Người nuôi nghêu "đứng ngồi" không yên
Trong gần nửa tháng qua, vùng nuôi nghêu ven biển xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông lại có hiện tượng nghêu chết bất thường với mức độ thiệt hại nặng (sau gần 2 năm nghêu phát triển tốt kể từ đợt nghêu chết gây thiệt hại gần 300 tỷ đồng trong đầu năm 2013).
Hiện nay, nghêu vẫn còn đang chết nên người nuôi “đứng ngồi” không yên, chỉ chờ bãi nghêu cạn để kiểm tra mức độ thiệt hại, bởi vì số tiền đầu tư nuôi nghêu hàng tỷ đồng có thể dần trôi theo “bọt biển” qua từng con nước.
“Đau đầu” vì nghêu chết
Bà Phạm Thị Nhàn có 8,7 ha nuôi nghêu ở ấp Cầu Muống, xã Tân Thành đến khai báo với UBND xã, bà thả 40 tấn giống cỡ 300 con/kg mua từ Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh). Nghêu nuôi phát triển bình thường nhưng đến ngày 14-3-2015 thì nghêu bắt đầu chết nhiều. Hiện nay, nghêu đạt cỡ trung bình 80 con/kg, sản lượng thiệt hại khoảng 180 tấn với giá trị gần 3 tỷ đồng (giá 17.000 đồng/kg), và nghêu vẫn còn đang chết.
Tổ khảo sát nghêu chết của huyện Gò Công Đông cùng với cán bộ Sở NN&PTNT khảo sát nghêu chết (ảnh chụp ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) |
Theo ông Nguyễn Văn Tèo, công nhân quản lý sân nghêu cho bà Phạm Thị Nhàn, ban đầu nghêu chết theo luồng nước, sau đó lan rộng ra khắp bãi nghêu. Mặc dù nghêu chết như vậy nhưng không có cách nào để hạn chế thiệt hại, bởi đợt nghêu chết năm 2013 đã di dời 80 tấn nghêu từ sân nghêu này sang sân nghêu khác nhưng nghêu vẫn chết.
Còn việc bán nghêu vào thời điểm này rất khó do nghêu từ 70 - 80 con/kg chỉ bán được cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, nhưng hiện nay xuất khẩu “ăn hàng” chưa nhiều, trong khi thương lái mua nghêu bán ở các chợ chỉ mua nghêu cỡ từ 40 - 50 con/kg.
Ông Nguyễn Trần Quốc Khang, thương lái thu mua nghêu, cũng là chủ sân nghêu 2,7 ha ở ấp Cầu Muống đang thu hoạch lượng nghêu còn sót lại trên sân nghêu của gia đình cho biết, sân nghêu này đã chết trong 6 ngày qua với tỷ lệ thiệt hại khoảng 40% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện nay, kích cỡ nghêu bình quân chỉ đạt 100 con/kg, nhưng nhờ gia đình cũng là lái nghêu nên cố gắng thu hoạch những con nghêu còn lại đạt cỡ 60 - 70 con/kg bán ở chợ để lấy lại phần nào chi phí.
“Đợt thu hoạch này chỉ được 600 - 700 kg nghêu với giá bán 14.000 - 15.000 đồng/kg; sau khi trừ lượng nghêu chết 5 - 6% cho người mua, tính ra giá bán nghêu chỉ còn từ 11.000 - 12.000 đồng/kg. Tuy sản lượng ít, giá thấp nhưng thu hoạch được còn hơn để nghêu tiếp tục chết trong những ngày tới” - ông Khang cho biết.
Ông Ngô Phi Trường, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, nghêu nuôi ở xã chết khoảng 10 ngày qua, trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 cũng có một số sân nghêu chết nhưng không đáng kể. Năm nay, nghêu chết trải đều chứ không chia thành từng đợt như năm 2013.
Hiện nay, một số sân nghêu ở vùng nước sâu vẫn chưa xác định được nghêu có chết hay không do các sân nghêu này vẫn còn ngập nước. Nhìn chung, đợt này nghêu nuôi ở khu vực Cồn Ông Mão chỉ chết lưa thưa, còn nghêu nuôi ở cồn Vạn Liễu chết nhiều.
Nghêu chết do độ mặn trong nước tăng cao bất thường?
Ông Trần Văn Vinh (Bảy Vinh), có sân nghêu 12,9 ha ở ấp Cầu Muống cho biết, ông thả 2 đợt nghêu giống cỡ 5.000 - 6.000 con/kg với thời gian nuôi khoảng 14 tháng, nghêu đạt cỡ 70 - 80 con/kg chuẩn bị thu hoạch, sản lượng nghêu ước đạt 100 tấn.
Trong đợt nghêu chết cách đây hơn 10 ngày, nghêu nuôi của ông Bảy Vinh bị chết với tỷ lệ thiệt hại 40%, và trong 3 ngày 21 đến 23-3 nghêu lại tiếp tục chết nhiều hơn đợt trước do gió chướng thổi trở lại. Trước đó, khoảng 26 tết, nghêu nuôi của ông cũng chết từ 5 - 10%.
UBND huyện Gò Công Đông cho biết, từ ngày 10 đến 17-3, do tình hình môi trường diễn biến phức tạp, nghêu nuôi ở xã Tân Thành xảy ra tình trạng chết chưa rõ nguyên nhân, gây thiệt hại lớn cho một số hộ nuôi. Theo Chi cục Thú y tỉnh, tính đến sáng ngày 22-3, đã có 132 hộ nuôi nghêu đến UBND xã Tân Thành khai báo thiệt hại do nghêu chết. Trong 2 ngày 21 và 22-3, nghêu chết vẫn còn xảy ra, mức độ chết có chiều hướng gia tăng khi gió chướng xuất hiện trở lại. |
Theo ông Bảy Vinh, những đợt nghêu chết nhiều trong các năm trước, gió chướng thổi mạnh từng đợt làm cho độ mặn nước biển tăng cao (28 - 30‰). Lần nghêu chết này, gió chướng cũng thổi mạnh nhưng khác là gió thổi liên tục trong 2 - 3 ngày làm độ mặn tăng lên tới 38‰.
“Tôi biết được độ mặn nước biển lúc đó nhờ đo độ mặn để lấy nước vào nuôi tôm. Lúc thấy độ mặn lên cao bất thường như vậy tôi cũng không tin nên đi mượn dụng cụ đo độ mặn của người bạn về đo thì kết quả cũng như vậy” - ông Bảy Vinh giải thích thêm.
Cũng theo ông Bảy Vinh, qua theo dõi thấy nghêu có hiện tượng vùi sâu hơn bình thường trước khi chết. Có thể giải thích hiện tượng này là do nghêu phản ứng lại với yếu tố bất thường trong nước, nhưng do nghêu vùi sâu trong cát nhiều ngày, không ăn được tảo trong nước nên khi trồi lên đã yếu, cộng với độ mặn cao làm nghêu chết.
Ông Nguyễn Văn Nhịn (Chín Nhịn), quản lý sân nghêu 22 ha ở ấp Chợ, xã Tân Thành cho biết, hiện nay nghêu của ông đã tới lứa thu hoạch với sản lượng ước 400 tấn (cỡ 80 con/kg). Đến nay, sân nghêu của ông bị thiệt hại 50% với sản lượng thiệt hại ước 200 tấn; nếu tính giá nghêu 17.000 đồng/kg thì giá trị thiệt hại 3,5 tỷ đồng.
“Mấy ngày trước, tôi đã kêu thương lái, thuê công cào nghêu chuẩn bị thu hoạch. Tuy nhiên, khi cào nghêu lên thì phát hiện nghêu chết nên thương lái không mua. Nguyên nhân là do khi nghêu chết thì những con còn sống cũng đã yếu rồi, nếu thu hoạch thì ngày hôm sau nghêu cũng sẽ chết” - ông Chín Nhịn cho biết.
Theo ông Chín Nhịn, lúc nghêu chết độ mặn nước biển lên tới 38‰, đây có thể là nguyên nhân gây chết nghêu. 2 ngày gần đây, gió chướng thổi lại, kiểm tra thì thấy nghêu tiếp tục chết thêm nữa. Ngoài ra, theo ông Chín Nhịn, năm nay nghêu chết muộn hơn năm 2013 nên người nuôi nghêu tin tưởng rằng đã qua thời điểm nghêu chết trong năm. Theo dõi sức khỏe nghêu thì thấy nghêu năm nay mập hơn, ruột không bị vàng như nghêu chết trong năm 2013.
“Biển rộng bao la nên người nuôi khó có thể xác định nguyên nhân gây chết nghêu. Thời điểm này chỉ mong sao nghêu ngừng chết để người nuôi còn nghêu thu hoạch, lấy lại chi phí đầu tư. Người nuôi nghêu không ai muốn nghêu chết để nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng cũng đề nghị Nhà nước hỗ trợ một phần con giống để giúp người nuôi tái sản xuất; đồng thời đề nghị cơ quan nghiên cứu Trung ương hỗ trợ xác định nguyên nhân gây chết nghêu để người nuôi chủ động phòng, tránh trong vụ nghêu tới” - ông Bảy Vinh đề nghị.
THÀNH CÔNG
Tăng cường kiểm soát, hỗ trợ hộ nuôi có nghêu bị thiệt hại UBND tỉnh vừa có văn bản số 1069/UBND-KTN về việc tăng cường kiểm soát, quản lý, hỗ trợ khắc phục thiệt hại do nghêu chết năm 2015 sau khi nhận được báo cáo nhanh của UBND huyện Gò Công Đông về tình hình nghêu chết bất thường với mức độ thiệt hại nặng từ ngày 10 đến 17-3. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Gò Công Đông chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và địa phương tiếp tục kiểm soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nghêu chết, đánh giá mức độ thiệt hại và diện tích thiệt hại. Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nghiên cứu, xác định nguyên nhân gây chết nghêu để từ đó đề ra giải pháp khống chế, khắc phục thiệt hại. Định kỳ hàng tuần tổng hợp kết quả thực hiện, diễn biến tình hình báo cáo UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. Bên cạnh đó, yêu cầu Sở NN&PTNT tăng cường hỗ trợ địa phương trong việc lấy mẫu nghêu và nước gửi cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT phân tích xác định nguyên nhân nghêu chết và đề ra giải pháp khống chế, khắc phục thiệt hại; đồng thời phối hợp với Sở Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ cho nhân dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành. |