Tiềm năng du lịch Tiền Giang còn rất lớn
Du thuyền trên sông Tiền, đi thuyền chèo trong kinh rạch, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, tham quan các làng nghề truyền thống, chợ nổi trên sông, thưởng thức trái cây đặc sản, các món ăn địa phương, nghỉ đêm trải nghiệm trong các ngôi nhà cổ… Đó là những đặc trưng và lợi thế của du lịch Tiền Giang. Nhân sự kiện Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL 2015, chúng ta cùng nhìn lại những lợi thế đó, cũng như những định hướng trong tương lai.
Tát mương bắt cá ở Cù lao Thới Sơn. |
Nhìn lại du lịch Tiền Giang
Tiền Giang có hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt và đan xen nhau. Với nhiều cù lao như: Tân Phong, Ngũ Hiệp, Thới Sơn, Tân Long, Cồn Ngang… đã tạo nên những vườn cây ăn trái đặc sản bốn mùa như: Thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò; quýt Cái Bè, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sơri Gò Công…
Ngoài ra, nguồn tài nguyên nhân văn thể hiện ở lối sống chân chất, nhiệt tình và nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, đặc trưng của cư dân vùng sông nước, đã hình thành nên sản phẩm du lịch phong phú như: Đi thuyền chèo, nghe đờn ca tài tử, tát mương bắt cá, tham quan các làng nghề truyền thống, chợ nổi trên sông… cùng với không khí trong lành, thoáng mát của vùng sông nước Nam bộ đã tạo nên những ưu thế và thuận lợi cho hoạt động du lịch, thu hút sự hấp dẫn theo hướng du lịch sinh thái sông nước miệt vườn.
Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, những năm gần đây, khách du lịch đến Tiền Giang ngày một tăng, với tốc độ bình quân 10%, nhất là khách du lịch quốc tế. Năm 2014, Tiền Giang đón 1,4 triệu lượt khách, trong đó 600 ngàn lượt khách quốc tế. Từ năm 2011, Tiền Giang đã ký kết Chương trình liên kết, hợp tác với các tỉnh trong Cụm duyên hải phía Đông của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như: Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long và TP. Hồ Chí Minh.
Việc ký kết này nhằm mục đích liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu khách du lịch không ngừng gia tăng đến khu vực ĐBSCL. “Chúng tôi đã tổ chức các đoàn khảo sát kết nối tuyến, điểm du lịch với các tỉnh trong vùng nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm trong hợp tác phát triển du lịch. Liên kết đưa khách du lịch từ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh tham quan các điểm du lịch sinh thái ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long…;
Đồng thời đưa khách du lịch trong tỉnh đi tham quan các điểm du lịch đặc trưng của các vùng lân cận như: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau… và ngược lại. Hợp tác trao đổi thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lao động tại các doanh nghiệp và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh” - ông Phong cho biết.
Nhìn lại du lịch thời gian qua, ông Phong cho biết thêm: “Chúng ta thấy, vấn đề tạo ra sản phẩm đặc thù riêng, mang tính vùng miền và có khả năng liên kết sản phẩm cao sẽ hạn chế tính trùng lắp và nâng cao sức cạnh tranh của du lịch, đặc biệt trong thời kỳ du lịch đang hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế”. Xác định vai trò quan trọng như vậy nên trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung để xây dựng các sản phẩm du lịch, trên cơ sở khai thác lợi thế tự nhiên như: Vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái ngập nước và vùng sinh thái ngập mặn.
Du lịch đò chèo ở Cù lao Thới Sơn, TP. Mỹ Tho. |
Định hướng phát triển trong tương lai
Trong thời gian tới, ngành Du lịch Tiền Giang sẽ ưu tiên phát triển, xây dựng hệ thống các sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm mang đặc trưng riêng, có khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của thị trường du lịch, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Dự kiến năm 2015, tỉnh Tiền Giang sẽ đón 1,5 triệu khách du lịch, trong đó có 600 ngàn lượt khách quốc tế và đến năm 2020 dự kiến đón 2,2 triệu lượt khách, trong đó có 900 ngàn lượt khách quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách đến tham quan, ông Nguyễn Tấn Phong cho biết: “Tiền Giang đang thực hiện chiến lược định vị sản phẩm du lịch sinh thái, sông nước miệt vườn và gắn kết với cộng đồng, dựa vào những lợi thế cạnh tranh về vị trí địa lý và nguồn tài nguyên du lịch nổi trội để tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, mang thương hiệu riêng và hạn chế sự trùng lắp với các địa phương trong vùng”.
Trong đó, Tiền Giang sẽ tập trung phát triển các khu, điểm du lịch chính như: Cù lao Thới Sơn sẽ trở thành trung tâm du lịch, tạo điểm nhấn, mang đặc trưng của sản phẩm du lịch Tiền Giang. Với việc triển khai đầu tư 2 khu du lịch: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và khu đón tiếp khách du lịch đường bộ để tạo đột phá cho du lịch; đồng thời liên kết nhiều hộ dân để tạo thành tuyến du lịch sinh thái cộng đồng, với nhiều sản phẩm đặc trưng như thưởng thức các loại trái cây đặc sản, đi đò chèo trên kinh rạch, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm ẩm thực dân dã, sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa truyền thống người dân vùng sông nước Nam bộ, các dịch vụ tát mương bắt cá, tham quan cù lao bằng xe thô sơ…
Ông Nguyễn Tấn Phong cho biết, tại Hội thảo liên kết phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL trong Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL diễn ra tại TP. Cần Thơ vào cuối tháng này, ông đề xuất với Tổng cục Du lịch phải định hướng sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương, quan tâm hỗ trợ nguồn vốn. Hỗ trợ các tỉnh, thành xây dựng mô hình điểm trong việc liên kết tuyến, điểm để phát triển sản phẩm du lịch nổi trội, đặc thù của địa phương. Quy định bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành khi thành lập phải đầu tư xây dựng tuyến, điểm du lịch với sản phẩm mang đặc trưng địa phương. |
Khu du lịch Cái Bè, điểm nhấn là Chợ nổi Cái Bè, đặc trưng với sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn và du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái đặc sản cùng với khai thác Làng cổ Đông Hòa Hiệp mang nét đặc trưng với các loại hình dịch vụ nghỉ đêm ở nhà dân trong các ngôi nhà cổ, phát triển các khu resort Nam bộ chất lượng cao dọc theo dòng sông Tiền, theo hướng vừa văn minh, lịch sự, hiện đại, nhưng vẫn mang nét đặc trưng của văn hóa sông nước miệt vườn…
Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười điểm nhấn là Khu bảo tồn Đồng Tháp Mười với 107 ha rừng ngập nước thuộc huyện Tân Phước, gắn với khu tâm linh Thiền viện Trúc lâm Chánh giác. Với cánh đồng mênh mông, hệ sinh thái vùng ngập nước độc đáo, có các loài động - thực vật đặc hữu, Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười và khu Thiền viện Trúc lâm Chánh giác kết hợp sẽ đáp ứng nhu cầu tham quan của người dân, du khách trong và ngoài nước.
Tiền Giang cũng tập trung phát triển du lịch biển, trong đó chú ý đến Cồn Ngang, Cồn Vượt và các cánh rừng phòng hộ ven biển. Với nguồn tài nguyên biển khá độc đáo sẽ phát triển các dịch vụ như tham quan, tắm biển, thưởng thức các món hải sản để thu hút du lịch. Từ đây cũng có thể liên kết phát triển du lịch biển, đảo một cách thuận lợi với khu vực biển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) và biển Vũng Tàu.
Ngoài ra, ngành cũng tập trung phát triển du lịch văn hóa, lễ hội, làng nghề truyền thống như: Phát triển dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc. Với 21 di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, 125 di tích cấp tỉnh, các lễ hội, sự kiện như Lễ hội Nghinh Ông ở Vàm Láng, Lễ hội Kỷ niệm Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút, Ấp Bắc, Lễ hội Làng cổ Đông Hòa Hiệp… và các làng nghề truyền thống như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, cốm - kẹo, bánh phồng, bún - hủ tiếu, mắm tôm chà, tủ thờ Gò Công… sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
SĨ NGUYÊN