Thứ Ba, 05/05/2015, 05:45 (GMT+7)
.

Nông nghiệp Tiền Giang và những nỗ lực hội nhập

Từ sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tham gia đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác đa phương, khu vực và song phương. Về phía tỉnh, nhằm chủ động hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có các chương trình hành động; ngành Nông nghiệp tích cực triển khai các bước đi hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế; liên tục bổ sung, cập nhật và cụ thể hóa các bước đi vào các quy hoạch ngành và sản phẩm.

Sầu riêng là một trong 7 loại trái cây đặc sản của Tiền Giang với diện tích lớn, có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Lan
Sầu riêng là một trong 7 loại trái cây đặc sản của Tiền Giang với diện tích lớn, có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Ngọc Lan

TĂNG HÀM LƯỢNG CÔNG NGHỆ CHO NÔNG SẢN

Trước hết, ngành Nông nghiệp đã tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm thông qua 4 chương trình kinh tế trọng điểm gồm chương trình phát triển kinh tế lúa, gạo; vườn; chăn nuôi và thủy sản. Trong chương trình kinh tế lúa, gạo, công tác chuyển giao khoa học kỹ - thuật liên tục được ngành quan tâm triển khai và đổi mới từ rất sớm. Từ đó, trình độ nhận thức của người nông dân về kỹ thuật canh tác cũng như cách ứng phó trong bảo vệ cây trồng ngày càng được nâng cao.

Theo đó, qua thời gian triển khai thực hiện, đến nay hầu hết các tiến bộ kỹ thuật được nông dân tiếp tục áp dụng trên diện rộng cho hiệu quả cao như áp dụng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm” chiếm 80% diện tích gieo  trồng (DTGT); xuống giống theo lịch thời vụ tập trung, đồng loạt “né” rầy đạt 90% DTGT; sạ thưa, sạ lúa bằng nông cụ sạ hàng đạt 67% DTGT; tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng, xác nhận đạt 63% DTGT . Đó là chưa nói đến cơ giới hóa ở khâu làm đất, bơm nước, thu hoạch và sau thu hoạch cũng tăng đáng kể với tỷ lệ áp dụng rất cao. 

Được mệnh danh là “vương quốc” trái cây, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật giúp cho cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao, nhiều chương trình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân đã giúp họ nhận thức tốt về thời gian cách ly, quan tâm sử dụng các nhóm thuốc có nguồn gốc hữu cơ, sinh học để canh tác và phòng trị dịch hại, cung cấp cho thị trường những sản phẩm tương đối an toàn hơn so với trước đây.

Theo ước tính, đến nay trên địa bàn tỉnh có 200 ha sản xuất cây ăn trái được chứng nhận GAP. Còn chăn nuôi, cùng với triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng được quan tâm triển khai, nhân rộng.

Điển hình như mô hình ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được triển khai tại xã Mỹ Lợi A (Cái Bè), xã Dưỡng Điềm (huyện Châu Thành), xã  Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo), xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây) trong những năm qua.

Ngoài ra, qua các dự án, ngành Nông nghiệp có mô hình chăn nuôi giảm thiểu tác động môi trường thông qua hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư, xây dựng các công trình khí sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm khí trong nhà và cải thiện vệ sinh trang trại; đồng thời mang lại lợi ích về năng lượng sử dụng trong gia đình; giảm phát thải nhà kính...

Trên 8.500 công trình khí sinh học được xây dựng từ năm 2003 đến nay trên địa bàn tỉnh đã giúp xử lý, giảm thiểu hàng chục ngàn tấn chất thải, khí CO2. Cùng với đó, hiện nay, tỉnh đang quy hoạch lại các lò giết mổ gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, an toàn thực phẩm bảo đảm sản phẩm an toàn từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Là tỉnh ven biển với lợi thế nuôi trồng, khai thác thủy sản, tỉnh đã và đang xúc tiến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong khai thác, nuôi trồng  thủy sản, dịch vụ khai thác thủy sản ở vùng biển xa. Đối với nuôi thủy sản, các mô hình chăn nuôi theo hướng cộng đồng, tăng cường hướng dẫn kỹ thuật trong phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ vật nuôi không ngừng được nhân rộng.

Kết quả, trên địa bàn tỉnh đã triển khai, nhân rộng hàng trăm ha nuôi theo mô hình tôm - lúa; hình thành các tổ quản lý nuôi cộng đồng trong nuôi tôm; triển khai một số mô hình chăn nuôi thủy sản đạt chứng nhận GAP. Song song đó, ngành còn tăng cường quản lý, kiểm soát các dư lượng trên thủy sản.

MỞ RỘNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ

Những năm gần đây, việc liên kết trong sản xuất nông sản với chế biến và tiêu thụ được các ngành, các cấp quan tâm xúc tiến. Nỗi bật trong số này là xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Qua các năm triển khai thực hiện, đến năm 2014, toàn tỉnh có 8 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu với trên 3.400 ha lúa cho 5.600 hộ, trong đó diện tích thực hiện thành công hợp đồng là 1.720 ha với sản lượng thu mua 11.000 tấn.

Trong vụ đông xuân 2014 - 2015, có 3 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng với tổng diện tích thu mua 1.900 ha, sản lượng 15.500 tấn. Trong liên kết tiêu thụ trái cây, đến nay trên địa bàn có 7 hợp tác xã (HTX Xoài cát Hòa Lộc, Mỹ Lương, An Hữu, Quyết Thắng, Vú sữa Vĩnh Kim, Sơ ri Gò Công…) và 4 tổ hợp tác (THT) nông nghiệp (THT chôm chôm Tân Phong, cam sành Mỹ Lợi A, nhãn Nhị Quý…) đã ký hợp đồng với các đối tác như Công ty TNHH Thịnh Phát; Tập đoàn Metro Cash & Carry; Công ty  TNHH  Phương Anh ở Hà Nội; Công ty HatchanDo - Japan…

Chăn nuôi gia cầm bằng đệm lót sinh học ở HTX Chăn nuôi Thủy sản Gò Công.
Chăn nuôi gia cầm bằng đệm lót sinh học ở HTX Chăn nuôi Thủy sản Gò Công.

Qua mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, thủy sản, gia súc, gia cầm, các HTX sản xuất các sản phẩm trên đã tiến hành tham gia thực hiện tiêu thụ qua hợp đồng với doanh nghiệp, nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như HTX rau an toàn Long Thuận, HTX Rau an toàn Thạnh Trị (4 tấn/ngày), HTX Thủy sản Hòa Hưng (200 tấn/năm); HTX Chăn nuôi Thủy sản Gò Công (1,5 tấn/ngày).

Ngoài ra, trên địa bàn còn có chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với các điểm thu mua sữa của Công ty Vinamilk (đặt tại xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) và xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho), Công ty Dutch Lady (đặt tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành) với tổng số hộ tham gia trong chuỗi liên kết  này trên 300 hộ, trung bình tổng sản lượng sữa xuất đi TP. Hồ Chí Minh  từ 12 - 15 tấn sữa/ngày.

Nói về xây dựng và mở rộng mô hình sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thủy sản trên địa bàn trong thời gian qua, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành  đã đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình áp dụng các tiến bộ, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất đã góp phần nâng cao chất lượng nông sản, giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh  của  nông sản trên thị trường.

Cùng với đó, ngành tập trung triển khai nhân rộng việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là trên lúa gạo, trái cây, thủy sản, chăn nuôi, để những nông sản trên có thể đứng vững ngay trên “sân nhà”. Cụ thể, theo ước tính, đến nay việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ trên lúa, gạo khoảng 10%, chăn nuôi 10%, trái cây 10%, rau màu 30%, thủy sản 30%. Trong đó, lúa gạo và thủy sản là 2 mặt hàng đang hội nhập mạnh vào thị trường thế giới, chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước và của tỉnh.

Từ kết quả đạt được, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đang tiếp tục phát huy lợi thế có được để nâng sức cạnh tranh cho nông sản, cố gắng hạn chế những bất lợi của quá trình hội nhập, đóng góp mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh.

Theo đó, ông Hóa cho biết, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ mới vào sản xuất để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường tiếp cận, tạo bước đột phá về sức cạnh tranh; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; đa dạng hóa các hình thức liên kết và tiêu thụ; hình thành chuỗi giá trị theo ngành hàng chủ lực, trước mắt hình thành chuỗi giá trị lúa, gạo, heo, bò, thủy sản và một số loại trái cây chủ lực.

N.VĂN

.
.
.