Tiêu thụ lúa gạo: Doanh nghiệp và nông dân đều gặp khó
Hiện nay, nông dân các huyện phía Tây của tỉnh đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa hè thu sớm 2015. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ lúa gạo ngày càng khó khăn, đã đẩy nông dân vào thế khó. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang loay hoay tìm đối tác để xuất khẩu lượng gạo tạm trữ trong vụ đông xuân vừa qua.
Lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp còn rất lớn. |
Nông dân khó bán lúa
Còn vài ngày nữa là ông Nguyễn Văn Minh (ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) thu hoạch 0,7 ha lúa hè thu sớm, năng suất ước đạt 7 tấn/ha. Tuy nhiên, ông Minh vẫn chưa tìm được thương lái đến mua lúa của mình. Ông Minh cho biết, chưa có năm nào việc tiêu thụ lúa gặp khó khăn như năm nay. Lúa đang chín rộ ngoài đồng, áp lực mùa mưa đang đến nên ai cũng nóng lòng muốn bán lúa tươi ngay tại ruộng. Nếu kéo dài 2 - 3 ngày nữa, ông phải thuê máy gặt đập và phơi dự trữ.
Có phần khá hơn, bà Nguyễn Kim Phượng (ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) kêu được thương lái bán 1,1 ha lúa hè thu sớm, với giá 4.250 đồng/kg. Bà Phượng đề nghị thương lái đưa tiền cọc 4 triệu đồng nhưng thương lái bảo không có tiền. “Tôi thấy giá lúa gạo diễn biến thất thường nên muốn lấy tiền cọc cho chắc ăn nhưng thương lái không chịu đưa. Họ cố tình không đưa để đến khi thu hoạch nếu giá lúa giảm thì họ yêu cầu người bán giảm giá, nếu không thì họ không mua” - bà Phượng cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, thương lái Lê Văn Em (ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) cho biết, giá lúa đang diễn biến rất khó lường, có thể tăng nhẹ nhưng cũng có thể giảm mạnh. Các doanh nghiệp hiện nay cũng đang rất dè chừng để mua. Bởi trong vụ đông xuân vừa qua, doanh nghiệp tạm trữ với số lượng gạo rất lớn, nhưng do chưa tìm được đầu ra nên lượng gạo trong kho còn rất nhiều. Vì vậy, nông dân càng gặp khó khăn trong việc tiêu thụ lúa vụ hè thu sớm 2015.
Theo Sở NN&PTNT, nông dân ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành và TX. Cai Lậy đã thu hoạch 10.000/40.000 ha lúa hè thu sớm, năng suất ước đạt 6,5 tấn/ha. Trong vài ngày tới, nông dân sẽ thu hoạch rộ vụ lúa hè thu sớm.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng gặp khó
Không chỉ có nông dân mà doanh nghiệp cũng đang gặp khó trong việc tiêu thụ lúa gạo. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho việc tiêu thụ lúa gạo trong vụ hè thu sớm gặp khó khăn. Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2015, Công ty Lương thực Tiền Giang đã bán ra 45.346 tấn gạo, đạt 18,89% kế hoạch năm và chỉ bằng 65,56% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh số bán đạt 430 tỷ đồng, bằng 84,08% cùng kỳ năm trước. Việc tiêu thụ chủ yếu vẫn là nhóm gạo cao cấp 5% tấm, gạo thơm (trên 60%), còn lại gạo cấp trung bình và cấp thấp 25% tấm, trong đó, gạo xuất khẩu và cung ứng xuất khẩu là 31.223 tấn, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước; riêng xuất khẩu trực tiếp đạt 22.223 tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 10,86 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là châu Á (55,79%), kế đến là châu Phi (28,62%). Đặc biệt, thị trường Mỹ và châu Mỹ giảm mạnh do gặp rào cản kỹ thuật về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Lúa hè thu sớm 2015 chưa bán được. |
Tình hình xuất khẩu, tiêu thụ gạo 5 tháng đầu năm 2015 giảm và đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nguồn cung của các nước xuất khẩu gạo dồi dào, tạo sự cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường. Các nước xuất khẩu gạo lớn như: Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan tăng cường giành thị phần tại châu Phi, Trung Đông… Campuchia cũng đẩy mạnh xuất khẩu vào Liên minh châu Âu, Trung Quốc… Trong khi đó, một số nước nhập khẩu gạo bắt đầu dùng chính sách bảo hộ nông nghiệp, như Indonesia trước đây nhập khẩu rất nhiều, nay bắt đầu hạn chế nhập khẩu, tăng cường tự cung, tự cấp trong nước.
Do đặc thù ngành lúa gạo, về dài hạn, diễn biến thị trường xuất khẩu gạo sắp tới nhìn chung sẽ còn phức tạp và khó lường, trong đó tùy thuộc vào động thái của các nhà cung cấp lớn như Thái Lan, Ấn Độ... và nhu cầu của các nước nhập khẩu, nhất là từ Philipines, Malaysia, chính sách nhập gạo tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc, cũng như những biến động kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Do vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều cạnh tranh và thách thức. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, từ khoảng cuối tháng 6 đến tháng 7 tới, dự báo thị trường xuất khẩu gạo có thể sẽ khởi sắc hơn với sự xuất hiện nhu cầu từ các hợp đồng tập trung của Philipines, Malaysia…
Để tiêu thụ được lượng lúa gạo của nông dân, ông Lê Thanh Khiêm kiến nghị cần có chính sách quy hoạch, cân đối diện tích trồng lúa phù hợp; quy hoạch vùng, chủng loại giống theo sát nhu cầu của từng phân khúc thị trường, tránh sản xuất tự phát, chào hàng xuất khẩu những gì đang có như hiện nay (thông qua chương trình liên kết xây dựng Cánh đồng lớn theo QĐ 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Từng bước xây dựng cho bằng được thương hiệu gạo, trong đó nền tảng là tổ chức lại hệ thống sản xuất giống lúa và tổ chức sản xuất lúa gạo theo hướng sản xuất lớn, tập trung, gắn với xây dựng xã nông thôn mới, hợp tác xã kiểu mới. Cần định hướng và có chính sách hỗ trợ nông dân thay đổi dần tập quán bán lúa tươi tại ruộng, khuyến khích nông dân phơi sấy, tạm trữ, ký gửi tại các kho… chờ giá cao để bán nhằm tránh áp lực cung lúa gạo trên thị trường vào thời điểm thu hoạch rộ, nhất là trong vụ hè thu.
SĨ NGUYÊN