Trái cây về chợ nhiều, giá giảm
Hiện nay, nhiều loại trái cây đang bước vào mùa thu hoạch rộ. Do đó, trái cây được bày bán tràn ngập các chợ, từ thành thị đến thôn quê, với giá giảm khá mạnh.
Trái cây đụng hàng, giá rẻ
Cùng với hàng loạt các loại trái cây ở các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ đang vào mùa chín rộ, trái vải miền Bắc cũng rầm rộ đưa vào miền Nam, tạo nên nguồn hàng trái cây về các chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho cũng như ở các chợ quê rất phong phú. Do nguồn hàng dồi dào nên giá các loại trái cây nội địa đều đang ở mức khá rẻ, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng.
Trái cây về các chợ nhiều, với giá bán khá rẻ (Ảnh chụp tại chợ trái cây đầu mối phường 4, TP. Mỹ Tho). |
Từ nhiều ngày nay, thị trường trái cây với sự chiếm ưu thế của trái vải đã có mặt ở hầu khắp các sạp trái cây từ cao cấp đến bình dân và đội quân xe đẩy bán rong khắp TP. Mỹ Tho. Giá trái vải cũng xuống nhanh, từ mức xấp xỉ 50.000 đồng/kg cách đây khoảng 20 ngày thì nay chỉ còn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Còn giá bán một số loại trái cây khác cũng đang ở mức khá “mềm” như: Chôm chôm từ 15.000 - 25.000 đồng/kg (tùy loại), xoài cát Hòa Lộc từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, thanh long từ 3.000 - 5.000 đồng/kg, bơ sáp từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, mãng cầu ta từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, các loại sầu riêng có giá từ 25.000 - 35.000 đồng/kg… Mặc dù giá nhiều loại trái cây đang ở mức giảm so với thời điểm trước đây 1 tháng nhưng một số tiểu thương cho biết, sức mua không tăng mạnh, mức bán ra vẫn bình thường.
Chị Vân, tiểu thương kinh doanh trái cây ở chợ Thạnh Trị (TP. Mỹ Tho) cho biết: “Năm nào vào tháng này, giá bán nhiều loại trái cây cũng rẻ. Nhiều loại trái cây đang vào mùa, dội chợ như vải, thanh long, chôm chôm... Vải là mặt hàng trái cây về chợ nhiều nhất hiện nay. Mặc dù giá bán trái vải đã giảm hơn 50% so với giá bán đầu mùa nhưng lượng trái vải bán ra hàng ngày cũng không nhiều, do đụng với nhiều loại trái cây khác cũng đang có giá bán khá rẻ”.
Đại diện một số chủ vựa trái cây ở chợ đầu mối trái cây phường 4, TP. Mỹ Tho cho biết, riêng đối với ngành hàng trái cây, ngoài mùa Tết thì từ nay đến hết tháng 6 (từ rằm tháng 4 đến Tết Đoan ngọ - Mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm) là khoảng thời gian đỉnh điểm về sản lượng. Ngoài trái vải có số lượng về tăng đột biến trong năm nay thì các loại trái cây khác như chôm chôm, bưởi, xoài, măng cụt, dâu... đều tăng từ 20 - 30% so với thời điểm trước đây hơn 1 tháng, do Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch rộ.
Theo dự báo của giới chuyên kinh doanh mặt hàng trái cây, vào dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), mặt hàng trái cây sẽ hút, trong đó có các loại trái cây vào mùa vụ chính như: Sầu riêng, chôm chôm, vải, măng cụt... Dự kiến, sức tiêu thụ các loại trái cây này vào thời điểm đó sẽ tăng từ 15 - 20% so với sức mua hiện nay.
Theo khuyến cáo của các nông dân làm vườn, người tiêu dùng nên sử dụng trái cây chính vụ như thời điểm hiện nay sẽ bảo đảm được yêu cầu: Ngon, bổ, rẻ, vì đây là thời gian rất thuận về thời tiết đối với các loại trái cây nên ra trái nhiều, chất lượng tốt nhất. |
Cần có giải pháp cho đầu ra
Vấn đề tiêu thụ trái cây, nông sản lâu nay vẫn luôn tồn tại “điệp khúc” được mùa, rớt giá làm cho nhiều nông dân phải lâm vào tình trạng khốn đốn. Thời gian qua, nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu, hành tím... hay hiện nay là trái vải đang được các hệ thống, đơn vị bán lẻ tích cực tham gia vào việc “giải cứu” giúp nông dân tiêu thụ, với giá bảo đảm có lời và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá tốt nhất. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần ngọn của vấn đề.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để không còn chịu cảnh được mùa, rớt giá, rất cần sự thay đổi thói quen sản xuất của nông dân, trong đó từ bỏ cách trồng trọt theo phong trào. Nếu thích gì trồng nấy, không đầu tư cho chất lượng cây trồng thì sẽ phụ thuộc vào thương lái và bị ép giá.
Bên cạnh đó, nhà vườn cũng nên tham gia vào các hợp tác xã nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Làm vườn… để được hướng dẫn sản xuất theo kỹ thuật cao và có cơ hội bán hàng trực tiếp cho các nhà phân phối, bảo đảm đầu ra, giá cả. Nếu nông dân cứ sản xuất theo hướng đại trà, thích gì trồng nấy, không theo quy trình, tiêu chuẩn nào thì khó có thể gia tăng giá trị sản phẩm, khó chen chân vào các thị trường khác và luôn phải chịu thiệt thòi về giá cả.
Ngoài ra, nhà vườn cũng cần nắm bắt kịp thời xu thế thị trường, chủ động hơn trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Một trong những cách nông dân chọn là sản xuất theo mùa nghịch, né các vụ trái cây khác cùng mùa, có thể giúp ổn định đầu ra, giá cả cũng cao hơn. Cách làm này đang được nhiều nhà vườn trồng sầu riêng, chôm chôm của huyện Cai Lậy áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
PHƯƠNG NGHI