Sạt lở bờ sông Tiền: Giải pháp nào để khắc phục?
Thời gian qua, trên dọc bờ sông Tiền xảy ra sạt lở ở nhiều nơi. Đặc biệt, những năm gần đây, tình hình sạt lở diễn biến nghiêm trọng và phức tạp hơn, trong đó có nơi sạt sâu vào phía trong đất liền, các cù lao ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
“MONG MANH” BỜ SÔNG
Tại Tân Thanh (huyện Cái Bè), sạt lở dọc bờ sông Tiền trên địa bàn xã đã diễn ra trong nhiều năm. Nhiều nơi điểm sạt ăn sâu vào bên trong vườn cây ăn trái hàng chục mét; sạt lở làm hẩm, gây hàm ếch bờ sông. Anh Nguyễn Văn Nhân, ấp 2, xã Tân Thanh cho biết, cách đây 5 - 6 năm, bờ sông còn nằm cách bờ hiện tại hàng chục mét.
Qua từng năm, sạt lở cứ lấn dần vào trong đất liền, sạt sâu vào vườn cây ăn trái. Chỉ mấy năm qua thôi, vườn xoài ven sông của anh đã bị sạt mất khoảng 20 m. Theo anh Nhân, tình hình sạt lở không chỉ xảy ra ở ấp 2 của Tân Thanh mà kéo dài đến tận cầu Mỹ Thuận. Năm rồi, sạt lở xảy ra nhiều, còn năm nay có phần ít hơn.
Với tình hình sạt lở này, anh cũng như những hộ dân sống ven sông không biết làm gì hơn ngoài việc chấp nhận. “Nếu không có giải pháp che chắn hay bao đê trong thời gian tới, sạt lở sẽ còn tiếp tục. Tình hình này chắc sẽ không lâu nữa liếp xoài ven sông của tôi không còn” - anh Nhân lo lắng.
Sạt lở ở đầu cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) gây thiệt hại cho vườn cây ăn trái. Để hạn chế mất đất, người dân đã trải ny lông lên bờ cù lao nhưng vẫn xảy ra sạt lở. |
Tại huyện Cai Lậy, cù lao Tân Phong (xã Tân Phong) là tâm điểm sạt lở trên địa bàn huyện trong những năm qua, gây lo lắng, bức xúc trong dân và quan tâm của địa phương, cơ quan chức năng. Theo khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, bờ sông thuộc cù lao Tân Phong xảy ra 6 khu vực sạt lở. Trong đó, khu vực đầu cù lao sạt lở dài khoảng 1.500 m.
Theo những người dân nơi đây, trung bình hàng năm, tốc độ sạt lở ở khu vực này khoảng từ 8 - 10 m, đã gây ảnh hưởng đến nhà dân và nhiều loại cây ăn trái có giá trị cao. Còn bờ phía Nam cù lao có 2 khu vực sạt lở với tổng chiều dài khoảng 500 m; bờ phía Bắc xảy ra sạt lở ở 3 khu vực với chiều dài khoảng 900 m, tốc độ sạt lở hàng năm từ 2 - 3 m.
Ông Phan Minh Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết, những năm qua việc sạt lở ở khu vực cù lao Tân Phong diễn ra rất mạnh, nhất là khu vực đầu cù lao. Do sạt lở, con đê của cù lao đã phải dời vào trong cách vị trí cũ từ 20 - 30 m, gây thiệt hại vườn cây ăn trái, một số nhà dân phải di dời vào trong để an toàn nhưng chưa có giải pháp để khắc phục.
Còn tại TP. Mỹ Tho, theo các cơ quan chức năng, sạt lở diễn ra rất mạnh ở đầu và cuối cù lao Thới Sơn. Trong đó, tại đầu cù lao Thới Sơn, sạt lở ăn sâu vào trong cù lao, làm cho bờ cù lao bị hẩm, hàm ếch. Một số giải pháp như đóng cừ, rào chắn bãi cù lao của người dân để hạn chế tốc độ lở nhưng không mấy hiệu quả.
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ KHẮC PHỤC?
Những năm gần đây, xu hướng sạt lở bờ sông Tiền diễn biến mạnh hơn và phức tạp hơn, có nơi ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Có dư luận cho rằng, nguyên nhân gây ra sạt lở dọc bờ sông Tiền thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang là do khai thác cát. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, sạt lở xảy ra là do những nguyên nhân khác.
Đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát đến diễn biến lòng dẫn ở khu vực đầu cù lao Tân Phong, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, nếu việc khai thác cát thực hiện tốt, đúng quy hoạch đã được phê duyệt sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến của lòng dẫn. |
Trước tình hình sạt lở xảy ra nghiêm trọng ở khu vực đầu cù lao Tân Phong, tỉnh đã cho tiến hành Dự án “Đánh giá thực trạng sạt lở bờ sông Tiền đoạn thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang, khu vực đầu cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy) và đề xuất giải pháp phòng chống, khắc phục” do Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện.
Kết quả nghiên cứu đã xác định, nguyên nhân sâu xa và cơ bản nhất gây ra sạt lở khu vực trên là do quá trình dòng chảy tác động đến lòng dẫn (nơi cấu tạo địa chất yếu, có lưu tốc khởi động của bùn cát nhỏ hơn nhiều so với lưu tốc của dòng chảy).
Nguyên nhân thứ 2 là do tàu thuyền lưu thông qua khu vực này tác động đến dòng chảy. Theo đơn vị nghiên cứu, nhân tố tàu thuyền lưu thông không ảnh hưởng đến xói lòng dẫn gây sạt lở lớn nhưng là nhân tố đáng kể gây xói bề mặt mái bờ sông. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đưa ra dự báo, những hoạt động kinh tế - xã hội trong tương lai có thể tác động đến sạt lở khu vực này.
Cụ thể, tuy lượng tàu, thuyền neo đậu, hàng hóa chất lên mép bờ; tàu, thuyền lưu thông, vận chuyển qua khu vực này hiện tại chưa nhiều nhưng trong tương lai sẽ tăng khi nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái, kinh tế - xã hội phát triển dẫn đến mái bờ chịu gia tải, làm tăng áp lực trượt và sạt lở có thể xảy ra.
Song, còn nguyên nhân gây ra sạt lở ở các nơi khác vẫn chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách chính xác trên cơ sở khoa học. Và chỉ có xác định chính xác nguyên nhân gây ra sạt lở thì chúng ta mới có thể đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả.
Đầu tháng 12-2014, UBND tỉnh đã tổ chức đoàn đi khảo sát sạt lở dọc sông Tiền, trong đó đoàn đến thực địa tại khu vực sạt lở đầu cù lao Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho); đầu cù lao Tân Phong (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy) và khu vực sạt lở dọc sông Tiền thuộc địa bàn xã Tân Thanh (huyện Cái Bè).
Tại đây, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cuộc khảo sát thực địa lần này làm cơ sở đánh giá chính xác nguyên nhân gây ra sạt lở; đồng thời UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, khảo sát tình hình sạt lở, xác định mức độ sạt lở ở các khu vực để từ đó tìm ra các giải pháp xử lý kịp thời, phù hợp.
N.VĂN