Thăng trầm thị trường tài chính, tín dụng
Trong thành tựu chung của kinh tế Tiền Giang suốt chặng đường đã qua có dấu ấn rất mạnh mẽ của khu vực Công nghiệp, Thương mại - Dịch vụ. Song cần phải nói rằng, trong lĩnh vực dịch vụ, thị trường tài chính, tín dụng đã thực sự “bùng nổ”, cung ứng nguồn vốn lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ký kết hợp đồng tài trợ vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp. |
Có lẽ thị trường tín dụng của Tiền Giang bắt đầu chuyển dịch mạnh mẽ từ năm 2007 cho đến nay. Điều này được đánh dấu bởi các “đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng thương mại (NHTM) như:
NHTM cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), NHTM cổ phần Sài Gòn (SCB), NHTM cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Á Châu (ACB), Vietcombank… chính thức đặt chân trên địa bàn Tiền Giang.
Không chỉ mở chi nhánh, mà hàng loạt phòng giao dịch trực thuộc cũng được xuất hiện ở hầu hết các trung tâm đô thị lớn như: TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, thị trấn Cai Lậy, Cái Bè, Vĩnh Kim (Châu Thành), Chợ Gạo.
Cùng với các NHTM cổ phần, các NHTM Nhà nước cũng bắt đầu chuyển động, thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm thích ứng với thị trường tài chính tiền tệ. Các NHTM Nhà nước cũng không thể nằm ngoài cuộc đua ráo riết mở rộng mạng lưới kinh doanh, nhằm phủ kín mạng lưới đến cơ sở. Và tất nhiên, cạnh tranh giữa các NHTM diễn ra quyết liệt hơn là điều không thể tránh khỏi.
Câu hỏi lớn đang được đặt ra là vì sao trong những năm gần đây thị trường tài chính ngân hàng tại Tiền Giang lại bùng nổ. Phải chăng đây là vùng đất màu mỡ còn nhiều tiềm năng. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi Tiền Giang đang xây dựng hàng loạt các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là ở phía Đông; tốc độc phát triển kinh tế của Tiền Giang luôn duy trì ở mức khá, nhiều dòng vốn đầu tư đang đổ dồn về Tiền Giang.
Ở khía cạnh khác, sự sôi động của thị trường tài chính, tín dụng một phần cũng nhờ vào sự ra đời hàng loạt của hệ thống các NHTM cổ phần trên phạm vi cả nước. Và tất nhiên, với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, Tiền Giang có ưu thế hơn khi hệ thống các NHTM lựa chọn để mở rộng mạng lưới kinh doanh. Một thời, hàng loạt NHTM tranh nhau mở chi nhánh, phòng giao dịch cũng là điều tất yếu.
Theo ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang, việc có nhiều ngân hàng đến Tiền Giang tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn tiếp cận được chính sách tín dụng, các dịch vụ tài chính hấp dẫn, nhanh chóng, với chi phí thấp.
Nếu nhìn ở một góc độ khác, việc xuất hiện của các ngân hàng dồn dập gần đây còn có nguyên do là các ngân hàng muốn nhanh chóng củng cố mạng lưới phân phối của mình, bám sát vào cơ sở làm nền tảng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam. Bởi theo cam kết của Việt Nam với WTO, từ ngày 1-4-2008 Việt Nam cho phép ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam.
Với tiềm lực về vốn, công nghệ và dịch vụ, ngân hàng nước ngoài hoàn toàn có khả năng chiếm lĩnh thị trường tài chính trong nước, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ. Con đường mà các ngân hàng trong nước thực hiện trong giai đoạn này có lẽ là bước đi thích hợp.
Song theo nhận định chung, sự xuất hiện của nhiều NHTM trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Những người am hiểu thị trường tài chính, tín dụng đã đưa ra nhận định rằng, tổng mức vốn huy động trên địa bàn tỉnh, kể cả cho vay những năm gần đây tăng cao nhưng có vẻ lại chưa tương xứng với tốc độ của các ngân hàng được mở ra. Điều này cho thấy, chiếc bánh thị phần tài chính chắc chắn sẽ được chia nhỏ do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn và còn do phần lớn người dân chưa có thói quen giao dịch với ngân hàng.
Ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Tiền Giang, từng nói rằng: “Tất nhiên cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn nhiều, ngân hàng nào có dịch vụ tốt hơn, có nhiều khách hàng truyền thống, quy mô tương đối lớn sẽ có nhiều lợi thế hơn”.
Sôi động thị trường tài chính, tín dụng. |
Còn nhìn từ thực tiễn hoạt động của các ngân hàng, dù có sôi động nhưng hầu như các ngân hàng mới ra đời đều không đặt nặng vấn đề về dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh và chỉ tập trung vào một nhóm đối tượng khách hàng để khai thác (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh…).
Đối với khách hàng là nông dân dường như chưa có NHTM cổ phần nào muốn với tới, chỉ trừ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai thác từ trước đến nay. Đích đến trước mắt của các NHTM cổ phần dường như cũng để tìm chỗ đứng hơn là hiệu quả kinh doanh… Chính thực tế này đã dẫn đến hệ quả là, khi kinh tế trồi sụt, tài chính của doanh nghiệp có vấn đề, không ít NHTM cổ phần rơi vào tình cảnh khó khăn, tỷ lệ nợ xấu cao, khả năng thanh khoản thấp.
Do vậy, chủ trương tái cơ cấu ngành Ngân hàng, mà cụ thể là sáp nhập, mua bán, xử lý các ngân hàng yếu kém đã và đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện. Và tất nhiên, thị trường tài chính, tín dụng trên địa bàn Tiền Giang cũng đang nằm trong giai đoạn tái cơ cấu lại theo chủ trương chung. Hiển nhiên, sẽ có ngân hàng mất đi do năng lực tài chính yếu kém.
Nhưng dẫu sao, sự bùng nổ về thị trường tín dụng trong thời gian qua cũng đã mang về cho tỉnh một nguồn vốn tín dụng rất lớn, tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp trong tỉnh cũng như những dịch vụ tiện ích trong giao dịch tiền tệ. Con số cụ thể cho thấy rằng, năm 2000 Tiền Giang chỉ có 3 NHTM Nhà nước, 15 quỹ tín dụng nhân dân với tổng vốn huy động chỉ có 851 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 1.903 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có mặt đến 27 ngân hàng, với 69 phòng giao dịch và 16 quỹ tín dụng nhân dân, với tổng vốn huy động đến đầu năm 2015 là 31.590 tỷ đồng, dư nợ cho vay là 23.184 tỷ đồng. Đây là những con số minh chứng cho nhịp độ tăng trưởng của thị trường tài chính, tín dụng trên địa bàn tỉnh chỉ hơn một thập niên qua. Chỉ riêng giai đoạn gần đây, từ năm 2010 - 2015, nhịp độ tăng trưởng huy động vốn đã tăng gấp 3 lần, dư nợ cho vay tăng gấp đôi.
“Với nhiều chính sách, gói tín dụng ưu đãi giúp cho các doanh nghiệp có nguồn vốn ổn định, duy trì ổn định sản xuất và phát triển đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế và thu ngân sách của tỉnh. Trong những năm tiếp theo, chủ trương của ngành Ngân hàng là chủ động, tích cực huy động nguồn vốn tại chỗ để sẵn sàng cung ứng vốn cho nền kinh tế” - ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang cho biết.
THẾ ANH