Bánh tráng rế Hậu Thành: Thương hiệu nổi tiếng của làng nghề truyền thống
Làng nghề bánh tráng Hậu Thành, huyện Cái Bè không chỉ nức tiếng với món bánh tráng đặc trưng, còn có sản phẩm bánh tráng rế cũng nổi tiếng không kém.
Loại bánh độc đáo
Không khó để nhận biết các cơ sở hay hộ dân làm nghề tráng bánh tráng rế trong làng nghề bánh tráng tại xã Hậu Thành. Cũng khung cảnh nhộn nhịp, người pha bột, người tráng bánh, nhưng những gia đình làm bánh tráng rế không phải phơi bánh. Tuy cũng làm từ bột gạo nhưng bánh tráng rế trông bắt mắt hơn, với những sợi bột mảnh mai đan xen nhau. Bánh tráng rế vừa tráng xong là được đóng gói ngay, không cần phải qua công đoạn phơi nắng.
Cơ sở sản xuất bánh tráng rế của chị Trần Thị Liên, ấp Hậu Vinh, xã Hậu thành đã tạo việc làm thường xuyên cho 16 lao động. |
Không ai biết bánh tráng rế có từ bao giờ và do ai nghĩ ra, chỉ biết rằng bánh tráng rế được dùng để cuốn chả giò rế, là sản phẩm sáng tạo độc đáo, mang đậm nét bản sắc dân tộc. Hiện nay, bánh tráng rế đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Chả giò rế là món ăn ưa thích của nhiều người và nó phổ biến trong thực đơn trong các bữa tiệc của người Việt Nam, bởi bánh giòn xốp và vân lưới đan xen nhau trông đẹp mắt.
Kỹ thuật và dụng cụ làm bánh tráng rế khá đơn giản, người thợ chỉ cần dùng lon cá mòi khoan những lổ nhỏ đều nhau dưới đáy lon. Bột được cho vào lon và tùy vào độ khéo tay của người thợ, “ria” hoặc “quay” lon bột sao cho vừa tròn, vừa đều vào chiếc chảo gang.
Không đến 10 giây là chiếc bánh tráng rế đã chín, 1 người thợ thường tráng 3 chảo 1 lượt. Và cứ thế, bằng sự nhanh tay và khéo léo của người thợ, những chiếc bánh tráng rế hoàn toàn làm bằng thủ công nhưng tròn đều và đẹp mắt.
Vừa xấp lại những chiếc bánh tráng rế mới trán xong, bà Lê Thị Hồng, gần 70 tuổi, tươi cười bảo: “ở làng nghề này ai cũng có thể làm được bánh tráng rế, nhưng để làm ra chiếc bánh đạt chất lượng phải biết chọn gạo, pha bột, kỹ thuật quay bánh với độ dày vừa phải, điều chỉnh lửa ở nhiệt độ thích hợp để chiếc bánh tráng rế làm ra phải chín đều, không được quá khô, cũng không được quá mềm”.
Được biết, bà gắn bó với nghề làm bánh tráng, bánh tráng rế từ nhỏ. Hiện tại, bà có người con gái mở cơ sở sản xuất bánh tráng rế với 20 lao động.
Tạo việc làm cho người lao động
Xã Hậu Thành hiện có 4 cơ sở sản xuất bánh tráng rế và hàng chục hộ gia đình sản xuất nhỏ, tập trung ở ấp Hậu Vinh và ấp Hậu Hoa, với hơn 200 lao động tham gia thường xuyên. Đây được xem là 1 nghề giúp cho nhiều lao động nhàn rỗi của xã có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đến thăm cơ sở sản xuất bánh tráng rế của chị Trần Thị Liên, ấp Hậu Vinh, trong lúc các chị đang tráng bánh, đóng gói sản phẩm để kịp giao hàng. Cơ sở của chị Liên có 16 lao động làm việc thường xuyên, hàng ngày sử dụng trên 100 kg bột.
Vừa hướng dẫn một chị mới vô làm, chị Liên cho biết: “Trước nhu cầu của thị trường đối với bánh tráng rế, cũng như nhu cầu việc làm của chị em trong ấp, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho vay vốn, chị mạnh dạn mở cơ sở sản xuất.
Chị còn được các cơ sở mà trước đây mình làm thuê tạo điều kiện để sản phẩm có đầu ra ổn định”. Chị Liên cho biết thêm: Một người bình thường chỉ cần học nghề từ 3 - 5 ngày là có thể làm được. Cơ sở của chị sẵn sàng nhận dạy và nhận vào làm đối với những ai có nhu cầu.
Nhanh tay “quay” chiếc bánh, chị Nguyễn Thị Nhẹ, ấp Hậu Vinh cho biết: “Tôi làm ở đây được 1 năm, thu nhập hàng tháng trên 2 triệu đồng. Công việc nhẹ nhàng lại gần nhà nên có điều kiện lo cho gia đình và các con. Trước đây, vợ chồng đi làm ruộng thuê, vất vả nhưng thu nhập không ổn định”.
Hay như chị Nguyễn Thị Thúy An, từ khi có chồng, sinh con, gia đình chỉ sống bằng tiền công bốc vác của chồng. Từ khi chị Thúy An xin vào làm tại cơ sở của chị Liên, cuộc sống gia đình đã không còn vất vả như trước.
P. MAI