Thứ Hai, 09/03/2015, 08:17 (GMT+7)
.

Tập trung cho việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp

Trong những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã phát triển nông nghiệp theo định hướng quy hoạch, thông qua bốn chương trình phát triển kinh tế ngành, đó là lúa gạo, kinh tế vườn, chăn nuôi và thủy sản.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, bất lợi, nhưng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp của tỉnh vẫn phát triển khá ổn định, theo hướng thâm canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và ngày càng nâng cao tỷ suất hàng hóa, bảo đảm được an ninh lương thực thực phẩm, góp phần quan trọng vào xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người nông dân, ổn định an sinh xã hội.

Chợ trên sông. Ảnh: Như Lam
Chợ trên sông. Ảnh: Như Lam

Thực hiện Nghị quyết Trung ương về Nông nghiệp - nông dân - nông thôn, tỉnh đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng bền vững. Từ năm 2011 đến nay, sản lượng lúa bình quân hàng năm của tỉnh đạt trên 1,3 triệu tấn; hơn 1,2 triệu tấn trái cây các loại; trên 700 nghìn tấn rau màu thực phẩm; trên 150 nghìn tấn thịt hơi gia súc, gia cầm và gần 250 nghìn tấn thủy hải sản các loại..

Trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có bước chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả; tiềm năng nông nghiệp được khai thác tốt hơn, việc thâm canh, ứng dụng giống mới cải tạo vườn cây ăn trái được đẩy mạnh.

Đồng thời, mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, mô hình đã gắn kết sản xuất lúa giữa nông dân với doanh nghiệp, thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản, bước đầu đã gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với người sản xuất, nông dân có điều kiện tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, các biện pháp kỹ thuật, giá cả hợp lý, yên tâm sản xuất, thu nhập từng bước được nâng cao; doanh nghiệp đã chủ động được nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh; đây là kết quả bước đầu trong việc hình thành chuỗi giá trị giữa sản xuất và tiêu thụ.

Bên cạnh đó, triển khai thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới đến cơ sở, được sự đồng thuận của nhân dân cùng “chung sức xây dựng nông thôn mới”, qua đó diện mạo nông thôn ở một số nơi đã thực sự khởi sắc; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh, trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2020, tỉnh đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như sản xuất nông nghiệp phải đảm bảo vai trò khu vực kinh tế nền tảng, tạo thế ổn định và bền vững cho phát triển chung, tỷ trọng từ 38,8% (mục tiêu đề ra cho năm 2015), đến năm 2020 chiếm khoảng 28% GRDP toàn tỉnh; về xây dựng nông thôn mới, năm 2015 tập trung xây dựng 29/145 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí và đến năm 2020 có 50% số xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh  xác định phải thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh hướng tới mục tiêu cuối cùng là gia tăng GDP, tăng thu nhập nông hộ, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thêm, thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và triển khai thực hiện.

Cùng với đó, để tập trung đầu tư phát triển cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Tiền Giang đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó sẽ thúc đẩy sản xuất các sản phẩm chủ lực, nâng cao năng suất và chất lượng. Trọng tâm năm 2015 hình thành các chuỗi giá trị theo từng ngành hàng như lúa, thanh long, bò sữa và cá tra.

Cụ thể, trong lĩnh vực trồng trọt: trên cây lúa phân vùng sản xuất theo hai dòng sản phẩm; hình thành cánh đồng lớn khoảng 4 ngàn ha gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Giảm dần diện tích lúa ba vụ ở các vùng khó khăn về nước tưới, ảnh hưởng lũ, triển khai thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống lúa tại các xã ven biển huyện Gò Công Đông giai đoạn 2014 - 2020; dự án chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp và rau màu tỉnh Tiền Giang đến năm 2020; dự án chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái tỉnh Tiền Giang đến năm 2020.

Diện tích lúa còn lại duy trì xuống giống lúa tập trung, né rầy; tiếp tục áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh thái, cơ giới hóa trước, trong và sau thu hoạch.

Đối với rau màu và cây ăn trái, trước mắt tập trung đầu tư cây ăn trái đặc sản vốn đã nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long thành ngành hàng mũi nhọn tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao.

Theo đó sẽ tổng kết Đề án đầu tư phát triển cây thanh long huyện Chợ Gạo, trên cơ sở đó sẽ đề xuất các giải pháp phát triển; đồng thời tiếp tục hướng dẫn áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao (mô hình tưới tiết kiệm nước); sản xuất theo hướng GAP và tổ chức chứng nhận khi đủ điều kiện kết nối với doanh nghiệp; tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng giống; tăng cường phòng chống bệnh trên cây trồng, giải quyết dứt điểm bệnh đốm nâu trên thanh long và khống chế bệnh chổi rồng trên nhãn. Xây dựng chuỗi giá trị trên cây thanh long.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, từng bước chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, gia trại; hình thành vùng chăn nuôi tập trung tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước; khuyến khích áp dụng công nghệ cao, chăn nuôi an ninh sinh học (áp dụng kỹ thuật và công nghệ phù hợp) để hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi để đảm bảo đạt tỷ lệ đạt khoảng 75 % /tổng đàn. Nhân rộng mô hình chuỗi giá trị trên con bò sữa.

Về thủy sản, tỉnh tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực như tôm sú, cá tra, nghêu; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao; nhân rộng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP kết nối với tiêu thụ. Hình thành chuỗi giá trị trên con cá tra. Khuyến khích ngư dân trang bị các thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc, máy khai thác để hoạt động an toàn và khai thác có hiệu quả; xây dựng các tổ đội sản xuất trên biển.

Tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động của hợp tác xã thực hiện liên kết chuỗi giá trị, mục tiêu năm 2015 toàn tỉnh sẽ có 100% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả được rà soát, hướng dẫn và tổ chức đăng ký chuyển sang hoạt động theo Luật hợp tác xã năm 2012; Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp từ cấp tỉnh, huyện, xã; đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các kiến thức về kinh tế hợp tác, pháp luật có liên quan quản lý về kinh tế hợp tác trong nông nghiệp và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã.

Xây dựng bốn mô hình kinh tế hợp tác trong thực hiện liên kết sản xuất với chế biến tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, với mô hình điểm nầy qua quá trình tham gia chuỗi sản xuất, các hợp tác xã nông nghiệp từ chỗ đơn thuần làm dịch vụ sẽ trở thành hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định, làm cầu nối đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Có thể nói, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh là định hướng căn bản để địa phương này chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, góp phần gia tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo mục tiêu năm 2015 thu nhập bình quân đầu người ở các xã điểm đạt chuẩn theo quy định thì trong từng lĩnh vực quản lý sản xuất, ngành sẽ tập trung hỗ trợ tương ứng với thế mạnh về đối tượng sản xuất nông nghiệp của các địa phương.

Để làm tốt vấn đề này, tỉnh cũng đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, đó là tích cực hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các thành phần kinh tế; tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ; phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; cung cấp thông tin, dịch vụ; nông dân và doanh nghiệp giữ vai trò trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Cùng với đó, việc tổ chức tuyên truyền cũng được chú trọng, sâu rộng đến các ngành, các cấp, từng cán bộ, đảng viên và người nông dân nắm rõ thông tin và đồng thuận cao trong quá trình tổ chức triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, có hiệu quả cao và bền vững.

Các ngành tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp; khuyến khích phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng, nhất là giữa người nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, dịch vụ; hình thành chuỗi giá trị, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.