Phát triển các khu, cụm CN: Đòn bẩy phát triển của ngành CN
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, Tiền Giang sẽ tiếp tục phát huy những sản phẩm công nghiệp có lợi thế và tiềm năng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp kỹ thuật cao, hiện đại, hiệu quả, công nghiệp sạch; tỷ trọng công nghiệp xây dựng trong GRDP đến năm 2020 là 35%.
PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết, để thực hiện quy hoạch phát triển của ngành Công nghiệp đến năm 2020 tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai và khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh, đây là nguồn lực chính thúc đẩy ngành Công nghiệp tăng trưởng nhanh.
Tiếp tục phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, đồ uống hướng về xuất khẩu, chất lượng ngày càng cao, gia tăng chế biến sâu. Song song với việc gia tăng công suất chế biến, chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị, công nghệ ở các cơ sở sản xuất hiện có để nâng cao chất lượng, phát huy công suất thiết kế, nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ về lợi ích giữa công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu.
Bên cạnh đó, tập trung thu hút đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các KCN, CCN; định hướng phát triển công nghiệp đa ngành, tạo ra sản phẩm phong phú hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.
KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương đều đã lấp đầy 100%, đóng góp đáng kể vào giá trị phát triển công nghiệp của tỉnh. |
7 KHU VÀ 27 CỤM CÔNG NGHIỆP
Căn cứ vào nhu cầu phát triển, dự kiến đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ hình thành 7 KCN, 27 CCN và 1 tuyến công nghiệp với tổng diện tích 3.085 ha. Trong đó, ngoài KCN Mỹ Tho, CCN Trung An đã lấp đầy, định hướng trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn chỉnh hạ tầng và thu hút đầu tư để lấp đầy 100% diện tích của 4 KCN và 4 CCN đang triển khai; đồng thời triển khai thêm 3 KCN và 23 CCN khác trên địa bàn các huyện, thành, thị.
Cụ thể: TP. Mỹ Tho sẽ mở thêm CCN chế biến thủy sản Tân Mỹ Chánh tại phường 9 và xã Tân Mỹ Chánh với quy mô 15,3 ha, ngành nghề đầu tư là sản xuất hàng gia dụng, chế biến lương thực, thực phẩm và dịch vụ thủy sản… nhằm di dời các cơ sở sản xuất trong nội ô TP. Mỹ Tho.
TX. Gò Công ngoài KCN Bình Đông quy mô 212 ha đã được phê duyệt từ CCN Bình Đông sẽ mở thêm 3 CCN là Bình Đông II, III, IV mỗi cụm 50 ha với ngành nghề đầu tư cơ khí chế tạo, cơ khí tàu thuyền, điện - điện tử, vật liệu xây dựng…
Huyện Cái Bè ngoài CCN An Thạnh đã lấp đầy 100%, sẽ tiếp tục xây dựng CCN An Thạnh 2, quy mô 35 ha cũng tại xã Đông Hòa Hiệp; CCN Mỹ Hội tại xã An Cư, diện tích 50 ha; CCN Mỹ Thuận (xã Hòa Hưng) 20 ha; CCN Mỹ Đức Đông (15 ha) và CCN Nam Hòa Khánh (25 ha).
TX. Cai Lậy sẽ hình thành tuyến công nghiệp Tân Bình, quy mô 50 ha với ngành nghề đầu tư là chế biến lương thực, cơ khí, may mặc…; 2 CCN Tân Hội và Thanh Hòa đều có diện tích 50 ha.
Huyện Cai Lậy sẽ hình thành CCN Long Trung và CCN Phú Cường, đều có quy mô 50 ha.
Huyện Châu Thành ngoài KCN Tân Hương và CCN Song Thuận hiện hữu, sẽ quy hoạch thêm CCN Long Hưng (20 ha) và CCN Tân Lý Đông, diện tích 50 ha.
Huyện Tân Phước ngoài KCN Long Giang đang thu hút đầu tư, sẽ hình thành KCN Tân Phước I, diện tích 470 ha; KCN Tân Phước 2, dự kiến đây sẽ là những KCN đa ngành nghề, ít độc hại; CCN Thạnh Tân có quy mô 75 ha.
Huyện Chợ Gạo sẽ hình thành CCN Chợ Gạo 1 tại thị trấn Chợ Gạo, quy mô 36 ha và CCN Chợ Gạo 2 tại xã Tân Thuận Bình, diện tích 29 ha.
Khu vực phía Đông của tỉnh, huyện Gò Công Tây sẽ hình thành 3 CCN tại các xã Đồng Sơn, Vĩnh Hựu và Bình Tân (CCN Long Bình). Huyện Gò Công Đông ngoài KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, trên địa bàn huyện sẽ hình thành hệ thống cụm cảng biển trên sông Soài Rạp: Cảng xăng dầu, các bến tổng hợp, chuyên dùng… có diện tích khoảng 377 ha.
Huyện Tân Phú Đông sẽ xây dựng CCN Phú Tân, quy mô dự kiến 15 ha, với ngành nghề thu hút: Sơ chế thủy sản, chế biến rau quả, cơ khí, gia công may mặc, đặc biệt là ngành thủ công về lục bình, chỉ xơ dừa…
Về giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển công nghiệp đến năm 2020, ông Trần Văn Dũng cho biết tỉnh sẽ tiếp tục cải cách hành chính theo cơ chế một cửa, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu có sức cạnh tranh.
Thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực; ưu tiên tập trung vốn cho công trình trọng điểm, nhất là các công trình phục vụ công nghiệp hóa của tỉnh. Xây dựng cơ chế phối hợp, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư thật sự thông thoáng và dễ thực hiện nhằm tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các thành phần kinh tế đến đầu tư phát triển công nghiệp tại Tiền Giang.
DUY SƠN
Trong quý I-2015, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài trong các KCN, CCN tăng cao nhất (18,6%), do các DN sản xuất khá ổn định, không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, nhất là các DN ở KCN Tân Hương, KCN Long Giang. Một số DN có sản lượng tăng khá cao như: Công ty TNHH Freeview Industrial (tăng 71,4%), Công ty TNHH Nam of London (tăng 40%). Vì thế, tại hội nghị sơ kết quý I-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang yêu cầu các ngành, địa phương, chủ đầu tư hạ tầng các KCN vận động kêu gọi đầu tư và hỗ trợ các thủ tục đầu tư cho các DN trong KCN và các dự án mời gọi đầu tư của tỉnh. Rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận vốn, mặt bằng để cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn trong nước và ngoài nước. Tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng KCN Tân Hương và KCN Long Giang vận động kêu gọi đầu tư; hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cấp và điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho các DN đầu tư vào các khu, CCN. Tập trung mời gọi đầu tư khai thác hạ tầng các KCN, nhất là KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp và KCN Tân Phước 1, 2. |