Thứ Hai, 30/03/2015, 12:59 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp gặp khó vì điện tăng giá và đồng Euro giảm giá

Đã có không ít doanh nghiệp (DN) từng hy vọng sẽ “dễ thở” hơn trong năm 2015, nhưng thực tế ngay từ thời điểm đầu năm nhiều DN đang lo lắng khi các chi phí đầu vào như xăng, điện đều tăng, cùng với đó là đồng Euro giảm giá mạnh, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và xuất khẩu.

Hiệu ứng giá điện tăng

Dựa trên biểu giá điều chỉnh giá điện tăng từ ngày 16-3 mà Bộ Công thương công bố, giá bán lẻ điện cho đối tượng sản xuất vào giờ cao điểm cao nhất là 2.735 đồng/kWh, giờ bình thường 1.453 đồng/kWh và giờ thấp điểm 869 đồng/kWh.

Đây là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ quý III-2013, do đó trước mắt DN sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là các DN thuộc lĩnh vực sản xuất thép, xi măng, chế biến thủy sản, may mặc... Vì đây là những ngành mà chi phí điện chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản phẩm.

Tình hình sản xuất của các DN đang chịu nhiều tác động từ giá điện tăng.
Tình hình sản xuất của các DN đang chịu nhiều tác động từ giá điện tăng.

Ngay sau khi giá điện tăng, Công ty cổ phần May Tiền Tiến (TP. Mỹ Tho) cho  biết sản xuất của DN đang ít nhiều bị tác động. Theo ông Lâm Thọ Hải, Giám đốc điều hành sản xuất Công ty cổ phần May Tiền Tiến, khi điện chưa tăng giá, với mức giá điện là 1.800 đồng/kWh thì tiền điện trung bình mỗi tháng công ty phải đóng là 752 triệu đồng.

Nếu mức tăng giá điện 7,5%, mỗi tháng công ty phải trả chi phí thêm gần 52 triệu đồng. Như vậy, cả năm công ty phải trả thêm chỉ riêng cho phần tăng giá điện khoảng 636 triệu đồng.

Ông Hải cho biết: “Đối với ngành may mặc, mặc dù chi phí điện trong giá thành không lớn, nhưng lại là ngành có lợi nhuận không cao, lao động nhiều nên việc tăng 7,5% giá điện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất và cả việc cải thiện đời sống cho người lao động.

Cụ thể, khi điện, xăng tăng giá sẽ kéo theo nhiều chi phí khác cũng tăng theo như bao bì, phụ liệu, vật tư… mỗi thứ sẽ nhích lên và kéo theo giá thành sản phẩm sẽ tăng khoảng 0,3%. Trong khi đó, công ty chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu, khó mà tăng giá, vì khách hàng không chấp nhận, do giá đã được ký kết theo hợp đồng từ trước khi giá điện tăng. Đây là bài toán rất khó đối với DN”.

Đại diện một DN may mặc ở TX. Cai Lậy cho biết, đơn vị này sẽ phải cắt giảm một phần lợi nhuận để bù đắp cho chi phí tăng thêm từ giá điện tăng. Còn bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico) và Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân cho rằng, giá điện được điều chỉnh tăng vào thời điểm hiện nay gây nhiều bất lợi cho DN. Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc tăng giá điện cùng lúc với tăng giá xăng sẽ tạo tác động kép lên DN.

Song, do hiện nay chi phí lãi vay thấp nên ở khía cạnh nào đó, DN cũng bớt gánh nặng và có thể giải bài toán chi phí đầu vào và điều tiết giá bán sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Nhưng trong trường hợp giá các loại nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, điện trong thời gian tới biến động liên tục, chắc chắn DN sẽ bị động trong ứng phó.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN đã phải lên kế hoạch ứng phó với tăng giá điện, xăng dầu nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, hạn chế thấp nhất tác động đến chi phí giá thành sản xuất. Các DN phải thay đổi công nghệ, đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để giảm tiêu hao năng lượng và tìm cách nâng cao năng suất lao động, thay đổi phương thức sản xuất, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm để bù đắp chi phí đầu vào tăng; đồng thời, cân đối các khung giờ để sắp xếp khung giờ sản xuất hợp lý hơn.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó vì đồng Euro giảm giá

Hiện giá đồng Euro giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 12 năm qua so với đô la Mỹ (đồng USD) đang gây ảnh hưởng mạnh đến hoạt động xuất khẩu của DN Việt Nam, trong đó có các DN xuất khẩu của Tiền Giang. Đồng Euro bắt đầu giảm giá từ giữa năm ngoái so với đồng USD và giảm mạnh từ tháng 12-2014 đến nay. Tỷ giá ngoại tệ giữa đồng Euro so với đồng USD tại các ngân hàng thương mại vào sáng 24-3-2015 là 1 Euro tương đương 1,0681 USD.

Ngành May mặc xuất khẩu vào thị trường EU đang chịu nhiều ảnh hưởng từ đồng Euro giảm giá.
Ngành May mặc xuất khẩu vào thị trường EU đang chịu nhiều ảnh hưởng từ đồng Euro giảm giá.

Cũng giống như đa số DN Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU), bà Nguyễn Thị Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (Sotico) và Công ty cổ phần Thủy sản Ngọc Xuân cho biết, sản phẩm của Sông Tiền và Ngọc Xuân chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU.

Từ ngày 13-3 tới nay, việc giao hàng của 2 công ty đang chựng lại, do phía đối tác yêu cầu giảm giá sản phẩm, vì giá đồng Euro đang giảm mạnh. Các đối tác nhập khẩu các sản phẩm của công ty thông báo chỉ đồng ý ký hợp đồng mới nếu phía DN Sông Tiền và Ngọc Xuân đồng ý giảm giá.

Hiện công ty đang tính toán lại cơ cấu giá thành sản phẩm và tiết giảm tối đa chi phí. Tuy nhiên, việc này rất khó, bởi giá xăng dầu, điện, lương đều tăng, kéo theo giá thành sản phẩm tăng cao.

Theo bà Ánh, lâu nay giá cá tra xuất khẩu sang thị trường châu Âu đã ở mức thấp nhất, chỉ khoảng 2,6 USD/kg. Nếu bây giờ giảm thêm thì DN sẽ bị lỗ, vì giá cá tra nguyên liệu đầu vào đã là 23.500 đồng/kg và phải mất 3 kg cá nguyên liệu mới chế biến được 1 kg cá phi lê xuất khẩu. “Không thể bán thấp hơn giá thành nên chúng tôi buộc phải từ chối ký hợp đồng mới” - bà Ánh nói.

Khi được hỏi về kế hoạch sắp tới, bà Ánh cho biết, đó là một “vùng tối”, bởi chuyện tỷ giá các đồng tiền như Euro hay đồng USD hoàn toàn nằm ngoài tầm dự đoán của DN. “Để giảm chi phí đầu vào, hiện DN đã tổ chức vùng nguyên liệu nuôi cá. Bây giờ, cá đã lớn, dù không có hợp đồng xuất khẩu nhưng vẫn phải thu hoạch, chế biến và chờ khi nào được giá sẽ bán. Đó là giải pháp tối ưu của DN vào thời điểm này” - bà Ánh nói.

Châu Âu lâu nay là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với nhiều mặt hàng chủ lực như: Thủy sản, dệt may, giày da... Không chỉ có ngành xuất khẩu thủy sản đang gặp khó, một số DN xuất khẩu may mặc, giày da khi được hỏi cũng cho biết khách hàng của họ đang thương thảo khá quyết liệt để giảm giá các đơn hàng. Một số công ty trong ngành hàng này đã bị giảm số lượng đơn hàng đi châu Âu, có công ty giữ được đơn hàng thì phải chấp nhận xuống giá.

Theo một DN chuyên gia công giày da xuất khẩu tại Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành), mặc dù hầu hết các DN nhận hàng gia công đều đã ký hợp đồng từ cuối năm 2014, nhưng do giá Euro sụt giảm nên nhiều khách hàng đã xin lùi thời hạn thanh toán để kỳ vọng giá Euro tăng lên…

Theo các DN xuất khẩu giày da của Tiền Giang có sản phẩm xuất sang thị trường EU, thì giá Euro giảm sẽ xảy ra 2 trường hợp, nếu DN xuất khẩu thu ngoại tệ bằng Euro thì khi đổi ra đồng USD sẽ chịu thiệt về tỷ giá.

Hoặc DN đang thanh toán bằng đồng USD, khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá, nếu DN đồng ý giảm thì việc đàm phán lại giá bán sau này trong trường hợp đồng Euro lên giá trở lại sẽ khó khăn. Đây là bài toán khó cho DN trong hoàn cảnh hiện nay.

Sự sụt giảm đồng Euro sẽ gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của các DN Việt Nam, trong đó có các DN của Tiền Giang vào thị trường EU, vì giá bán hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU sẽ đắt hơn.

PHƯƠNG NGHI

.
.
.