Thứ Sáu, 05/06/2015, 07:37 (GMT+7)
.

Câu chuyện từ HTX Dệt len Chiến Thắng

Câu chuyện của Hợp tác xã (HTX) Dệt len Chiến Thắng có lẽ sẽ mang lại nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xử lý khủng hoảng, vượt qua khó khăn đối với nhiều đơn vị kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Hệ thống máy móc của HTX Chiến Thắng đã tự động hóa hoàn toàn.
Hệ thống máy móc của HTX Chiến Thắng đã tự động hóa hoàn toàn.

Có thâm niên hoạt động trên 35 năm, ban đầu là tổ hợp nhỏ chuyển dần thành tổ hợp tác và trở thành HTX Chiến Thắng đến nay. Là một đơn vị kinh tế tập thể có quy mô nhỏ, luôn thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, máy móc thiết bị lạc hậu nhưng luôn giữ vững ý chí vươn lên, luôn đổi mới, năng động và sáng tạo để ngày càng phát triển.

Thế nhưng, khi bước vào giai đoạn “giông bão” của nền kinh tế thế giới và trong nước, hàng loạt đơn vị kinh tế rơi rụng, gặp khó khăn, Chiến Thắng cũng không nằm ngoài quy luật chung này. Nặng nề nhất là vào năm 2009, khi khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra, các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước đều gặp khó khăn. Trong khi nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc phải co cụm lại để duy trì sản xuất, để vượt qua khủng hoảng thì HTX Chiến Thắng phải chọn cho mình một hướng đi mới là liên doanh với đối tác để phát triển và mở rộng sản xuất.

Bà Đặng Thị Ngọc Dung, Giám đốc đơn vị nhớ lại, đánh giá về thực trạng nền kinh tế lúc bấy giờ mới thấy rằng, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều đang khó, dệt len càng khó hơn do cạnh tranh với các nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Trung Quốc, Malaysia rất gay gắt.

Chính thực tế này, nếu làm theo kiểu cũ các doanh nghiệp trong ngành dệt len Việt Nam không thể nào trụ nổi do cạnh tranh giá gia công rất khốc liệt. Muốn trụ vững và phát triển buộc lòng các doanh nghiệp trong ngành phải thay đổi tư duy, máy móc, thiết bị công nghệ.

“Tất nhiên, HTX Chiến Thắng cũng phải đi theo xu hướng chung này. Mặc dù tiềm lực không vững, tài chính không mạnh nhưng HTX Chiến Thắng xác định bằng mọi cách phải đầu tư, thay đổi máy móc thiết bị hiện đại nhằm vượt qua khó khăn mới có thể sống được”- bà Đặng Thị Ngọc Dung cho biết.

Từ thực tế như thế, HTX phải đi một bước quan trọng là liên doanh, liên kết với đối tác Hồng Kông chấp nhận sản xuất các mặt hàng của Nhật Bản. Sản phẩm cung cấp cho Nhật Bản đòi hỏi chất lượng cao nhưng giá lại thấp. Đây lại là một thách thức không nhỏ đối với đơn vị. Muốn đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của khách hàng, HTX đã đề nghị đối tác hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại, chuyển đổi từ dệt thủ công sang tự động hóa toàn bộ.

Có như vậy giá thành sản xuất ra mới có khả năng cạnh tranh, đủ sức nhận được nhiều đơn hàng với số lượng lớn. Tiếp đó, năm 2009 HTX Chiến Thắng đã góp vốn để tham gia thành lập Công ty cổ phần Dệt len Phương Nam nhằm huy động nguồn lực tài chính của đối tác, xây dựng nhà xưởng sản xuất theo quy mô công nghiệp, đầu tư trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của thế giới, tạo nền tảng phát triển cho ngành dệt len.

Với định hướng đó, đến đầu năm 2015 tất cả hệ thống máy móc của đơn vị đã được thay thế theo hướng tự động hóa. Nhờ lựa chọn được lối đi riêng, HTX Chiến Thắng đã vượt qua khủng hoảng, từng bước phát triển vững mạnh.

Từ đầu năm 2014, để chủ động trong việc hoạch định, mở rộng hơn trong ngành dệt len xuất khẩu, HTX Chiến thắng đã mạnh dạn thuê nhà xưởng của Công ty cổ phần Dệt len Phương Nam để mở rộng sản xuất. Nhờ nhà xưởng sản xuất hợp tiêu chuẩn quốc tế, HTX Chiến Thắng đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật và được khách hàng Nhật bao tiêu sản phẩm, giúp HTX có đơn hàng ổn định.

Kết quả là trong năm 2014 HTX Chiến Thắng sản xuất được 330.000 sản phẩm, với tổng doanh thu là 30 tỷ đồng, vượt 160% so với năm 2013. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, số lượng sản phẩm mà đơn vị sản xuất ra đã đạt 180.000 sản phẩm, vượt 50% so với cùng kỳ năm 2014, với doanh thu 15 tỷ đồng.

Thế nhưng, để phát triển ổn định và bền vững, theo bà Đặng Thị Ngọc Dung, lãnh đạo địa phương cũng như các sở, ngành cần tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có điều kiện tiếp cận được thông tin, nhất là thông tin về thị trường, khoa học - kỹ thuật, máy móc thiết bị, công nghệ mới phù hợp với xu thế chung của thế giới; tổ chức các cuộc hội chợ, triển lãm, tham quan, giúp đỡ quảng bá thương hiệu rộng rãi và tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng các dự án có hiệu quả nhằm tranh thủ được nguồn vốn ưu đãi và các hỗ trợ khác.

PHƯƠNG ANH

.
.
.