Hiệu quả thiết thực từ mô hình Cánh đồng lớn
Mặc dù giá lúa vụ đông xuân 2014 - 2015 chưa thật sự làm hài lòng người trồng lúa nhưng dù sao người nông dân cũng không phải bán lúa gạo với mức giá quá thấp. Để giữ được mức giá tương đối cho người nông dân, bên cạnh chính sách thu mua tạm trữ theo chủ trương chung của Chính phủ, còn nhờ chủ trương thực hiện mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) được triển khai trên diện rộng. Trên địa bàn Tiền Giang, Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) đã đóng góp một phần đáng kể.
Nông dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè thu hoạch lúa trong CĐL. |
Vụ đông xuân 2014 - 2015, lần đầu tiên Tigifood triển khai mô hình CĐL rộng khắp tại 21 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất trên địa bàn 8 huyện. Tổng diện tích mà Tigifood ký hợp đồng là 1.946 ha, với 2.150 hộ tham gia; trong đó nhiều nhất là huyện Cái Bè với 725 ha, ít nhất là huyện Gò Công Tây với 57 ha. Lần đầu tiên, Tigifood áp dụng 3 phương thức liên kết.
Thứ nhất, Tigifood đầu tư bao tiêu trọn gói, từ giống, phân bón, đến kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm. Đây là phương thức mới áp dụng trong vụ đông xuân năm 2014 - 2015. Nếu như trước đây, công ty chỉ bao tiêu theo kiểu “ngắt khúc”, phương thức mới thực hiện bao tiêu theo chuỗi giá trị. Thứ hai, công ty chỉ đầu tư một phần, chủ yếu là giống, thuốc trừ sâu và bao tiêu sản phẩm.
Thứ ba, theo hình thức truyền thống trước đây là đặt hàng, cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm chứ không có đầu tư vật tư nông nghiệp. Theo đó, tổng chi phí đầu tư ứng trước đầu vào cho vụ đông xuân lần này là 4,89 tỷ đồng (bao gồm của Tigifood và 2 đơn vị liên kết là Công ty cổ phần BVTV An Giang và Công ty TNHH MTV Hóa nông Hợp Trí) được các DN ứng trước không tính lãi trong 4 tháng.
Kết thúc vụ đông xuân 2014 - 2015 cho thấy, mô hình CĐL do Tigifood thực hiện đã mang lại kết quả rõ rệt. Tổng số lúa mà Tigifood đã mua lại theo hợp đồng là 19.556 tấn lúa quy khô, trên tổng số 1.393 ha, chiếm 72% diện tích mà công ty đã ký hợp đồng. Trong đó, phương thức liên kết thứ nhất, tức là bao tiêu trọn gói, được thực hiện thành công nhất, với tỷ lệ lúa công ty thu mua thành công là 96%.
Có thể nói là sản lượng lúa mà công ty thu mua được năm nay là cao nhất từ trước đến nay kể từ khi thực hiện chủ trương liên kết sản xuất. Một trong những điểm mới trong vụ đông xuân năm nay là chính sách thu mua của Tigifood linh hoạt hơn trước đây, tức là vừa mua lúa tươi, vừa mua lúa khô với giá hỗ trợ hợp lý theo hướng khuyến khích bà con phơi sấy bán lúa khô sẽ có lợi hơn (thực tế công ty đã mua được 643 tấn lúa khô các loại, với giá cao hơn lúa tươi từ 1.000 - 1.200 đồng/kg).
Nhờ mô hình Cánh đồng lớn, nông dân nhiều nơi trong tỉnh được mùa vụ lúa đông xuân 2014-2015. |
Đánh giá về mô hình sản xuất CĐL vụ đông xuân 2014 - 2015 do Tigifood thực hiện, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, việc thực hiện chủ trương sản xuất theo mô hình CĐL trên diện rộng, áp dụng linh hoạt nhiều phương thức liên kết là sự nỗ lực rất lớn của Tigifood. Bởi từ đây sẽ từng bước hình thành được chuỗi giá trị từ đầu vào đến đầu ra, nhằm bảo đảm cho sản xuất lúa mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả hơn; đồng thời đây cũng là một trong những công việc thực hiện chủ trương tái cấu trúc ngành Nông nghiệp mà tỉnh đang triển khai thực hiện.
Cũng chính từ việc thực hiện sản xuất theo mô hình CĐL đã giúp chuyển trạng thái doanh nghiệp (DN) từ việc chỉ thu mua gạo như trước đây sang mua lúa và hình thành những mối liên kết ngang trong việc cung ứng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; nhất là thay đổi dần tư duy sản xuất của người nông dân. “Qua mô hình liên kết sẽ giúp chuyển dần cơ cấu giống sản xuất, giảm bớt tỷ lệ lúa thường, đi vào sản xuất lúa chất lượng cao” - ông Cao Văn Hóa cho biết.
Tuy đạt được những thành công nhất định trong việc thực hiện CĐL, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Tigifood, chương trình vẫn còn có những mặt hạn chế nhất định. Chẳng hạn, công tác tổ chức thu mua còn nhiều bất cập do hạ tầng phục vụ thu mua lúa còn kém; hệ thống giao thông thủy, bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa của các huyện phía Đông.
Sản lượng lúa mua được tuy đạt cao nhất trong nhiều năm gần đây nhưng chủ yếu vẫn là lúa thường IR50404 (chiếm hơn 64%), lượng lúa thơm theo yêu cầu của công ty vẫn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ chiếm 14%. Đối với công ty, hiệu quả và lợi ích thật sự là chưa rõ nét do chi phí và giá thành mua lúa trong mô hình cao hơn bên ngoài từ 100 - 200 đồng/kg, có nơi từ 300 - 400 đồng/kg, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, hạ tầng giao thông kém.
Hay vẫn còn một số bà con nông dân chưa nhận thức đầy đủ và trách nhiệm lâu dài khi tham gia liên kết xây dựng CĐL nên còn quan niệm đây là mô hình Nhà nước phải đầu tư, hỗ trợ và phải thu mua lúa cao hơn giá thị trường, vẫn còn tỷ lệ khá lớn phá vỡ cam kết theo hợp đồng đã ký, bán lúa ra bên ngoài…
Đánh giá về cách thức mà Tigifood triển khai thực hiện trong vụ đông xuân vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho rằng, việc triển khai thực hiện CĐL là chủ trương chung của Vinafood 2, nhất là sau khi Quyết định 62 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng CĐL ra đời, nhằm mục tiêu là xây dựng chuỗi giá trị hạt gạo và nằm trong Đề án Tái cấu trúc ngành Nông nghiệp.
Hiện tại các đơn vị trực thuộc Vinafood 2 đã xây dựng xong phương án thực hiện CĐL và Vinafood 2 cũng đã hoàn thiện phương án chung của tổng công ty. Tuy nhiên, Tigifood là đơn vị thành viên đầu tiên của Vinafood tổ chức sơ kết việc thực hiện CĐL và đạt được những kết quả ban đầu so với các đơn vị thành viên khác.
“Tất nhiên, bước đầu việc thực hiện sản xuất CĐL cũng có một số khó khăn như diện tích sản xuất của từng nông hộ trên địa bàn tỉnh nhỏ; đối với các DN chuyển từ mua gạo sang mua lúa cần phải đầu tư lớn; một số khó khăn trong việc liên kết dọc và liên kết ngang. Tuy nhiên, Tigifood cũng có thuận lợi là tỉnh Tiền Giang đã quy hoạch vùng sản xuất lúa, đã ban hành một số văn bản liên quan việc thực thiện CĐL. Tới đây, Tigifood cần định hướng đầu ra cho người nông dân nhằm xác định giống lúa cần gieo trồng và Tiền Giang cũng cần mở rộng số lượng DN tham gia thực hiện mô hình CĐL” - ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết.
THẾ ANH - NGUYỄN SỰ
* Bà Trương Thị Hồng, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất ấp 2, xã Phước Lập (huyện Tân Phước):
Cần mở rộng mô hình CĐL
Trong vụ đông xuân 2014 - 2015, Tổ liên kết sản xuất ký hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm với Tigifood 294 tấn, giống IR50404. Nhưng đến lúc thu hoạch, thấy DN mua lúa với giá “ngon quá”, nông dân trong tổ bán thêm nên số lượng lên tới 323 tấn lúa hàng hóa. Bởi công ty trực tiếp đến thu mua lúa ngay tại ruộng, thanh toán tiền mặt ngay khi cân lúa xong và cao hơn giá thị trường. Nông dân chỉ đến xem cắt lúa, cân lúa rồi cầm tiền về… Điều này đã tạo niềm tin cho bà con nông dân trong tổ nói riêng và người dân trồng lúa nói chung.
Tuy nhiên, bà Hồng cũng đề xuất: “Ngành chức năng cần mở rộng diện tích thực hiện CĐL trên địa bàn, bởi nhiều hộ dân đang có nhu cầu tham gia vào mô hình CĐL. Đồng thời, mô hình này cũng cần được triển khai trong vụ lúa hè thu và thu đông”.
* Ông Nguyễn Văn Việt, Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất ấp 4, xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy):
Giảm chi phí sản xuất 1 triệu đồng/ha
Trong vụ đông xuân vừa qua, 93 hộ nông dân trong Tổ liên kết sản xuất lúa tham gia 99 ha trong mô hình CĐL do Tigifood thực hiện. Kết thúc mùa vụ, Tổ liên kết đã bán cho công ty 879 tấn lúa OM 4900, với giá 4.700 đồng/kg. Hình thức liên kết là Công ty cổ phần BVTV An Giang cung cấp vật tư nông nghiệp, Tigifood thu mua lúa. Trong quá trình canh tác, nhân viên của 2 DN này thường xuyên đến hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình canh tác, từ đó tiết kiệm sản xuất trên 1 triệu đồng/ha.
Trong vụ hè thu sớm 2015, Tổ liên kết thực hiện ký kết 188 ha lúa của 175 hộ theo mô hình CĐL và được Tigifood cung cấp giống, thu mua lúa; còn Công ty cổ phần BVTV An Giang cung cấp phân, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật. “Từ những hiệu quả bước đầu và được nhân dân đồng tình hưởng ứng, chúng tôi kiến nghị ngành chức năng cần mở rộng diện tích CĐL từ 188 ha lên 220 ha trong vụ hè thu chính vụ 2015 và mở rộng ra toàn ấp khoảng 300 ha trong vụ đông xuân 2015 - 2016”- ông Việt kiến nghị.
* Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây:
Thay đổi kỹ thuật canh tác lúa
Trước đây, trong quá trình canh tác và tiêu thụ lúa, nông dân phụ thuộc hoàn toàn vào các đại lý vật tư nông nghiệp và thương lái. Các đại lý vật tư bán giá bao nhiêu thì tới mùa nông dân trả tiền bấy nhiêu. Đến mùa thu hoạch, thương lái cho giá mua lúa bao nhiêu, nông dân cũng phải bán giá bấy nhiêu. Từ thực tế trên, khi có chủ trương xây dựng mô hình CĐL, UBND xã đã thành lập tổ hợp tác, xin chủ trương xây dựng ngay mô hình trên địa bàn và được chấp thuận.
Khi thực hiện mô hình CĐL, nông dân được an tâm về tiêu thụ sản phẩm, không sợ thương lái ép giá. Nông dân được đầu tư ứng trước giống, các loại vật tư mà không tính lãi. Kỹ thuật canh tác của nông dân được nâng lên thấy rõ. Với 54 ha thực hiện liên kết theo mô hình CĐL với Tigifood của 93 hộ dân, loại giống VD 20, công ty đã thu mua được 258 tấn lúa khô, đạt 90% so với hợp đồng đã ký, với giá thu mua 5.700 đồng/kg.