Thứ Sáu, 05/06/2015, 13:56 (GMT+7)
.

Phấn khởi với con đường trên huyện mới

Nhìn vào bức ảnh trên đây chụp Cầu Chợ Phú Mỹ với lưu lượng người và các loại xe cộ qua lại hẳn không tạo được sự chú ý của nhiều người. Nhưng những người dân ở 2 bên đầu cầu đều bảo với chúng tôi rằng, nhờ có cây cầu bê tông có tải trọng 30 tấn ấy thay cho cây cầu đúc bê tông có từ thời Pháp thuộc mà giờ đây con đường nơi cây cầu bắc qua mới thật sự được thông xe, giúp cho người dân ở nhiều xã của huyện Tân Phước có thể ngồi xe con, hay xe khách, xe tải thẳng hướng sang TP. Tân An của tỉnh Long An với độ dài (tính từ cây cầu này) chỉ có 9,5 km, hay lên TP. Hồ Chí Minh mà không phải đi vòng ra Quốc lộ IA (qua ngã thị trấn Tân Hiệp, hay ngã ba xã Long Định của huyện Châu Thành) tốn nhiều xăng, dầu và thời gian đi lại như trước đây nữa.

Tôi là người dân ở xã giáp ranh với xã Phú Mỹ và thuở nhỏ cũng đã từng học vài năm ở đây, vào mùa nước nổi thỉnh thoảng cùng với mấy đứa bạn học chung lớp trốn thầy ra ngồi trên cầu câu cá chốt, cá lăng (hồi đó nhiều vô số kể) nên biết khá rõ về cây cầu đúc lâu đời này.

Trước năm 1975, nó là cây cầu đúc bê tông duy nhất trên Tỉnh lộ 866 (còn lại là cây cầu dây văng bắc qua kinh Nguyễn Văn Tiếp thuộc xã Phú Mỹ, dốc khá thẳng đứng, chủ yếu là dành cho người đi bộ và cây cầu sắt lót ván trên địa bàn xã Tân Hội Đông, thuộc huyện Châu Thành, tải trọng không quá 10 tấn), có điều tải trọng của cây cầu đúc này nhỏ (nhưng không rõ là bao nhiêu vì không có biển báo), mặt cầu chỉ rộng khoảng 2,5m, chỉ vừa 1 làn xe khách từ 15 - 16 chỗ ngồi đi qua.

Điều đáng nói nữa là do lườn cầu đúc thấp, độ thông thuyền thấp, nên các loại ghe tải có mui, hay ghe có tải trọng từ 5 tấn trở lên rất khó khăn mới qua được, nhất là vào lúc nước lớn.

Cầu Chợ Phú Mỹ được khởi công xây dựng khoảng cuối năm 2007, hoàn thành vào cuối năm 2009, có tải trọng 30 tấn, nằm ở đoạn cuối Tỉnh lộ 866 (đầu Tỉnh lộ 866 giáp với Quốc lộ IA thuộc ngã ba thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành) nối với Tỉnh lộ 834 B (thuộc xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa của tỉnh Long An - cũng là quê nội của tôi) tiếp giáp với Quốc lộ 62.

Ở đầu cầu bên này (thuộc ấp Phú Hữu) ngay phía bên trái là Chợ Phú Mỹ có gần 100 năm tuổi, những năm qua nơi đây luôn buôn bán sung túc với thế mạnh của 1 chợ giàu sản vật của vùng Đồng Tháp Mười. Có lẽ vì vậy mà người dân ở đây và ngành Giao thông - Vận tải khi cắm biển đã lấy địa danh mà cây cầu hiện diện có ngôi chợ cổ để đặt tên cho nó nên có tên gọi là Cầu Chợ Phú Mỹ. Cũng theo cách đặt tên trên mà con sông khá sâu và rộng nơi cây cầu bắc qua cũng có tên gọi là Rạch Chợ.  

Đầu cầu phía bên kia (thuộc ấp Phú Xuân), 2 bên đường trước năm 2000 dân cư thưa thớt, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, đương đệm (còn phía bên tỉnh bạn 2 bên đường là các cánh đồng, 1 năm canh tác 3 vụ, tới mùa lúa chín vàng mơ) nay khá đông đúc với nhiều tiệm tạp hóa, quán giải khát, nhà máy xay xát lúa gạo, cơ sở sản xuất...

Từ đây đến cuối Tỉnh lộ 866 khoảng 1,3 km (chiều dài toàn tuyến 11,3 km). Còn nhớ, trước năm 2007, đoạn đường này và cả Tỉnh lộ 834B thuộc tỉnh Long An (với độ dài khoảng 3 km) tiếp giáp Quốc lộ 62 (từ TP. Tân Anh đi các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh này: Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa) vẫn còn là đường đá đỏ, nền đường rất thấp.

Năm 2000 nước lũ từ Đồng Tháp đổ về đã tràn qua một số đoạn của Tỉnh lộ 834B và một số nơi của đoạn cuối Tỉnh lộ 866. Cũng do một phần đường chưa thông, cộng với cầu chưa thoáng nên mãi đến nhiều năm sau đó, người và phương tiện qua lại trên đường và trên cầu chủ yếu là người đi bộ và người điều khiển các loại xe 2 bánh; ít có xe con, xe tải hay xe khách lưu thông.

Cùng với thời điểm xây cây cầu mới này, phía bên tỉnh Long An cũng tiến hành nâng nền cao hơn mực nước lũ năm 2000 và tráng nhựa Tỉnh lộ 834 B. Sau đó, phía bên Tiền Giang cũng tiến hành nâng nền và tráng nhựa phần đường của mình. Đến đây, người ta dễ dàng phân biệt ranh giới giữa 2 tỉnh lộ bởi cái cổng chào Ấp Văn hóa Phú Xuân được dựng ngay phía bên trái của cuối Tỉnh lộ 866 (cũng xin nói thêm, đầu ấp văn hóa này cũng là đầu một con đường đất mới mở được phóng thẳng lên Ngã năm Bắc Đông thuộc xã Thạnh Mỹ của huyện Tân Phước).

Một khi đường thông, cầu thoáng ắt hẳn sẽ góp phần quan trọng tạo thêm sự khởi sắc cho một vùng quê vốn được mệnh danh là giàu và đẹp đang trên đường xây dựng nông thôn mới với mốc thời gian về đích là vào năm 2017, và xa hơn là xây dựng Phú Mỹ trở thành đô thị trù phú. Nhưng cũng phải nói rằng, hiện nay trên con đường này hàng ngày người và các loại xe qua lại chưa phải là đông  đúc, song cũng khá đông vui.

Mới đây, khi gặp Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Đào Ngọc Lưu, chúng tôi được biết, hiện nay ngoài lưu lượng người và các loại phương tiện trong huyện, còn có các hãng xe khách (Minh Phát, Phương Anh, Hồng Hà) loại 16, 25 chỗ ngồi của tỉnh Đồng Tháp lưu thông qua lại (theo tuyến Bến xe Đồng Tháp - Thiên Hộ (Cái Bè), rồi xuôi theo Tỉnh lộ 865 xuống Phú Mỹ - đoạn qua Cầu Chợ Phú Mỹ xuống TP. Tân An để thẳng hướng Quốc lộ 1A lên TP. Hồ Chí Minh).

Ở chiều ngược lại, có tuyến xe buýt loại nhỏ (chở khoảng 8 - 10 khách) hàng ngày xuất bến trước Bệnh viện Đa khoa Long An - đến Bến xe Phú Mỹ. Theo quan sát của chúng tôi, cứ khoảng 30 - 45 phút là có 1 chuyến xe đến và đi, trên đường lúc nào cũng có khách đón xe.

Và trong một buổi sáng cuối tuần của tháng 4 - 2015 đẹp trời, trong lúc đứng chụp ảnh cây cầu từng lưu dấu ký ức của tôi, tình cờ tôi chụp được 4 chiếc ô tô loại 4 chỗ ngồi mang biển số 51A sơn màu trắng và 2 xe loại 4 chỗ ngồi mang biển số 62A, 66C sơn màu xanh lá cây đang thong thả qua cầu, sau đó tỏa về các xã trong huyện.

Hỏi ra thì chúng tôi được biết, đó là xe của các doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, khoảng 2 năm nay họ chọn con đường ngắn và tiện lợi này để đến các nơi trong huyện Tân Phước đầu tư cơ sở sản xuất, thành lập trang trại chăn nuôi, trồng trọt, mở điểm kinh doanh du lịch… Điều này làm cho tôi khá bất ngờ và trong lòng không khỏi phấn khích với con đường mà thuở nhỏ tôi không hề nghĩ nó sẽ có được diện mạo tươi sáng như ngày hôm nay!

NGỌC LAN

.
.
.