Thứ Sáu, 06/03/2015, 15:16 (GMT+7)
.

Các huyện, thị phía Đông: Nỗ lực bảo đảm nước cho lúa đông xuân

Hiện nay, mực nước nội đồng trong vùng Ngọt hóa Gò Công đang xuống thấp, một số khu vực xa kinh trục thiếu nước, phải bơm chuyền.

Tình hình nước phục vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 dự báo sẽ còn tiếp tục căng thẳng khi cống Xuân Hòa dự kiến chính thức đóng ngăn mặn từ ngày 10-3, trong khi đó nhiều diện tích lúa ở xa kinh trục, xuống giống trễ vẫn còn sử dụng nước. Các ngành, các cấp đang nỗ lực bảo đảm nước sản xuất cho vụ lúa đông xuân ở đây.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, huyện Gò Công Tây kiểm tra tình hình nước phục vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 vào ngày 3-3.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nghĩa cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, huyện Gò Công Tây kiểm tra tình hình nước phục vụ lúa đông xuân 2014 - 2015 vào ngày 3-3.

HÀNG TRĂM HA LÚA CÓ NGUY CƠ  THIẾU NƯỚC

Chúng tôi về vùng Ngọt hóa Gò Công trong những ngày đầu tháng 3, phần lớn diện tích lúa đông xuân trong vùng đều ở giai đoạn bông lúa bắt đầu cong trái me đến chín. Có diện tích lúa đã cắt nước, có diện tích chỉ còn bơm từ 1 - 2 lần nữa sẽ cắt nước nên nguy cơ thiếu nước đối với những diện tích này không cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn hàng trăm ha lúa đông xuân trồng giống dài ngày, lại xuống giống trễ lịch thời vụ, thời gian sử dụng nước còn khá dài đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước rất cao.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, ấp Thọ Khương, xã Bình Phú (huyện Gò Công Tây) cho biết, 4 công lúa giống VD 20 của gia đình chị đến nay xuống giống được trên 60 ngày. Những ngày qua, cứ từ 2 - 3 ngày là chị phải bơm nước cho ruộng lúa một lần. Hiện tại, mực nước kinh N 8 mỗi ngày xuống thấp thêm nên chị rất lo lắng. “4 công lúa của tôi còn  khoảng 1 tháng nữa mới cắt nước. Không biết lúc đó nước dưới kinh còn hay không nên tôi lo lắm” - chị Linh bày tỏ.

Không riêng gì ruộng lúa của chị Linh mà nhiều diện tích lúa khu vực này cũng đang ở giai đoạn làm đòng, trổ bông nên nhiều nông dân ở khu 1 vùng 3 này đang thắc thỏm về nước cung cấp cho lúa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Phường, Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, toàn xã có 940 ha sản xuất lúa và phần lớn diện tích lúa này đều đang giai đoạn chuẩn bị chín. Những diện tích lúa này chỉ còn sử dụng nước trong một thời gian ngắn nữa nên không đáng lo ngại. Điều lo lắng nhất của xã là hiện có khoảng 60 ha lúa VD 20 (thời gian sinh trưởng dài ngày) thuộc ấp Thọ Khương xuống giống muộn, đến nay chỉ trên dưới 70 ngày tuổi.

Theo tính toán, số diện tích lúa này còn phải sử dụng nước từ 20 - 25 ngày nữa. Mặc dù hiện nay, nước trong các kinh vẫn còn bảo đảm cung cấp cho lúa nhưng thời gian tới sẽ rất khó khăn, nhất là khi cống Xuân Hòa chính thức đóng ngăn mặn. Vì thế, những diện tích lúa xuống giống muộn này đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước rất cao.

Chúng tôi đi tiếp về phía Tây, dọc con kinh cặp đê thuộc địa bàn xã Đồng Sơn, nhiều trà lúa chỉ mới ở gian đoạn đứng cái, làm đòng, trổ bông. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, những diện tích này còn khoảng 2 tháng nữa mới có thể thu hoạch nên chắc chắn sẽ gặp khó khăn về nước trong thời gian tới, trong đó căng thẳng nhất là 185 ha lúa ở xa nguồn nước thuộc ấp Khương Thọ, Ninh Đồng A, lúa chỉ mới ở giai đoạn 40 - 50 ngày tuổi.

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão, đến ngày 3-3, vùng Ngọt hóa Gò Công xuống giống lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 trên 29.000 ha, trong đó có trên 12.000 ha lúa từ 61 - 70 ngày tuổi, trên 7.000 ha từ 51 - 60 ngày tuổi và trên 300 ha từ 41 - 50 ngày tuổi.

Đến nay, trong vùng đã có một số khu vực xa kinh trục thiếu nước phải tổ chức bơm chuyền. Cũng theo chi cục, nếu cống Xuân Hòa đóng ngăn mặn từ ngày 10-3 tới thì trong vùng sẽ có trên 300 ha lúa xuống giống trễ, xa nguồn nước ở huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công, huyện Gò Công Đông thiếu nước, phải bơm chuyền 2 cấp.

Công ty TNHH 1 TV Khai thác Công trình Thủy lợi đang tranh thủ lấy nước qua cống Xuân Hòa, cống duy nhất còn lấy nước vào vùng ngọt hóa, phục vụ lúa đông xuân trong khu vực Ngọt hóa Gò Công.
Công ty TNHH 1 TV Khai thác Công trình Thủy lợi đang tranh thủ lấy nước qua cống Xuân Hòa, cống duy nhất còn lấy nước vào vùng ngọt hóa, phục vụ lúa đông xuân trong khu vực Ngọt hóa Gò Công.

CHỦ ĐỘNG BẢO ĐẢM NƯỚC CHO LÚA

Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây (huyện có nhiều diện tích lúa còn ít ngày tuổi) cho biết, để tăng khả năng dẫn, tích trữ nước phục vụ lúa đông xuân, ngay từ đầu tháng 3, lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ đạo các lực lượng, cơ sở tiến hành trục vớt lục bình, khơi thông dòng chảy. Đặc biệt, đối với 185 ha lúa đông xuân ở xa kinh trục thuộc ấp Khương Thọ, Ninh Đồng A, huyện đã có kế hoạch đắp đập, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, máy móc và sẽ tiến hành bơm chuyền khi khu vực này xảy ra thiếu nước.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay trong vùng ngọt hóa có một số diện tích lúa đang trổ, làm đòng do xuống giống trễ (do xuống giống trễ vụ dây chuyền từ vụ hè thu năm 2014). Những diện tích lúa này sẽ rất khó khăn về nước trong thời gian tới, nhất là khi cống Xuân Hòa đóng ngăn mặn.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp các địa phương, cơ quan chức năng vận động nhân dân tranh thủ bơm nước lên ruộng ngay khi còn có thể, có kế hoạch bơm chuyền 2 cấp từ kinh Tham Thu, kinh N 8; khơi thông dòng chảy, vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước.

Ngành cũng đã chỉ đạo Công ty TNHH 1 TV Khai thác Công trình Thủy lợi tranh thủ lấy nước qua cống Xuân Hòa khi điều kiện cho phép. Cũng theo ông Hóa, diện tích lúa đông xuân đang tiếp tục thu hoạch, thời gian tới nhu cầu về nước sẽ giảm dần, lúc đó các địa phương, cơ quan chức năng có thể tranh thủ dồn nước cho những diện tích xuống giống muộn.

Để có chỉ đạo và giải pháp kịp thời bảo đảm nước cho lúa đông xuân, ngày 3-3, ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dẫn đầu Đoàn công tác đến kiểm tra tình hình nước phục vụ lúa đông xuân ở khu vực ngọt hóa Gò Công. Tại đây, ông chỉ đạo các ngành, các cấp chủ động mọi giải pháp để bảo đảm nước cho sản xuất an toàn vụ đông xuân 2014 - 2015.

Ngoài việc vận động nhân dân bơm trữ, tận dụng mọi khả năng lấy nước của cống Xuân Hòa, ông yêu cầu ngành Nông nghiệp, các địa phương, đơn vị chức năng rà soát lại những diện tích, khu vực khó khăn về nước và có giải pháp bơm chuyền, bơm đẩy, bơm trữ kịp thời, không để diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do thiếu nước.

Về thời gian tới, các huyện, thị cần rà soát lại các kinh bộc lộ khó khăn về nước trong vụ lúa này để lên kế hoạch tiến hành nạo vét, tăng cường khả năng dẫn, trữ nước trên kinh; đồng thời ngành Nông nghiệp, địa phương cũng cần tính toán, nghiên cứu việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng như luân canh lúa - màu, chuyển đổi sang trồng thanh long hay sử dụng giống lúa ngắn ngày... ở những khu vực xa kinh trục, thường xuyên khó khăn về nước.

N.VĂN

.
.
.