Thứ Hai, 02/02/2015, 13:48 (GMT+7)
.

2 điển hình ứng dụng mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch"

Từ cuộc Hội thảo về Mô hình “Sản xuất thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch” gắn với phụ nữ làm kinh tế, sản xuất, kinh doanh giỏi do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh vừa tổ chức, chúng tôi tìm đến các địa chỉ tiêu biểu.

Nem Hồng Hạnh khẳng định “Thương hiệu sạch”

Cơ sở nem Hồng Hạnh đã hình thành và phát triển từ những năm 1980 tại khu phố 7, phường 9, TP. Mỹ Tho và đã tự làm mới với mong muốn giữ vững thương hiệu “gia truyền”. Và nỗ lực đó được đền đáp. Hiện nay Hồng Hạnh đang mở rộng thị trường, trong đó có hệ thống Co.opmart với 7 đơn vị Co.opmart đã là khách hàng lớn của cơ sở, cùng các đại lý bán lẻ trong và ngoài tỉnh.

Hệ thống xử lý nước thải của cơ sở sản xuất nem thịt Hồng Hạnh.
Hệ thống xử lý nước thải của cơ sở sản xuất nem thịt Hồng Hạnh.

Khi cơ sở mới được thành lập, hầu như tất cả các khâu sản xuất ở đây đều ở dạng thủ công. Những năm gần đây, cơ sở nem Hồng Hạnh đã chuyển mình mạnh mẽ với nhận thức là muốn hội nhập thị trường kinh tế sâu rộng và bền vững. Muốn như thế thì sản xuất phải gắn liền với yêu cầu bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Giờ đây, cơ sở Hồng Hạnh hoàn toàn xây dựng mới phù hợp với quy trình sản xuất một chiều.

Chị Trần Thị Hồng Hạnh, chủ cơ sở nem Hồng Hạnh cho biết: “Công nhân của cơ sở được trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ, bảo đảm an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm và cải thiện đời sống công nhân một cách chu đáo bằng việc bố trí nhà trọ cho công nhân. Người lao động được kiểm tra sức khỏe định kỳ, có hồ sơ sức khỏe riêng biệt. Song song đó, cơ sở nem Hồng Hạnh đã trang bị hệ thống xử lý nước thải với số tiền đầu tư lên đến 70 triệu đồng”.

Áp dụng thành công đệm lót an ninh sinh học trong chăn nuôi heo

Những chia sẻ kinh nghiệm của chị Nguyễn Thị Phượng ở ấp Phong Thuận, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho trong việc sản xuất cá khô kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao đã gây được sự chú ý của nhiều đại biểu tham dự hội thảo.

Chị Phượng cho biết, trong quá trình sản xuất cá khô đã tạo ra nhiều phế phẩm, phục vụ rất tốt trong việc chăn nuôi heo. Chị Phượng đã tận dụng nguồn phế phẩm này để nghiền nát trộn với cám bột, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp cho heo. 

Áp dụng thành công đệm lót sinh học trong chăn nuôi.
Áp dụng thành công đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

Bên cạnh sử dụng hầm biogas từ nhiều năm qua, hiện tại 90% chuồng trại chăn nuôi của chị Phượng có đệm lót sinh học. Con heo từ khi sinh ra đến khi xuất chuồng không cần tắm hoặc dội chuồng. Trại nuôi heo của chị Phượng hiện có 12 con heo nái và hơn 50 con heo thịt nhưng không có mùi hôi.

Chị Phượng chia sẻ: “Hiệu quả của mô hình đang thực hiện là không tốn nhiều nước tắm, dội rửa chuồng, giảm công lao động, nước thải ra môi trường không mùi hôi, từ đó hạn chế ô nhiễm môi trường; không tốn điện và heo ít bệnh, mau lớn”.

P. MAI

.
.
.