻ (cao hơn so với tàu chưa lắp máy 160%), tiết kiệm được chi phí chạy tàu đi dò tìm đàn cá và chi phí nhiên liệu thắp sáng dẫn dụ cá (không cần phải thắp sáng suốt đêm, chỉ cần thấy đàn cá tập trung nhiều là đánh lưới).
Tàu TG-92582-TS lắp máy thông tin liên lạc tầm xa có chức năng kết hợp định vị vệ tinh đạt sản lượng 2.700 kg/mẻ (cao hơn so với tàu chưa lắp máy 150%) và tiết kiệm được chi phi nhiên liệu do liên lạc được giữa các tàu với nhau để chủ động ngư trường khai thác (chạy thẳng đến ngư trường đang có cá qua thông tin giữa các tàu trong nhóm)…
THÀNH CÔNG