Tín dụng chính sách giúp người nghèo vượt qua khó khăn
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Tiền Giang, hầu hết các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) - Chi nhánh Tiền Giang triển khai thực hiện trong năm 2014 đều đạt kế hoạch đề ra; giải quyết kịp thời nhu cầu vốn của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống, giúp các hộ thoát nghèo.
ĐÁP ỨNG KỊP THỜI NHU CẦU VAY VỐN
Căn nhà tềnh toàng của ông L.V.T ở xã Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) không có tài sản gì đáng giá, có chăng là hàng chục tấm giấy khen được treo trên vách nhà của các con ông. Ông T. có 3 người con học đại học, trong đó 2 em vừa tốt nghiệp ra trường và 1 em đang học đại học năm thứ 2.
Gia đình ông T. thuộc diện hộ nghèo, chỉ trông cậy vào mảnh đất rẫy hơn 1.000 m2 và tiền công từ làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Hoàn cảnh gia đình như thế nhưng ông vẫn cố gắng để các con không bỏ học giữa chừng.
“Nhờ chương trình cho vay hộ nghèo; học sinh, sinh viên (HSSV) của Ngân hàng CSXH tôi mới cố gắng cho 3 đứa nhỏ đi học đại học. Giờ 2 đứa đã ra trường, đang tìm việc để cố gắng trả nợ vay ngân hàng. Cũng vì tương lai tụi nhỏ, tôi đã vay ngân hàng 80 triệu đồng” - ông T. cho biết.
Nguồn vốn chính sách đã giúp đỡ người nghèo vượt qua khó khăn. |
Đó cũng chỉ là một trong hàng ngàn hộ gia đình được hưởng lợi từ các chương trình tín dụng chỉ định của Chính phủ. Và có lẽ trong nhiều chương trình mà Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Tiền Giang đang triển khai thực hiện, cho vay cho đối tượng là HSSV mang lại tính nhân văn và hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững nhất. Nhờ các gói tín dụng này đã giúp giảm bớt gánh nặng cho hộ nghèo, nhất là các hộ gia đình ở nông thôn.
Dù số tiền cho vay đối tượng HSSV không lớn (11 triệu đồng/sinh viên/năm) nhưng cũng giúp đỡ phần nào trong việc trang trải chi phí học tập. Theo chương trình cho vay này, mỗi năm HSSV được nhận tiền vay 2 lần. Trong thời gian đi học, HSSV không phải trả nợ gốc cũng như trả lãi.
Sau khi ra trường, HSSV được ân hạn 1 năm rồi mới bắt đầu trả nợ vay. Thời gian nhận nợ vay bao nhiêu thì thời gian trả nợ cũng bấy nhiêu. Một sinh viên nếu suôn sẻ thì trong vòng 9 năm trả hết nợ, bao gồm 4 năm vay đi học, 1 năm được ân hạn để tìm việc làm và 4 năm trả nợ gốc cùng với lãi vay.
Cho HSSV vay chỉ là 1 trong 10 chương trình tín dụng mà Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Tiền Giang được giao thực hiện gồm: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay HSSV; cho vay cụm, tuyến dân cư vùng lũ; cho vay đối tượng chính sách đi lao động nước ngoài; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường; cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; cho vay hộ nghèo về nhà ở và cho vay thương nhân vùng khó khăn.
Đến cuối năm 2014, tổng dư nợ cho vay mà Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Tiền Giang đạt được là 1.613 tỷ đồng, với 124.164 khách hàng vay vốn, bình quân một khách hàng dư nợ 13 triệu đồng. “Nhìn chung, số vốn mà ngân hàng đầu tư được người dân sử dụng đúng mục đích, phát huy được hiệu quả, góp phần trong công tác giảm nghèo hàng năm của địa phương.
Nếu tính tổng số dư nợ cho vay, Tiền Gang đứng hàng thứ 5 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sau tỉnh Sóc Trăng, Long An, An Giang và Kiên Giang” - ông Lê Văn Trước, Giám đốc Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Tiền Giang đánh giá.
VỐN VAY ĐƯỢC SỬ DỤNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH
Tuy nhiên, công bằng mà nói, mức cho vay bình quân của từng chương trình còn thấp nhưng mỗi hộ vay thì cao do có thể được vay ở nhiều chương trình khác nhau. Thực tế, có những chương trình ngân hàng chỉ được cho vay ở mức tối đa là 4 triệu đồng như cho vay nước sạch vệ sinh môi trường; còn cho vay theo chương trình hộ nghèo với mức tối đa là 50 triệu đồng.
Tùy theo nhu cầu vay vốn mà Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Tiền Giang duyệt thời gian cho vay ngắn hạn hay trung hạn, dài hạn. Trên thực tế, cơ cấu nợ của Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Tiền Giang, nhóm trung hạn và dài hạn chiếm tỷ lệ đến 87% trên tổng dư nợ. Tùy theo chương trình cho vay sẽ có đối tượng khách hàng khác nhau.
Thực tế cũng cho thấy rằng, hiện có hộ gia đình dư nợ vay hơn 100 triệu đồng do tiếp cận được nhiều chương trình vay vốn; chẳng hạn hộ vay vốn đồng thời là gia đình hộ nghèo, có con em đi học đại học, thuộc diện vay xây nhà theo Quyết định 167…
Thực tế triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH cũng có một số điểm bất cập là có chương trình rất ít nguồn vốn nhưng nhu cầu vay rất lớn, nhưng cũng có chương trình nguồn vốn cho vay dồi dào nhưng ít đối tượng vay.
Chẳng hạn như đối với đối tượng là HSSV, sau mấy năm được ngân hàng cho vay ồ ạt đến nay gần như đã bão hòa nên gần đây triển khai thu nợ nhiều hơn cho vay; còn chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường người dân có nhu cầu vay vốn rất nhiều, nhưng nguồn vốn phân bổ lại không đáp ưng đủ.
“Điều đặc biệt của Ngân hàng CSXH là nguồn vốn cho vay ở chương trình nào chỉ được giải ngân ở chương trình đó mà không được điều tiết sang chương trình khác, bởi phải quyết toán theo từng chương trình cụ thể” - ông Lê Văn Trước cho biết.
Khi đề cập đến những khó khăn của hệ thống ngân hàng thương mại nói chung, nhất là tình hình nợ quá hạn trong thời gian gần đây, ông Lê Văn Trước cho biết, năm 2014 tỷ lệ nợ quá hạn của Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Tiền Giang chỉ chiếm 0,65% (nếu cộng cả nợ khoanh lại không tính lãi thì chỉ chiếm 0,9% trên tổng dư nợ).
Nguyên nhân dẫn đến một phần nợ quá hạn là do người dân làm ăn thất bát không có khả năng trả nợ; một số HSSV ra trường chưa có việc làm; một số hộ dân làm ăn khó khăn nên dừng lại đi nơi khác tìm việc làm. “Việc người dân sử dụng sai mục đích nguồn vốn vay cũng có nhưng chiếm tỷ lệ không đáng kể, vì các đoàn thể tham gia giám sát chặt chẽ.
Trong năm 2015, Ngân hàng CSXH - Chi nhánh Tiền Giang tiếp tục thực hiện cho vay theo 10 chương trình như đã triển khai trong những năm trước; dự kiến dư nợ cho vay sẽ tăng thêm 105 tỷ đồng, với tỷ lệ tăng là 6,2%” - ông Lê Văn Trước cho biết.
PHƯƠNG ANH