Nông nghiệp Tiền Giang trong tiến trình 40 năm xây dựng và phát triển
TS. NGUYỄN VĂN KHANG
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang
Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp có vị trí giao thoa giữa Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ, Tiền Giang là cửa ngõ giao thương quan trọng về nông - thủy sản hàng hóa giữa các vùng, nhất là đối với TP. Hồ Chí Minh và ngược lại. Trải qua 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, Tiền Giang đã không ngừng phát triển về mọi mặt, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Nông nghiệp - ngành kinh tế nền tảng cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Ảnh: Cao Lập Đức |
Bối cảnh chung, tỉnh Tiền Giang sau ngày giải phóng trong khi sản xuất chưa phát triển, thiên tai lũ lụt, dịch bệnh phát sinh trên cây trồng, vật nuôi cộng với cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chủ trương cải tạo quan hệ sản xuất (thành lập các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất) chưa phù hợp đã trói buộc, gây đình đốn sản xuất. Có thể nói, thời điểm này đời sống người dân cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng rất khó khăn, thiếu lương thực - thực phẩm trầm trọng.
Trước tình hình trên, tại Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1980 - 1983) diễn ra từ ngày 3 đến 9-1-1980, Đảng bộ tỉnh đã năng động, sáng tạo đề ra 5 chương trình kinh tế có mục tiêu, trong đó ngoại trừ Chương trình Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thì 4 Chương trình còn lại gồm Chương trình Lúa năng suất cao (kinh tế lúa gạo), Chương trình Vườn cây ăn trái (kinh tế vườn), Chương trình Chuyên canh cây công nghiệp, Chương trình Thủy - hải sản (kinh tế thủy sản) đều nhằm tập trung phát triển nông nghiệp với giải pháp đột phá về thủy lợi, giống mới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật - trong đó tập trung nạo vét hàng loạt kinh mương phục vụ tưới tiêu nông nghiệp.
Bước đột phá đầu tiên của ngành Nông nghiệp là tiến công về phía Đông triển khai xây dựng vùng ngọt hóa với Dự án Ngọt hóa Gò Công bấy giờ là một trong những dự án thủy lợi quan trọng và hiệu quả nhất Nam bộ, có thể xem là cuộc cách mạng trong sản xuất nông nghiệp được triển khai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được Bộ Nông nghiệp và bộ, ngành Trung ương hết sức hỗ trợ; tiếp đó là tiến công vào vùng Đồng Tháp Mười hình thành vùng chuyên canh cây khóm và chỉ đạo xây dựng vùng lúa năng suất cao ở các huyện phía Tây tỉnh Tiền Giang.
Thực tiễn đã chứng minh, từ chọn đúng giải pháp đột phá là khâu thủy lợi đã mang lại hiệu quả nhanh nhất và thiết thực nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, hình thành nên một hệ thống kinh mương chằng chịt, liên thông trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp đi lên nhanh chóng:
Các huyện phía Đông từ gieo cấy chỉ 1 vụ mùa năng suất thấp đã từng bước trở thành một trong những địa bàn sản xuất lương thực quan trọng của tỉnh; Đồng Tháp Mười từ vùng đất hoang hóa không một bóng người, nhiễm phèn nặng, qua khai hoang, phục hóa đã thành những vùng trồng cây công nghiệp (khóm) lên đến hàng chục ngàn ha phục vụ cho công nghiệp chế biến (nhà máy của Xí nghiệp Liên hiệp Rau quả lạnh đông ra đời); ngoài ra, các huyện phía Tây cũng đã chuyển 7.000 ha lúa canh tác 1 vụ tăng lên 2 vụ, rồi 3 vụ/năm...
Ảnh: Duy Sơn |
Bên cạnh giải pháp thủy lợi là giải pháp về giống. Đối phó với dịch sâu rầy năm 1978 - 1979 và phục vụ thâm canh, tăng vụ thì giống mới lúc đó được xem là giải pháp cực kỳ quan trọng. Ngành Nông nghiệp đã tổ chức xây dựng mạng lưới nhân giống từ tỉnh, huyện đến cơ sở, trong đó lấy nông dân sản xuất giỏi làm nòng cốt, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 300 tổ nhân giống...
Kết quả đến năm 1980 toàn tỉnh đã sử dụng phổ biến các giống lúa mới kháng sâu rầy (IR, LĐ2, LĐ4...) ngắn ngày, nhiều giống chịu được mặn, phèn; thay đổi dần tập quán sử dụng lúa ăn làm lúa giống, giống kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong sản xuất, góp phần quyết định trong việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sản xuất, tăng vụ.... và nhiều năm liền sau đó, Tiền Giang trở thành tỉnh đi đầu về công tác giống ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam bộ. Về giống trong chăn nuôi cũng đã tiến hành chọn lọc giống heo địa phương như Thuộc Nhiêu và phát triển heo lai kinh tế...
Đến tháng 12-1986 Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra chủ trương đổi mới toàn diện, đã được Tỉnh ủy Tiền Giang cụ thể hóa bằng các chủ trương, chính sách về cơ chế quản lý nông nghiệp, tiếp tục tạo nên một luồng gió mới trong sản xuất, nông dân phấn khởi, mạnh dạn đầu tư vốn để thâm canh, tăng vụ, khai hoang mở rộng diện tích canh tác và chúng ta đã có mốc thời gian đáng nhớ:
Năm 1990 lần đầu tiên sản lượng lúa tại Tiền Giang vượt ngưỡng 1 triệu tấn (1.002.140 tấn) và đã có 61.000 tấn xuất khẩu. Cũng từ năm 1990 trở đi, lượng lương thực hàng hóa ngày càng nhiều, mỗi năm có đến 500 - 600 ngàn tấn, trong đó xuất khẩu bình quân trên 100 ngàn tấn/năm; sản lượng lương thực hàng hóa còn lại đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước, lợi nhuận của người nông dân tăng lên đáng kể, bình quân một vụ trong năm 1993 mức lãi 28%, năm 1994 là 35%...
Thu hoạch lúa trong mô hình “Cánh đồng lớn”. Ảnh: Vân Anh |
Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những năm sau đó, sản lượng lương thực của Tiền Giang liên tục vượt ngưỡng 1 triệu tấn (năm 2005 đã đạt 1,3 triệu tấn lúa, xuất khẩu trên 300 ngàn tấn gạo), góp phần bảo đảm an ninh lương thực Quốc gia. Đặc biệt đến năm 2006, tỉnh đã chủ trương chỉ đạo sản xuất lúa theo hướng an toàn, áp dụng IPM, 3 giảm 3 tăng, ứng dụng công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, mô hình Thực hành nông nghiệp tốt (GAP)...; và ngay sau thời điểm nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) vào năm 2007, tỉnh Tiền Giang đã ghi thêm một dấu mốc quan trọng:
Là tỉnh đi đầu trong sản xuất lúa an toàn (GAP) với HTX Mỹ Thành, Cai Lậy được thành lập năm 2008 có 11,4 ha canh tác lúa được cấp Chứng nhận GlobalGAP - đây là đơn vị đầu tiên trên cả nước có được chứng nhận này. Tiếp theo đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa đặc sản và lúa thơm, lúa chất lượng cao, đến nay toàn tỉnh có 230.605 ha diện tích gieo trồng, năng suất bình quân gần 6 tấn/ha (tăng gấp 2,3 lần so với năm 1976), sản lượng hơn 1,3 triệu tấn lúa các loại.
Cùng với sản lượng tăng, để giải quyết bài toán tiêu thụ, việc xây dựng ”Cánh đồng mẫu lớn” được triển khai đồng bộ, chặt chẽ phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, mô hình đã gắn kết sản xuất lúa giữa nông dân với doanh nghiệp. Thông qua hợp đồng tiêu thụ nông sản, bước đầu đã gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp với người sản xuất, nông dân được hỗ trợ đầu tư về giống, vật tư, các biện pháp kỹ thuật, được bao tiêu với giá cả hợp lý giúp họ yên tâm sản xuất; doanh nghiệp thì chủ động được nguồn nguyên liệu, mở rộng quy mô sản xuất cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh thành tựu về chương trình kinh tế lúa gạo, chương trình chuyên canh cây công nghiệp thì các chương trình phát triển kinh tế vườn, kinh tế thủy sản cũng đã đạt những kết quả quan trọng. Đối với kinh tế vườn, sản xuất cây ăn trái của tỉnh ngày càng gia tăng cả về diện tích lẫn sản lượng: Năm 1976 diện tích vườn cây ăn trái là 26.760 ha thì đến năm 2014 là gần 71.000 ha, sản lượng đạt 1,23 triệu tấn trái cây các loại, và hiện tỉnh đã có 7 loại trái đặc sản đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể; năm 2010 được Trung ương chọn là nơi tổ chức Festival Trái cây Việt Nam lần thứ Nhất.
Chương trình kinh tế thủy sản cũng đạt nhiều kết quả quan trọng, được xác định là một trong các chương trình kinh tế mũi nhọn của Tiền Giang, đến nay diện tích nuôi gần 16 ngàn ha, sản lượng 137.957 tấn (gấp 7 lần về diện tích và 68 lần về sản lượng so năm 1980); năng lực tàu thuyền và sản lượng khai thác biển hàng năm đều tăng, hiện nay tỉnh đã có 1.127 tàu với công suất máy chính bình quân 266 CV/tàu (tăng gấp 10 lần so năm 1980)...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả trên, trong phát triển kinh tế vườn và kinh tế thủy sản cũng còn những mặt hạn chế như: Sản xuất quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ, bấp bênh, nông dân thu nhập không ổn định, phụ thuộc giá cả thị trường, vấn đề ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng, khai thác... là những vấn đề tỉnh phải tiếp tục tập trung chỉ đạo.
Thanh long Chợ Gạo được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. |
Thời gian tới, xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nền Nông nghiệp Tiền Giang cũng cần chuyển mạnh theo hướng mới: Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp hướng tới mục tiêu tăng giá trị gia tăng, tăng thu nhập nông hộ và phát triển theo hướng bền vững trên cơ sở lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Quá trình triển khai đề án tái cơ cấu ngành, tỉnh sẽ chọn sản phẩm lợi thế (không dàn đều) để tập trung chỉ đạo gắn với ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất theo hướng GAP, liên kết hợp tác trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ gắn với xây dựng nông thôn mới...
Nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển ngành Nông nghiệp Tiền Giang đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó bài học quan trọng nhất chính là biết vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng kết hợp sự lãnh đạo kiên quyết và đúng hướng của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Tiền Giang. Từ chủ trương đúng, chúng ta đã chọn đúng lĩnh vực và giải pháp đột phá và quan trọng nhất là sự đồng tâm, hiệp lực của mọi tầng lớp nhân dân thì mới có được kết quả hôm nay.