Giá lúa gạo diễn biến khó lường
Giá lúa gạo trong mấy ngày qua đã giảm nhẹ. Trong khi Chính phủ mới yêu cầu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo chỉ hơn nửa tháng để giữ giá cũng như giảm áp lực lượng lúa gạo trong vụ đông xuân 2014-2015. Điều này không chỉ gây khó khăn cho nông dân, thương lái, doanh nghiệp mà cả cơ quan chuyên môn.
Giá lúa đang giảm khiến thương lái và nông dân lo lắng. |
Không thể lường trước
Đến thời điểm này, nông dân các huyện, thị phía Tây của tỉnh như: Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân 2014-2015. Người trồng lúa đang chuẩn bị các khâu để sản xuất vụ lúa hè thu sớm 2015.
Đang xúc giống cho nhân công gieo sạ, bà Lê Thị Liệp, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cho biết, trong vụ đông xuân này, gia đình trồng 1,6 ha lúa IR 50404, năng suất đạt 10 tấn/ha. Tuy nhiên, bà Liệp không giấu được nỗi buồn:
“Chúng tôi cũng biết đang trong đợt tạm trữ lúa gạo nhưng vì giá lúa còn thấp nên chưa bán 16 tấn lúa nhà và mua thêm 4 tấn nữa để trữ lại chờ giá lên. Giá lúa tươi tại ruộng lúc đó 4.300 đồng/kg. Hiện tại, thương lái mua còn 4.150 - 4.200 đồng/kg nhưng cũng ít người mua. Nếu tính tiền bốc vác, chuyên chở, phơi khô, nhập kho thì gia đình bị lỗ 5 triệu đồng”.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Nuôi, ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận huyện Cai Lậy tạm trữ lại 18 tấn lúa IR 50404 để chờ giá lên. Nghĩ giá sẽ còn tăng lên cao, không ngờ vừa mới chất lúa vào nhà thì giá lại giảm. Nếu tính tiền thuê vận chuyển, sân phơi, công phơi… ông lỗ 4 triệu đồng. “Biết giá như vậy, tôi bán ngay tại ruộng cho rồi” - ông Nuôi than thở.
Không chỉ nông dân, mà “cánh” thương lái cũng đang lo lắng cho việc giá lúa gạo đang giảm. Thương lái tên Vũ, ở ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè vựa lại 100 tấn lúa IR 50404 để chờ giá tăng, bán lấy lời.
Tuy không phải là thương lái chuyên nghiệp, nhưng năm nào giá lúa rẻ thì gia đình ông lại thuê ghe, mướn bốc vác đi mua lúa của những người hàng xóm về dự trữ. Năm nay cũng vậy, thu hoạch lúa đúng ngay thời điểm tạm trữ và giá có xu hướng nhích lên, gia đình ông đặt cọc lúa IR 50404 với giá 4.250 đồng/kg.
Đến nay, những thương lái khác mua tại ruộng chỉ có giá 4.150 đồng/kg. Nhìn đống lúa to trong kho, ông Vũ nói: “Để vựa số lúa trên, gia đình phải vay trên 50 triệu đồng. Nhưng giờ này giá lúa lại giảm. Nếu giá giảm nữa sẽ khó khăn không những cho tôi mà còn rất nhiều thương lái khác”.
Ghi nhận của chúng tôi từ đầu vụ đông xuân 2014-2015 đến nay, rất nhiều thương lái đã trữ lúa lại để chờ giá lên. Hiện tại, rất ít thương lái đi mua lúa mà chờ thị trường ổn định trở lại. Chính điều này, những nông dân thu hoạch muộn sẽ gặp không ít khó khăn.
Doanh nghiệp vẫn bảo đảm chỉ tiêu mua tạm trữ
Trở lại các doanh nghiệp thu mua lúa gạo lớn trên địa bàn tỉnh, không khí có phần trầm lắng, một phần do giá lúa gạo đang có xu hướng không ổn định, một phần nông dân các huyện phía tây củ tinh đã thu hoạch gần dứt điểm vụ lúa đông xuân 2014-2015.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, khu phố Cầu Xéo, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè cho biết, đến ngày 16-3, công ty đã thu mua tạm trữ 8.000/10.000 tấn quy gạo. Như vậy chỉ còn 2.000 tấn nữa công ty sẽ hoàn thành chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo được giao.
“Mấy ngày qua, lúa gạo trên thị trường đã giảm nhẹ, nhưng chúng tôi đã thu mua cho nông dân như thời điểm giá cao trước đó. Hiện lúa thường công ty mua vào 4.300 đồng/kg và lúa hạt dài 4.600 đồng/kg (cao hơn thương lái đang thu mua từ100 - 200 đồng/kg).
Giá lúa gạo hiện nay rất thất thường, công ty cũng cố gắng mua cho đủ chỉ tiêu, không dám mua thêm. Bản thân tôi cũng không dám khuyến cáo nông dân nên bán ngay hay dự trữ lại. Bởi giá gạo cũng có thể tăng cao khi có thị trường xuất khẩu, cũng như giảm mạnh khi gạo Thái Lan xả hàng, thị trường Trung Quốc đóng cửa và không ký kết được những thị trường truyền thống của chúng ta” - ông Đôn nói.
Theo Sở NN&PTNT, tính đến ngày 13-3, toàn tỉnh đã thu hoạch 43.020/75.693ha lúa đông xuân 2014-2015, năng suất bình quân 7,12 tấn/ha và sản lượng 306.890 tấn. Trong đó, huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy đã thu hoạch dứt điểm; ở huyện Tân Phước và huyện Châu Thành chỉ còn một ít. |
Công ty Lương thực Tiền Giang là đơn vị thu mua lúa gạo nhiều nhất tỉnh trong vụ lúa đông xuân này. Mặc dù giá lúa gạo đang xuống nhưng công ty vẫn thu mua cho đủ chỉ tiêu với giá cao hơn giá thị trường.
Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc công ty cho biết, đến ngày 16-3, công ty đã thu mua tạm trữ 24.163 tấn quy gạo (trong đó, công ty đã thu mua 1.147/1.477ha trong mô hình Cánh đồng lớn).
Hiện tại, công ty thu mua gạo IR 50404 (tại kho) giá từ 6.300 - 6.350 đồng/kg, gạo hạt dài (tại kho) giá từ 6.700 - 6.800 đồng/kg; gạo thành phẩm Jasmine 5% tấm có giá 9.500 đồng/kg, 15% tấm có giá 7.500 đồng/kg, 25% tấm có giá 7.300 đồng/kg. “Thị trường lúa gạo hiện nay đang diễn biến phức tạp và khó lường.
Hiện tại, giá thị trường đang vững nhờ tác động của chính sách (chủ trương mua tạm trữ) và yếu tố thị trường (các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung với Phillipines và Malaysia, Trung Quốc mở cửa biên giới tăng cường nhập khẩu…).
Ngoài ra, gần đây, gạo Việt Nam đang chịu thêm sức ép cạnh tranh từ gạo giá rẻ của Pakistan và tiềm ẩn nguy cơ giảm giá xả hàng tồn kho từ Thái Lan và Ấn Độ. Tuy nhiên, do mới chỉ là giai đoạn đầu năm, nhu cầu giao dịch gạo vẫn còn, vì vậy trong ngắn hạn, có thể dự báo giá gạo khó có thể giảm và sẽ đứng vững hoặc tăng nhẹ, ít có biến động lớn.
Về dài hạn, thị trường lúa gạo phụ thuộc nhiều vào động thái xả hàng của Thái Lan, Ấn Độ và chính sách nhập khẩu của Trung Quốc” - ông Khiêm nhận định.
SĨ NGUYÊN