Thứ Sáu, 13/02/2015, 08:34 (GMT+7)
.

Sôi động chợ Tết

Bánh mứt, trái cây, hoa kiểng là những điểm nhấn của thị trường Tết Nguyên đán. Thị trường tiêu thụ các loại hàng hóa này cũng đang ấm dần lên do đang vào giai đoạn cao điểm mua sắm tết. Tuy nhiên, cũng rất khó xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến vì lượng hàng hóa phục vụ tết tương đối dồi dào.

Đông đảo người dân đi mua sắm tết.
Đông đảo người dân đi mua sắm tết.

CAO ĐIỂM MUA SẮM

Mùa mua sắm dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015 đã bước vào cao điểm nên sức mua tăng lên đáng kể. Do hàng hóa dồi dào nên hiện tại, nhiều mặt hàng tiêu dùng dịp Tết vẫn giữ giá ổn định. Ông Nguyễn Văn Võ, Phó Giám đốc Co.op Mart Mỹ Tho cho biết, sức mua tại siêu thị đã tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày thường, tập trung vào những mặt hàng bánh mứt Tết, thực phẩm tươi sống, bia, nước giải khát...

Nhìn chung, thị trường tiêu dùng có phần “ấm” hơn năm trước. Dự kiến, tết này sức mua sẽ tăng từ 10 - 15%. Nhận định về giá bán, ông Nguyễn Văn Võ cho rằng, hầu hết các mặt hàng đều được giữ giá ổn định. Bên cạnh đó, siêu thị cũng đang thực hiện khuyến mãi sâu và sớm hơn mọi năm nhằm hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm Tết.

“Nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của khách hàng, từ ngày 8-2 (nhằm 20 tháng Chạp), Co.op Mart Mỹ Tho tăng quầy phục vụ tính tiền và nới rộng khung giờ mở cửa từ 7 - 22 giờ” - ông Nguyễn Văn Võ cho biết.

Riêng tại các cửa hàng bách hóa của HTX Thương mại - Dịch vụ phường 1 (TP. Mỹ Tho), lượng khách hàng đến mua sắm tết rất đông. Ở tất cả các cửa hàng bách hóa của HTX đều có gian hàng bán hàng bình ổn giá, đặc biệt một số cửa hàng bách hóa còn trưng bày gian hàng tết nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm tết của người dân.

Ông Huỳnh Kim Tuấn, Chủ nhiệm HTX Thương mại - Dịch vụ phường 1 cho biết, sức mua tại các cửa hàng bách hóa thuộc hệ thống HTX đã tăng từ 30 - 40% so với ngày thường. Các mặt hàng thực phẩm chế biến, bánh kẹo, bia, nước ngọt đang là mặt hàng chủ lực, chiếm phần lớn doanh số bán ra. Riêng về giá cả các mặt hàng tết chỉ tăng nhẹ, khoảng 10%.

Tại các chợ truyền thống từ thành thị đến nông thôn, hàng tết, nhất là các mặt hàng tiêu dùng phục vụ tết như: Bánh kẹo; các loại mứt, hạt dưa, đồ khô; các loại thịt gia súc, gia cầm, trái cây, hoa các loại... được bày bán rất nhiều, khách đi chợ cũng đông hơn.

Bởi thời điểm này nhiều doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu cho công nhân, lao động nghỉ tết và những ngày cận tết rơi vào những ngày nghỉ cuối tuần nên khi nhiều người dân được nghỉ làm sẽ tranh thủ đi mua sắm tết. Do đó, sức mua sẽ còn tăng cao hơn trong những ngày tới.

Do lượng hàng hóa phục vụ tết về các chợ nhiều nên giá cả cũng tương đối ổn định. Riêng một số mặt hàng trái cây, hoa chưng cúng và rau củ quả, trứng gà, vịt, bánh mứt tăng nhẹ theo tâm lý tiêu dùng ngày tết.

Đến thời điểm này, từ kênh phân phối chợ truyền thống cho đến kênh mua sắm hiện đại là siêu thị, cửa hàng tiện ích đều sẵn sàng cho mùa kinh doanh tết. Với hệ thống phân phối hàng hóa khá lớn trên địa bàn tỉnh, với khoảng 172 chợ, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị và hàng ngàn cửa hàng tiện ích sẽ bảo đảm cung cấp cho thị trường lượng hàng hóa phong phú, đa dạng.

Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh còn có 6 DN tham gia thực hiện việc dự trữ hàng hóa phục vụ tết, với lượng hàng hóa tết được dự trữ tăng từ 40 - 50% so với kế hoạch đăng ký. Các DN cũng đã mở 18 điểm bán hàng bình ổn giá. Tại các điểm bán, các doanh nghiệp đều có treo băng rôn để thông báo là điểm bán hàng bình ổn thị trường và hàng hóa được niêm yết giá cụ thể, rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm.

Theo nhận định của Sở Công thương, mặc dù sức mua trong những ngày giáp tết đã bắt đầu tăng khá mạnh và sẽ còn tăng cao trong vài ngày tới nhưng thị trường vẫn chưa có sự biến động lớn về giá cả; đồng thời cũng khó có khả năng xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá vào cao điểm mua sắm tết.

TRÁI CÂY HÚT HÀNG

Từ ngày 17 tháng Chạp, thị trường trái cây tết đã bắt đầu “nóng” lên với hoạt động thu mua, vận chuyển trái cây ra miền Bắc của các vựa. Theo các chủ vựa, thị trường trái cây tết sôi động nhất từ ngày Rằm tháng Chạp đến 26 Tết. Bởi thời điểm này, các vựa trái cây tập trung cung ứng hàng ra thị trường miền Bắc để cho kịp ra chợ tết trong những ngày cuối năm âm lịch.

Từ ngày 27 - 29 Tết, thị trường tiêu thụ trái cây chủ yếu là khu vực miền Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh. Tuy sản lượng trái cây tết năm nay giảm so với mọi năm do hầu hết các loại cây ăn trái đều thất mùa nhưng đổi lại có giá khá cao.

Anh Trương Thành Vinh, chủ vựa trái cây ở xã Vĩnh Kim cho biết, nếu như từ đầu tháng mỗi ngày vựa của anh xuất đi miền Bắc hơn 3 tấn với chủ yếu là vú sữa thì hiện nay mỗi ngày xuất đi miền Bắc từ 20 - 25 tấn trái cây các loại, chủ yếu các loại trái cây dùng chưng tết như: bưởi, vú sữa, thanh long, cam sành, dưa, sa pô, quýt, xoài…

Hầu hết các loại trái cây hiện đều có giá khá cao, thậm chí có một số loại có giá rất cao. Cụ thể, vú sữa những ngày qua có giá 37.000 đồng/kg đối với hàng đẹp, còn hàng sa cạ từ 20.000 - 21.000 đồng/kg. Bưởi da xanh thương lái đặt mua tại vườn với giá từ 62.000 - 66.000 đồng/kg cho loại 1,2 kg/trái trở lên, loại trái cỡ 1,7 kg/trái giá lên đến 70.000 đồng, còn bưởi Năm Roi khoảng 33.000 đồng/kg.

Nếu đầu tháng Chạp giá sa pô chỉ khoảng 13.000 - 16.000 đồng/kg thì nay có giá 21.000 - 27.000 đồng/kg. Dù quýt và cam sành đụng phải cam, quýt từ miền Bắc đổ vào nhưng giá vẫn duy trì từ 28.000 - 32.000 đồng/kg. Năm nay xoài thất mùa, nên những ngày qua loại trái cây này có giá rất cao. Xoài cát Hòa Lộc từ 55.000 - 75.000 đồng/kg, xoài cát chu 28.000 - 33.000 đồng/kg.

Trong khi đó, dưa hấu năm nay trúng mùa nên giá ổn định. Hiện tại, dưa đang bắt đầu đổ về các chợ được bán với giá từ 4.000 - 6.000 đồng/kg dưa hấu có hạt, từ 7.000 - 9.000 đồng/kg đối với dưa hấu không hạt Mặt Trời Đỏ.

Còn tại huyện Tân Phú Đông, giá mãng cầu Xiêm hiện nay cũng đã tăng hơn so với cách nay vài tuần từ 3.000 - 7.000 đồng/kg. Theo đó, giá mãng cầu Xiêm tăng từ 17.000 đồng lên 20.000 - 24.000 đồng/kg; trong đó mãng cầu Xiêm nở mạng dùng chưng tết đang có giá từ 23.000 - 24.000 đồng/kg.

Ngoài ra, khóm phụng, khóm son, đu đủ vàng cũng có giá tốt. Đu đủ vàng có giá từ 14.000 - 16.000 đồng/kg, khóm son chưng tết từ 14.000 - 16.000 đồng/trái, còn giá khóm phụng dao động có thể từ vài chục đến trên 100.000 đồng/trái.

CHỢ HOA CHỜ GIỜ G!

Những ngày này, các tiểu thương bán hoa, kiểng trong tỉnh Tiền Giang và Bến Tre bắt đầu “đổ” về Hội Hoa xuân TP. Mỹ Tho năm Ất Mùi 2015 tại Công viên Lạc Hồng (phường 1, TP. Mỹ Tho). Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đa số người dân còn tham quan, thưởng lãm; còn tiểu thương thì chờ đến giờ G!

Năm nào cũng vậy, 20 Tết là anh Nguyễn Văn Minh, ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho lại mang hoa ra bán tại Hội hoa xuân TP. Mỹ Tho. Năm nay, gia đình anh trồng trên 3.000 chậu cúc Hà Lan và vàng hòe. Anh cho biết, mấy ngày trước, gia đình anh bán cho thương lái trên 2.000 chậu, còn 500 chậu mang ra bán tại chợ hoa xuân để kiếm thêm thu nhập. “Bán hết cho thương lái thì khỏe. Nhưng không bán tại chợ hoa xuân thì buồn lắm!” - anh Minh tâm sự.

Giá thanh long giảm hơn 50%

Ngày 12-2, ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt, chuyên thu mua cung ứng thanh long xuất khẩu cho biết, chỉ trong vòng mấy ngày gần đây, giá thanh long ruột trắng thu mua tại vườn đã giảm hơn 50%. Hiện giá thanh long chỉ còn khoảng 10.000 đồng/kg.

Theo ông Danh, nguyên nhân chính dẫn đến giá thanh long giảm là do Trung Quốc đóng cửa khẩu, nên lượng xuất khẩu sang thị trường này giảm đi đáng kể. Trung Quốc lại là thị trường tiêu thụ trái thanh long tươi lớn nhất của Việt Nam.

“Lượng thanh long xuất khẩu ít, dẫn đến ứ đọng, buộc lòng nhà vườn phải bán thanh long ra chợ. Tuy nhiên, hiện đang là vụ thu hoạch thanh long Tết, số lượng thanh long tại vườn còn rất lớn nên rất khó dự đoán sự biến động của giá thanh long trong thời gian tới” - ông Trần Hữu Danh cho biết.

PHƯƠNG ANH

Ông Nguyễn Thành Tâm, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre năm nào cũng bán hoa cúc tại hội hoa xuân tổ chức tại Tiền Giang. Năm nay, ông bày bán 150 chậu cúc mâm xôi tại Hội Hoa xuân Công viên Lạc Hồng với giá 150.000 đồng/cặp.

Đã bày bán gần 2 ngày mà lô hàng của ông chưa bán được bao nhiêu. “Nhiều người có tâm lý thích đi hội hoa xuân vào giờ chót (đêm giao thừa) hay hơn nữa là cận giờ giao thừa vì cho rằng lúc ấy thế nào hoa cũng rẻ. Cũng có năm hoa rẻ thật nhưng cũng có năm hoa đắt đến cuối giờ.

Chính vì suy nghĩ chờ tới giờ chót mua cho rẻ của nhiều người đã khiến không ít người bán hoa luôn phải sống trong trạng thái hồi hộp. 27, 28 Tết nhìn hoa còn nguyên là bắt đầu lo lắng, đến giao thừa mới biết mình bán được hay không.

Năm hoa đắt thì không nói gì, năm ế đành phải đổ bỏ hoa để lấy lại chậu. Cúc, vạn thọ chứ có phải mai, hồng, quất đâu mà không bán được thì đem về dưỡng sang năm bán tiếp” - ông Tâm nói.

Còn chị Nguyễn Lê Thị Châu, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, ngồi bán quất ở Hội hoa xuân kể rằng: “Kiếm được đồng lời ăn Tết không phải dễ. Chú thấy, chậu quất của tôi tròn trịa, đẹp, trái đều, vậy mà nhiều người trả giá 200-300 ngàn đồng/chậu, còn thấp hơn cả tiền vốn của gia đình bỏ ra”.

Năm nay, chị Châu bày bán trên 200 chậu quất, giá từ 500.000 đồng - 1,2 triệu đồng. Theo ghi nhận của chúng tôi, Hội Hoa xuân TP. Mỹ Tho năm nay tập trung nhiều nhất là quất, mai vàng, mào gà, các loại cúc, hoa lan… Thời điểm này, giá các loại mai vàng từ 1 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng, quất có giá từ 120.000 đồng đến 2,5 triệu đồng, cúc có giá từ 85.000 - 120.000 đồng/cặp…

Ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị TP. Mỹ Tho, Thường trực Ban Tổ chức Hội Hoa xuân Ất Mùi năm 2015 cho biết, Hội Hoa xuân có 570 lô bán hoa, kiểng tập trung ở đường 30-4, Lê Lợi, Trưng Trắc, Rạch Gầm, Huyện Toại, Thiên Hộ Dương, Trương Định.

Ngoài ra, Ban Tổ chức còn bố trí 64 lô bán hàng gia dụng tại đường Lãnh Binh Cẩn, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Những người tham gia bán hoa, kiểng tại hội hoa xuân năm nay chủ yếu tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Hội Hoa xuân bắt đầu từ ngày 20 đến 30-12 (ÂL). Lễ Khai mạc diễn ra lúc 19 giờ ngày 24-12 (ÂL).

NHÓM PVKT

.
.
.