Xây dựng niềm tin hàng Việt qua các phiên chợ
Các Phiên chợ Hàng Việt (PCHV) về nông thôn được tổ chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua luôn được xem là một trong những hoạt động có ý nghĩa, giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa trong nước tiếp cận với thị trường nông thôn; đồng thời cũng là dịp để người dân nông thôn có cơ hội mua sắm hàng Việt bảo đảm chất lượng và giá cả phù hợp. Từ đó, góp phần xây dựng niềm tin hàng Việt và ngày càng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Người dân tham quan, mua sắm tại PCHV về thị trấn Cái Bè diễn ra từ ngày 3 đến 5-4. |
Vào đầu tháng tư vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Tiền Giang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức 2 PCHV về nông thôn tại thị trấn Cái Bè và TX. Gò Công. 2 PCHV này đã thu hút 33 DN Hàng Việt Nam chất lượng cao và 7 DN trong tỉnh tham gia bán hàng thuộc nhiều ngành hàng như: Thực phẩm, giải khát, hàng tiêu dùng, gia dụng, may mặc, vật tư nông nghiệp...
Với nhiều sản phẩm mới, giá cả hấp dẫn và nhiều khuyến mãi. Do đó, nguồn hàng hóa bày bán tại 2 phiên chợ khá dồi dào, có chất lượng và được xem là cơ hội tốt nhất để người tiêu dùng nông thôn tiếp cận, mua sắm và sử dụng hàng Việt.
Theo các DN, mục tiêu khi tham gia bán hàng tại 2 PCHV lần này là nhằm quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường. Đặc biệt là mang đến cho người dân nông thôn cơ hội tiếp cận, mua sắm hàng Việt với giá cả phù hợp và hưởng được nhiều chính sách ưu đãi khi mua sắm hàng hóa. Do đó, các DN luôn chú trọng đến chất lượng đi đôi với giá cả.
Chính vì thế, hàng hóa được bán khá chạy tại 2 phiên chợ. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân là do thị hiếu người tiêu dùng ở các nơi mà PCHV diễn ra cũng không quá kén chọn và có vẻ rất “mê” hàng Việt. Còn nhiều người dân tham quan, mua sắm cũng bày tỏ sự vui mừng, vì được tiếp cận với PCHV được tổ chức ngay tại quê nhà.
Theo thống kê của Ban Tổ chức, trong 3 ngày (từ ngày 3 đến 5-4) diễn ra PCHV về thị trấn Cái Bè đã thu hút 19.000 lượt người dân đến tham quan, mua sắm; mang về 1,3 tỷ đồng doanh thu cho các DN. Còn PCHV về TX. Gò Công (diễn ra từ ngày 7 đến 9-4) đã thu hút 11.200 lượt người dân đến tham quan, mua sắm; doanh số đạt 1,18 tỷ đồng. Phía sau những con số ấy đã phần nào phản ánh được lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.
Theo Trung tâm BSA, mục đích của việc tổ chức các PCHV về nông thôn nhằm giúp người dân có thêm cơ hội tiếp xúc với những sản phẩm Việt Nam bảo đảm chất lượng và uy tín; đồng thời giúp DN hiểu hơn về nhu cầu của người tiêu dùng, đo lường sức mua và mở rộng thị trường ở các vùng nông thôn đầy tiềm năng. Chính vì vậy mà các PCHV về nông thôn đã thật sự trở thành “cầu nối” hàng Việt với người dân nông thôn.
Hai PCHV được tổ chức lần này cũng vậy, đã mang hàng Việt đến với người tiêu dùng nông thôn của huyện Cái Bè và TX. Gò Công, thông qua việc bán hàng trực tiếp từ các DN. Điều này đã góp phần tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.
Tuy nhiên, đại diện Trung tâm BSA cũng cho rằng, muốn “người Việt dùng hàng Việt” thì ngoài việc vận động, khuyến khích người tiêu dùng, chính các DN Việt Nam phải nhìn nhận và đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên hết để nhằm tạo sự an tâm tuyệt đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ, mẫu mã, bảo đảm độ an toàn cao, góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời nâng cao uy tín và thương hiệu, xây dựng niềm tin vào chất lượng đối với người tiêu dùng.
Sau những chuyến đưa hàng Việt về các vùng nông thôn, các DN cũng cần chú trọng phát triển mạng lưới phân phối, nhằm cung cấp những nguồn hàng ổn định, phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu cho người tiêu dùng nông thôn.
Cùng với đó, các địa phương, các ngành chức năng thường xuyên tạo điều kiện cho các DN sản xuất trong nước quảng bá thương hiệu, thiết lập kênh phân phối, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, phát triển sâu rộng đến thị trường nông thôn, một thị trường đầy tiềm năng, chiếm hơn 70% dân số.
PHƯƠNG NGHI