Thứ Sáu, 01/05/2015, 07:54 (GMT+7)
.
Nông dân vẫn còn nghèo trên "Vựa lúa Quốc gia"

Bài cuối: Để nông dân "sống được" trên mảnh ruộng của mình

Làm sao để nông dân trồng lúa nâng cao thu nhập, thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn và “sống được” trên mảnh ruộng của mình? Đó là những trăn trở không chỉ của nông dân mà còn là của doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước.

Ông Võ Văn Chung, ấp Lương Phú, xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo), từng được phong là “vua” nhân giống lúa kháng rầy, tâm sự: “Nông dân muốn thoát nghèo thì phải liên kết lại với nhau theo hình thức HTX, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm cho nhau và phải hợp tác với 1 doanh nghiệp để được hỗ trợ, chứ mạnh ai nấy làm và cạnh tranh lẫn nhau thì sớm muộn cũng “chết” thôi. Còn Nhà nước phải cử những cán bộ có tâm huyết, chịu thương, chịu khó, ăn ở cùng nông dân thì mới hỗ trợ được nhiều cho nông dân”.

 Nông dân làm ra hạt lúa cần phải được trả công xứng đáng.
Nông dân làm ra hạt lúa cần phải được trả công xứng đáng.

Để hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập cho người nông dân, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, muốn nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thoát nghèo chúng ta cần phải hình thành được những “cứ điểm” nông nghiệp. Lâu nay, chúng ta vẫn hay đổ lỗi cho thị trường dù ai cũng biết là thị trường luôn chuyển động.

Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta có tổ chức được để nông dân vùng ĐBSCL làm ra những sản phẩm đặc trưng, cá biệt hay chưa, hay cứ tổ chức sản xuất theo kiểu “vườn tạp”? Vai trò của Nhà nước có thật sự là “bà đỡ” cho nông dân?

“Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu vùng ĐBSCL thường “hát” chung điệp khúc buồn nông dân “được mùa mất giá”; nông dân phải gánh chịu rủi ro kép… Nhưng tất cả những khó khăn đó, các tỉnh, thành ĐBSCL cần phải xem xét thấu đáo hơn” - TS. Lê Văn Bảnh nói.

Gắn bó với lĩnh vực lúa gạo khá lâu, Công ty Lương thực Tiền Giang đã hỗ trợ rất nhiều cho nông dân trong việc tiêu thụ lúa gạo và góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, nông dân cần liên kết với doanh nghiệp để giảm bớt chi phí, đảm bảo đầu ra, hạn chế thương lái ép giá. Có như vậy, thu nhập của nông dân mới nâng cao lên được.

“Để mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thực sự chặt chẽ thì rất cần có chính sách rõ ràng, có sự quản lý, kiểm tra, chế tài hợp lý và nâng cao nhận thức của nông dân, nâng cao năng lực của các tổ chức hợp tác xã, tổ hợp tác đại diện cho nông dân... Có như vậy, nông dân sẽ ngày càng tự nguyện tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác nhiều hơn, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hơn” - ông Khiêm nói.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, GS-TS. Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng: Nông dân cần theo đúng quy trình kỹ thuật mà các nhà khoa học đưa ra. Bằng chứng là những người nông dân theo khoa học, cùng hợp tác trong cùng hợp tác xã hoặc trong cùng 1 nhóm để làm hợp đồng với doanh nghiệp thực hiện theo mô hình GAP sẽ giảm chi phí sản xuất từ 30 - 50%. Nếu nông dân làm đúng theo quy trình GAP, cụ thể là vụ lúa đông xuân vừa qua thì giá thành chỉ từ 1.800 - 2.300 đồng/kg lúa, còn những nông dân làm theo ý mình thì giá thành lên đến 3.800 đồng/kg.

Ngoài ra, chúng ta cần phải đưa các chính sách của Nhà nước vào cuộc sống. Doanh nghiệp cần phải tìm kiếm thêm khách hàng mới… “Để giúp người trồng lúa phát triển bền vững, chúng ta nên lấy vị trí, vai trò người nông dân làm gốc. Người nông dân không chỉ sống được mà phải sống tốt hơn. Bên cạnh đó, người nông dân cũng cần tự nâng chất bản thân, gắn kết lại với nhau.

Để làm được điều này, phải có sự hoạch định chiến lược và quy trình sản xuất hiệu quả. Chính vì lẽ đó, các nhà hoạch định nông nghiệp cần nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của người nông dân, giúp họ có trình độ nhận thức và kỹ thuật sản xuất vững chắc... Tất cả điều ấy sẽ là tiền đề đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển” - GS.TS Võ Tòng Xuân nói.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nông dân trồng lúa muốn hạn chế rủi ro, tránh tư thương ép giá và nâng cao thu nhập thì phải liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình Cánh đồng lớn, vì đây là phương thức tối ưu để hình thành nên chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Khi tham gia, nông dân được doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ kỹ thuật… và mua lúa của nông dân ngay tại ruộng, với giá cao hơn thị trường.

Như vậy khi tham gia, nông dân chắc chắn sẽ tiêu thụ được lúa như đã ký kết ban đầu và lợi nhuận cao hơn vì tiết kiệm được chi phí, giá bán lúa cao hơn bên ngoài; đồng thời, việc thực hiện mô hình này cũng là chủ trương tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp mà tỉnh Tiền Giang đang triển khai thực hiện…

Nếu giải quyết được các vấn đề trên, nông dân sẽ thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn nghèo khó ngay trên “Vựa lúa Quốc gia”.

SĨ NGUYÊN

.
.
.