Nhận diện "bức tranh" nông nghiệp năm 2015
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2014 tiếp tục được giữ vững và phát triển; kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi đà tăng trưởng là cơ sở, tiền đề thuận lợi để nông nghiệp tỉnh nhà phát triển trong năm 2015. Song, các nhà chuyên môn cũng dự báo, năm nay sản xuất nông nghiệp sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức cần có những giải pháp tập trung với quyết tâm cao mới có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.
Ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng chất lượng, bền vững. |
KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC
Khó khăn và thách thức đầu tiên là hạn, mặn năm nay được dự báo sẽ gay gắt, phức tạp hơn năm 2014. Cụ thể, theo Sở NN&PTNT, mực nước đầu nguồn sông Tiền năm 2015 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,6 m - 0,8 m dẫn đến tổng lượng nước chảy về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm. Từ đó, tình hình khô hạn năm nay sẽ rất gay gắt, mặn xâm nhập sớm và lấn sâu vào nội đồng ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.
Qua ghi nhận và quan trắc diễn biến mặn thời gian qua, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết, xâm nhập mặn năm nay sớm hơn, độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2014, làm cho cống Vàm Giồng đóng sớm hơn mùa khô năm rồi khoảng 40 ngày.
Nếu cống Xuân Hòa đóng vào cuối tháng 2 đúng như dự kiến, khi đó toàn vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công sẽ có khoảng 21 ngàn ha trong tổng số 29 ngàn ha sản xuất lúa còn sử dụng nước, sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng diễn ra gay gắt ở 2 huyện ven biển, nhất là ở huyện cù lao Tân Phú Đông.
Năm 2015 là năm Việt Nam thực hiện các cam kết trong WTO và các AFTA khu vực, hầu như thị trường nông sản trong khu vực ASEAN mở cửa hoàn toàn. Điều này sẽ gây khó khăn cho nông sản Việt Nam nói chung và Tiền Giang nói riêng khi phải cạnh tranh ngay trên sân nhà trong tình hình khả năng cạnh tranh nông sản của tỉnh còn yếu kém; việc liên kết sản xuất và tiêu thụ, liên kết vùng còn rất lỏng lẻo.
Hiện nay, giá xăng dầu đang giảm mạnh, gây áp lực giảm mạnh giá nông sản. Trong khi đó, giá các mặt hàng đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vật tư nông nghiệp vẫn đứng ở mức cao gây khó khăn cho sản xuất của nông dân. Ngoài ra, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi trong năm 2015 dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết.
GIẢI PHÁP TẠO BƯỚC CHUYỂN TRONG NGÀNH
Công việc trọng tâm trước hết là chủ động ứng phó với hạn, mặn. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động, chuẩn bị sẵn sàng cho việc bơm chuyền cứu lúa đối với vùng Ngọt hóa Gò Công.
Còn đối với nước sinh hoạt, ngành và các địa phương có kế hoạch mở các vòi nước công cộng ở huyện Tân Phú Đông, huyện Gò Công Đông để cấp cho dân ở vùng ven biển, ven sông, vùng sâu, vùng xa; chủ động bơm bổ cấp nước vào ao trữ khi độ mặn nước trên sông cho phép.
Ngoài ra, tại Tân Phú Đông, ngành NN&PTNT và các đơn vị chức năng đang xúc tiến xây dựng đường ống chuyển tải nước mới thay đường ống cũ với lưu lượng lớn hơn (khoảng 200 m3/giờ) từ ao trữ nước 6 ha về xã Phú Thạnh để tăng khả năng cấp nước cho dân các xã phía Đông của huyện; đồng thời còn tính đến phương án chuyển nước từ đất liền về cấp cho dân ở những vùng khó khăn về nước sinh hoạt trên địa bàn huyện cù lao.
Tái cơ cấu nông nghiệp vẫn tiếp tục là hướng chủ yếu mà ngành thực hiện trong năm nay, trong đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao hiệu quả sản xuất là một trong những ưu tiên hàng đầu. Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trên cây lúa, ngành phân vùng sản xuất theo 2 dòng sản phẩm để không phụ thuộc vào một thị trường, tránh rủi ro; giảm dần diện tích lúa 3 vụ ở các vùng thiếu nước, ảnh hưởng lũ; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, củng cố phát triển mô hình kinh tế tập thể.
Cụ thể, năm nay, ngành sẽ triển khai đề án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu lúa tại các xã ven biển của huyện Gò Công Đông; đánh giá, tuyển chọn giống lúa cao sản chịu hạn tốt cho huyện Tân Phú Đông; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, rau màu, cây ăn trái; thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm chủ lực mà trọng tâm và trước mắt là hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất lúa (hình thành cánh đồng lớn khoảng 3.850 ha lúa gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ), thanh long, bò sữa và tôm.
Trong chăn nuôi, từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, tập trung; hình thành vùng chăn nuôi tập trung tại xã Thạnh Hòa (Tân Phước); tiếp tục ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trong thủy sản, tập trung sản xuất thâm canh con tôm sú, cá tra, nghêu; phát triển nuôi thủy sản theo hướng luân canh, xen canh thủy sản - lúa phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng; nhân rộng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP kết nối với tiêu thụ.
Bên cạnh các giải pháp của ngành, để tạo sức bật cho nông nghiệp tỉnh nhà, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang nhấn mạnh, mục đích của tái cơ cấu ngành là tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, bảo đảm phát triển bền vững. Vì thế, việc tái cơ cấu phải đi vào chất lượng, an toàn, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực nào đóng góp GDP nhiều, có hiệu quả cao.
Phát triển kinh tế tập thể là yêu cầu tất yếu để hướng đến nền sản xuất lớn, thực hiện liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đã có kế hoạch phối hợp với cơ quan chức năng chọn hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm mô hình mẫu áp dụng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển để các hợp tác xã khác học tập, làm theo.
Bên cạnh đó, tỉnh đang xúc tiến lập khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2015, ngành sẽ xây dựng một số mô hình sản xuất công nghệ cao làm điểm để nhân rộng.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của ngành và của tỉnh. Năm 2015 là mốc hoàn thành kế hoạch ít nhất 10 xã đạt chuẩn NTM. Ngành đang tập trung hỗ trợ, đầu tư, nâng chất các xã điểm còn lại và những xã khác có nhiều khả năng đạt 19 tiêu chí NTM để hoàn thành mục tiêu của tỉnh về số xã đạt chuẩn NTM đến năm 2015.
N.VĂN
Trong phát biểu về nhiệm vụ năm 2015 của ngành NN&PTNT, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang chỉ đạo, ngành tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm ngành gắn với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh để có phương án phát triển phù hợp trong giai đoạn mới; tăng cường liên kết vùng, liên kết sản xuất và tiêu thụ; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, nước biển dâng, ứng phó với những cơn bão mạnh; tăng cường phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, nhất là thời điểm trước, trong và sau Tết. Ngành cần quan tâm đến những tác động và ảnh hưởng của diễn biến từ giá dầu giảm mạnh đến đầu vào, đầu ra nông sản, thu nhập của nông dân. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với quốc tế, ngành cần nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng cường sức cạnh tranh cho nông sản của tỉnh nhà. |