Câu chuyện tỷ giá và áp lực của doanh nghiệp
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD thêm 1%, đồng thời với giá điện và xăng dầu tăng liên tục gần đây có ảnh hưởng gì đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh?
Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Dệt len Phương Nam. |
Lần thứ 2 trong năm 2015 NHNN Việt Nam điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD. Theo đó, tỷ giá mới áp dụng cho ngày 7-5 được điều chỉnh từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD. Trong lần điều chỉnh tỷ giá vào tháng 1-2015 cũng ở mức 1%, NHNN đã thông báo sẽ chỉ điều chỉnh tỷ giá tối đa là 2% trong năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN Việt Nam sẽ không còn khoảng trống cho việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới.
Khi đề cập đến việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN Việt Nam, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc NHNN - Chi nhánh Tiền Giang cho rằng, việc tăng tỷ giá chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến tình hình xuất, nhập khẩu của DN. Đối với DN nhập khẩu sẽ bị bất lợi vì khi tỷ giá tăng đồng vốn vay của DN bằng USD so với VND sẽ tăng giá, như vậy DN sẽ gặp khó khăn hơn.
Rõ ràng khi tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí nhập khẩu của DN sẽ tăng, nhưng điều này cũng tốt vì nó giúp DN giảm nhập khẩu, giảm nhập siêu trong nền kinh tế. Đối với DN xuất khẩu (XK), việc tỷ giá tăng sẽ có lợi thế vì nó góp phần hỗ trợ XK, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển ổn định, tăng giá trị, thúc đẩy XK, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, nhất là trong bối cảnh 4 tháng đầu năm nước ta còn nhập khẩu nhiều hơn XK.
Ông Võ Thanh Nhã cho rằng, trong thời gian gần đây, NHNN Việt Nam đã điều chỉnh tăng tỷ giá là sự biến động bình thường của nền kinh tế. Tỷ giá tăng tất nhiên sẽ ảnh hưởng sự biến động chung của thị trường tiền tệ cả nước. Tuy nhiên, tại Tiền Giang, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng năm không lớn, các DN vay bằng ngoại tệ chưa nhiều nên việc tăng tỷ giá đối với Tiền Giang cũng không có ảnh hưởng gì lớn.
Thực tế là trên địa bàn tỉnh, trong những ngày qua khi tỷ giá tăng, nguồn tiền gửi của dân cư bằng USD và VND vẫn tăng trưởng bình thường. Trong khi đó, các đồng tiền khác trên thế giới bị mất giá so với USD rất lớn.
Việc điều chỉnh tăng tỷ giá lần này là điều tất nhiên, nằm trong sự suy đoán của các DN nên không có vấn đề gì bất ngờ. Thế nhưng, hệ thống ngân hàng sẽ có chính sách ưu đãi về lãi suất nhằm hỗ trợ hợp lý đối với các DN nhập khẩu gặp khó khăn để hạ giá thành sản phẩm bán ra khi chưa chuẩn bị kịp tinh thần tăng tỷ giá. Sau này khi tỷ giá đi vào ổn định, thì mọi chuyện kinh doanh sẽ trở lại bình thường.
“Thị trường tín dụng 4 tháng đầu năm tăng trưởng 10% so với đầu năm 2015. Đây là một tín hiệu đáng mừng và là con số khác biệt so với những năm trước. Bởi thực tế những năm trước cho thấy, những tháng đầu năm tỷ lệ tăng ở tốc độ âm hoặc chỉ tăng một vài phần trăm. Đây là tín hiệu 1 năm tài chính nhiều lạc quan cho sản xuất kinh doanh của các đơn vị, các thành phần kinh tế” - ông Võ Thanh Nhã dự báo.
Ở góc nhìn của các DN, bà Đặng Ngọc Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Dệt len Phương Nam cho rằng, sang năm 2015 tình hình kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng vẫn chưa thật sự thuận lợi do khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài. Các DN Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do các chi phí đầu vào như xăng dầu, điện nước, lương, bảo hiểm đều tăng. Tăng nặng nhất là điện, bởi từ ngày 15-3 giá điện đã tăng gần 8%, là tỷ lệ tăng không nhỏ.
Đồng ý là kinh tế thị trường, giá cả phải được điều chỉnh nhưng tăng mức nào là vừa phải, có lộ trình thì DN còn có thể chịu đựng được. Việc tăng đồng loạt các yếu tố đầu vào ở mức cao vừa qua đã tạo ra áp lực không nhỏ đè lên gánh nặng của DN.
“Ở khía cạnh tỷ giá, ai cũng nghĩ rằng tỷ giá tăng là có lợi cho XK nhưng điều này cũng không hẳn như thế. Bởi đa phần các DN của Việt Nam là nặng về tính gia công nên giá trị gia tăng không lớn. Trong khi đó tỷ giá tăng đồng nghĩa với đồng VND giảm giá. Đa số các nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất XK đều phải nhập khẩu. Khi VND giảm giá các DN phải nhập khẩu với giá tăng hơn trước. Do vậy, khi tỷ giá tăng thực sự gây ra nhiều khó khăn chứ không hẳn là thuận lợi đối với các DN XK. Chính vì thế, tỷ giá ổn định thì kinh tế sẽ ổn hơn” - bà Đặng Ngọc Dung phân tích.
Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Giang Mây Việt. |
Là đơn vị chuyên XK các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, ông Trần Tiến Giang, Giám đốc Công ty TNHH Giang Mây Việt cho biết, trong những tháng qua, công ty đã đạt 40% kế hoạch của cả năm 2015. Tất nhiên, DN hiện tại chịu không ít áp lực. Bởi đối với các đơn vị sản xuất, giá điện, xăng dầu chiếm khoảng 10% giá thành sản xuất. Khi các yếu tố đầu vào này tăng đã ảnh hưởng một phần đến tình hình sản xuất của các DN do chi phí sản xuất tăng.
Trong khi đó, trước đây khi giá xăng giảm, tất cả các nguyên liệu đầu vào lại không giảm giá hoặc mức giảm rất thấp nhưng khi giá xăng và điện tăng cao gần đây thì giá nguyên liệu lại tăng cao. Trước những áp lực biến động về giá của nguyên liệu đầu vào, DN buộc lòng phải tính đến phương án dự phòng chi phí. Bên cạnh đó, DN cũng cố gắng cắt giảm một số chi phí không cần thiết để duy trì sản xuất nhằm tạo ra giá thành sản phẩm một cách tốt nhất.
“Khi giá USD tăng tất cả các DN XK rất mừng. Nhưng đối với DN chuyên XK sang thị trường châu Âu như Công ty TNHH Giang Mây Việt lại đang gặp rất nhiều khó khăn khi tỷ giá giữa USD và Euro chênh lệch nhau rất ít. Điều này đồng nghĩa là khách hàng châu Âu phải bỏ ra số tiền lớn hơn trước đây để mua sản phẩm. Và tất nhiên người tiêu dùng phải cân nhắc khi lựa chọn sản phẩm” - ông Trần Tiến Giang cho biết.
THẾ ANH